Sáng danh chiến sĩ Điện Biên, chúng ta không thể quên Thiếu tướng Đặng Kim Giang - Chủ nhiệm hậu cần toàn chiến dịch.
Thiếu trướng Đặng Kim Giang (1910 – 1983). (Ảnh tư liệu: Kiều Mai Sơn). |
Tôi lại có dịp được nghe nhà giáo Đỗ Ca Sơn nhắc lại những thời khắc và những con người không thể nào quên đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày ấy.
Ngày ấy, chàng trai Hà Nội Đỗ Ca Sơn trẻ măng mới 22 tuổi. Còn bây giờ, ông đang chầm chậm đến tuổi 90. Ông lặng lẽ cho tôi xem chiếc huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ. Câu chuyện về Điện Biên Phủ của người lính già dành cho tôi ở một cấp đặc biệt. Không phải cấp chiến lược, chẳng hề có cấp chiến thuật, đó là cấp… chiến hào.
Trong số những người làm nên lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Đỗ Ca Sơn bùi ngùi chia sẻ với tôi về Thiếu tướng Đặng Kim Giang - Chủ nhiệm chiến dịch.
Lo từng hạt cơm, viên đạn
Phương châm chiến dịch thay đổi, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng phải thay đổi toàn bộ kế hoạch tác chiến. Tất cả những sự chuẩn bị từ trước cho đến ngày 26/1/1954 đều trở lại vạch xuất phát.
Trách nhiệm nặng nề đặt lên vai Chủ nhiệm Hậu cần chiến dịch Đặng Kim Giang. Ông phải chỉ đạo chuẩn bị hậu cần để nuôi khoảng 4 - 5 vạn quân và hàng vạn dân công thêm vài tháng.
Dự kiến ban đầu công tác chuẩn bị hậu cần chỉ từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2, trên thực tế sau khi thay đổi phương châm tác chiến, hậu cần phải lo thêm ba tháng cho đến ngày chiến thắng 7/5/1954.
Là Chủ nhiệm cung cấp, một trong bốn thành viên của Bộ chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận, chịu trách nhiệm đảm bảo quân lương, súng đạn cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Đặng Kim Giang báo cáo Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong cuộc họp với Đảng ủy chiến dịch về khó khăn của công tác hậu cần: “Điện Biên Phủ mỗi ngày quân ăn 50 tấn gạo, dân công gánh gạo từ Thanh Hóa lên đến kho thì tính ra chỉ còn 1 đến 2 kilôgam mỗi người. Ta chỉ có 268 xe Liên Xô viện trợ, đường độc đạo bị địch đánh ghê gớm, nhất là ở đèo Lũng Lô, ngã ba Cò Nòi…”.
Đường sá xa xôi, phương tiện thô sơ, nếu chỉ chuyên chở bằng sức người, dọc đường dân công ăn phần lớn lương thực, khi tới mặt trận chỉ còn 8%. Chiến dịch ban đầu định giải quyết trong 3 ngày, sau kéo dài thành 56 ngày đêm.
Trong khi Bộ Chỉ huy mặt trận với các bộ phận tư lệnh, tham mưu, chính trị, quân báo,… đóng tại chỉ huy sở Mường Phăng, thì riêng bộ phận chỉ huy hậu cần chuyển ra ngoài, sát đường vận chuyển để tiện chỉ huy.
Đầu tháng 4/1954, trên tấm biểu đồ treo tại sở chỉ huy của Tổng tư lệnh ở Mường Phăng theo dõi tiến độ gạo nhập kho của mặt trận, mũi tên chỉ con số gạo nhập hàng ngày cứ chúc dần xuống, có ngày là con số không. Chủ nhiệm hậu cần chiến dịch Đặng Kim Giang triệu tập cấp tốc cán bộ chỉ huy các tuyến về bàn các phương án khắc phục để đẩy nhanh gạo lên tiền tuyến.
Trong khi đó, dưới ánh lửa bập bùng bên dòng sông Nậm Rốm, Đại tướng Navarre nói với binh sĩ: “Việt Minh muốn đưa quân lên đây, nhưng họ phải lo việc cung cấp quá lớn, trên một chặng đường quá dài, qua những vùng hiểm trở, nghèo xác xơ mà đường giao thông gần như chưa có. Vận tải của Việt Minh chỉ toàn bằng “cu li” gánh bộ, nếu có bằng ôtô chăng nữa thì phải đi trên những chặng đường rất xấu, luôn luôn bị không quân Pháp cắt đứt” (H. Navarre: Đông Dương hấp hối (Hồi kí), Nhà xuất bản Plon, Paris, 1956).
“Nhìn lại việc đảm bảo hậu cần trong chiến dịch, anh em cựu chiến binh chúng tôi biết ơn sự đóng góp công lao rất lớn và quan trọng của anh Đặng Kim Giang - Nhà giáo Đỗ Ca Sơn tâm sự - Anh là người đã lo từng hạt cơm, viên đạn để làm nên tiếng sấm Điện Biên Phủ, chiến thắng rung chuyển địa cầu. Có thiếu thốn về hậu cần chứ anh không để bộ đội đói. Anh đã đôn đốc đảm bảo đủ gạo ăn cho đến ngày chiến dịch thắng lợi”.
Tự hào chiến sĩ Điện Biên
Tôi theo hai bác Đặng Kim Ân và Vũ Thu Phương, con dâu trưởng và con gái cụ Vũ Đình Huỳnh – Bí thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm cụ Nguyễn Thị Mỹ, phu nhân Thiếu tướng Đặng Kim Giang. Năm đấy, cụ giáo Mỹ tuổi đã gần thế kỷ, cơn tai biến ập đến khiến sức khỏe của cụ suy sụp. Vậy mà, nhắc đến ba tiếng Đặng Kim Giang, đôi mắt cụ ánh lên nghị lực, dù khó nhọc cất tiếng song cụ vẫn đọc những vần thơ, nhắc đôi dòng kỷ niệm về “ông Giang chồng tôi”.
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) - Từ trái quan phải: Đặng Kim Giang, Lê Liêm, Hoàng Văn Thái, Võ Nguyên Giáp. (Ảnh tư liệu: Kiều Mai Sơn). |
Sinh năm 1910, quê tại xã Minh Hưng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, Đặng Văn Rao – tên khi sinh của Thiếu tướng Đặng Kim Giang, tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội từ năm 1928. Năm 1930, ông trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương.
Hoạt động cách mạng, ông bị thực dân Pháp kết án 12 năm tù giam, giam tại các nhà lao: Hoả Lò, Hoà Bình, Sơn La. Năm 1945, sau khi vượt ngục, ông tham gia chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Hà Đông (nay thuộc Thủ đô Hà Nội), và trở thành Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Đông, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hà Đông.
Nhắc đến tiểu sử Thiếu tướng Đặng Kim Giang từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến chiến thắng Điện Biên Phủ là một giai đoạn đầy tự hào. Ông lần lượt đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng thuộc Khu 2, Liên khu 3, Phó bí thư Khu ủy Khu 2, Thường vụ khu ủy, Phó Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Kháng chiến Liên khu 3. Chuyển sang quân đội, từ năm 1951, ông là Phó chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần).
Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ “Đường tới Điện Biên Phủ” cho đến “Điểm Biên Phủ điểm hẹn lịch sử” cho chúng ta thấy Đặng Kim Giang là một bộ tướng luôn sát cánh cùng Tổng Tư lệnh trong các chiến dịch: Thượng Lào, Biên Giới, Hòa Bình, Tây Bắc, Hà Nam Ninh… Đảm bảo hậu cần để bộ đội “ăn no đánh thắng” là nhiệm vụ quan trọng trên vai Thiếu tướng Đặng Kim Giang. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ ông là Chủ nhiệm hậu cần, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp tiền phương, là một trong bốn thành viên của Bộ chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ: Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái, Lê Liêm và Đặng Kim Giang.
Cuộc đời ông cũng gặp biến cố. Để rồi, trải qua biến cố phi thường và sau đó là những ngày tháng gian lao cùng cực. Gia đình ông, trong đó có vợ ông, nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ và 7 người con vẫn vượt qua nhọc nhằn để tự lực vươn lên, 3 người là cán bộ trung cấp, 5 kỹ sư, 4 người là đảng viên.
Thiếu tướng Đặng Kim Giang rất ít kể về mình. Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, người con trai thứ 5 của ông, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Sinh thời, cha chẳng khi nào kể với các con về những ngày gian lao và vinh quang ở Điện Biên Phủ. Chỉ tới khi ông nhắm mắt dưới mái nhà cũ rộng 14m2 trong ngõ chùa Liên Phái, ước nguyện cuối cùng của ông là được đeo trên ngực tấm “Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên”.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Đặng Kim Giang (1910 - 1983) được phong quân hàm Thiếu tướng (1958), Quyền Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (1959 - 1960). Năm 1960, Thiếu tướng Đặng Kim Giang làm Bí thư Đảng đoàn kiêm Thứ trưởng Bộ Nông trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Ông qua đời năm 1983. |