| Hotline: 0983.970.780

Thị trường gỗ cuối năm dự báo kém sôi động

Thứ Sáu 29/07/2022 , 07:22 (GMT+7)

Khoảng 71% doanh nghiệp trong khảo sát của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, số đơn hàng từ giờ đến cuối năm sẽ tiếp tục đà giảm.

Mục tiêu xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong năm 2022 là 16,3 tỷ USD.

Mục tiêu xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong năm 2022 là 16,3 tỷ USD.

Trích khảo sát trên 52 doanh nghiệp mà các hiệp hội gỗ vừa phối hợp Forest Trends thực hiện, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) - cho biết, 33/45 doanh nghiệp xuất khẩu đi Mỹ; 24/38 doanh nghiệp xuất khẩu đi EU và 17/25 doanh nghiệp xuất khẩu đi Anh có doanh thu giảm gần 40% so với các tháng đầu năm.

Số doanh nghiệp có doanh thu hiện tại tăng rất nhỏ, theo ông Lập. Ngoài ra, khoảng 71% doanh nghiệp nhận định tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. 44% doanh nghiệp cho rằng nguồn thu giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.

"Các doanh nghiệp hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào", ông Lập nói.

Lý giải cho thực trạng này, ông Lập phân tích: "Lạm phát tăng cao ở các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Anh... tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành gỗ. Đa số đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào".

Để khắc phục khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã giảm quy mô sản xuất, chuyển đổi mặt hàng, chuyển đổi thị trường. Những việc này khiến mục tiêu xuất khẩu gỗ 16,3 tỷ USD của ngành gỗ năm 2022 bị ảnh hưởng.

Chia sẻ thêm về mục tiêu xuất khẩu gỗ năm nay, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, tăng trưởng xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2022 đạt thấp so với cùng kỳ năm 2021 và những năm trước đó.

Cụ thể, tính tổng 7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 10,42 tỉ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo ông Nghĩa, nguyên nhân của vấn đề nằm ở thị trường xuất khẩu chính (Mỹ) giảm 4,9%, do chính sách thắt chặt tín dụng để kìm hãm lạm phát. Nhu cầu tiêu dùng của thị trường này bị kéo giảm, khiến tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành không đạt kỳ vọng, dù xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc tăng trưởng trên 13% do xuất khẩu dăm gỗ và viên nén tăng.

Một nguyên nhân nữa, là giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm tăng cao. Các loại chi phí vật tư sản xuất, vận chuyển đều tăng mạnh.

Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp lạc quan về nguồn cung nguyên liệu từ gỗ rừng trồng trong nước. Ông Nghĩa tin rằng, nguồn cung gỗ nội địa cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất.

Bên cạnh cam kết tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư chế biến gỗ và lâm sản tại các tỉnh miền núi phía bắc và Hội thảo Thúc đẩy thương hiệu gỗ tại phía Nam, Tổng cục Lâm nghiệp lưu ý nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu gỗ. Lý do bởi nhu cầu sản xuất dăm gỗ và viên nén tăng, dẫn đến tăng giá thu mua và các chủ rừng có xu hướng chặt rừng non (rừng trồng 3-4 tuổi).

VIFOREST đề nghị khối ngân hàng có chính sách ưu đãi để doanh nghiệp ngành gỗ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại như giãn nợ, gia hạn các khoản vay đến hạn, cho vay tồn kho... Bên cạnh đó, Hiệp hội kiến nghị Bộ Tài chính có chính sách hỗ trợ về thuế, phí như giảm, chậm thu thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm tiền thuê đất; hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh hơn nhằm trả vốn cho doanh nghiệp.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Công nghệ dinh dưỡng Vinco Roots bồi bổ cho đất

ĐBSCL Vinco giới thiệu dòng sản phẩm hữu cơ sinh học Vinco Roots, bổ sung vi lượng giúp cây khỏe và đang chứng minh hiệu quả trên các cánh đồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.