| Hotline: 0983.970.780

Thịt từ thực vật - lời giải tiềm năng cho bài toán khan cung thịt ở Trung Quốc

Thứ Năm 26/09/2019 , 17:50 (GMT+7)

Nhu cầu sử dụng thịt làm từ thực vật tại Trung Quốc ngày càng tăng, mở đường cho hàng chục công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này ra đời.

Giá thịt lợn có thời điểm tăng đến 50% tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Đây cũng có thể chính là lời giải cho bài toán khan cung thịt lợn ở Trung Quốc do ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi

Trung bình, một người Trung Quốc hiện tiêu thụ 74 kg thịt lợn, gà hoặc bò một năm, tăng 30% trong 15 năm qua. Tình trạng khan cung thịt lợn đang tạo ra xu hướng chuyển sang thịt làm từ thực vật.

Planet Green, một nhà hàng đồ chay ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, ra đời nhằm đáp thỏa mãn nhu cầu mới của khách hàng. Giá bán một burger thịt từ thực vật là 88 nhân dân tệ (12 USD), cao hơn so với giá burger thông thường tại các cửa hàng đồ ăn nhanh, 10 – 50 nhân dân tệ, nhưng Planet Green vẫn tiêu thụ được 10.000 bánh kể từ lúc đưa món ăn vào thực đơn trong tháng 9.

Một nữ khách hàng tỏ vẻ hài lòng sau khi ăn “burger chay”. “Tôi bất ngờ trước vị ngon của bánh. Tôi đã nghĩ đó là thịt thật”, cô chia sẻ với Nikkei Asian Review.

Chuỗi cửa hàng chay Green Common ở Hong Kong còn tích hợp nhiều món ăn từ thịt nhân tạo vào thực đơn. Một trong những món phổ biến là New Hakata Ramen với thịt làm từ đậu tương, đậu Hà Lan, nấm và gạo, rất khó phân biệt với thịt lợn.

Right Treat, công ty khởi nghiệp Hong Kong chuyên về thịt nhân tạo, đã dành hơn hai năm để phát triển sản phẩm và phân phối tới khoảng 1.000 địa điểm tại thành phố này. David Yeung, nhà sáng lập Right Treat, muốn mở rộng thị trường sang Thái Lan, Đài Loan và Nhật Bản.

“Chúng tôi không muốn biến mọi người thành người ăn chay. Mục đích là giảm lượng tiêu thụ thịt động vật nhiều nhất có thể để xoa dịu các áp lực về môi trường”, ông Yeung nói.

Thịt nhân tạo có giá bán đắt hơn 50% so với thịt thông thường. Các công ty đang nỗ lực thu hẹp chênh lệch này. Right Treat sẽ giảm giá bán 12% vào giữa tháng 10.

Các công ty nước ngoài cũng bắt đầu chú ý đến thị trường Trung Quốc. Beyond Meat của Mỹ muốn tăng doanh số tại nền kinh tế số hai thế giới thông qua liên kết với Green Common.

Tổng giá trị thị trường thịt nhân tạo thế giới dự kiến tăng trưởng 80% lên 21,2 tỷ USD trong giai đoạn 2018 – 2025. Các bên trong ngành tin lĩnh vực này cuối cùng sẽ là cuộc đua song mã giữa Mỹ và Trung Quốc, giống như lĩnh vực công nghệ cao.

Người tiêu dùng Trung Quốc ăn khoảng hơn 55 triệu tấn thịt lợn mỗi năm, chủ yếu là các món ăn như bánh bao, thịt viên và món xào. Phần lớn nhu cầu đó từng được đáp ứng bằng nguồn cung trong nước. Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi hoành hành tại Trung Quốc hơn một năm qua đã khiến tổng đàn giảm mạnh.

Giới phân tích ước tính nguồn cung thịt lợn của Trung Quốc năm nay có thể giảm hơn 16 triệu tấn, Wall Street Journal đưa tin.

Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, tổng đàn lợn tính đến cuối tháng 8 đã giảm 38,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nghiên cứu độc lập cho rằng con số trên thực tế lên tới 60%. Lượng lợn nái giảm, cho thấy tình hình sẽ xấu đi trong ngắn hạn, do thiếu lợn giống, rồi mới cải thiện.

Giá thịt lợn tại Trung Quốc tăng, có lúc tăng 50%. Chính phủ nước này đã phải tính đến phương án phân phối thịt lợn từ kho dự trữ hoặc khuyến khích người dân dùng thịt các loài động vật khác như bò, gà.

Từ tháng 5 đến tháng 7, tổng giá trị thịt lợn, gà, bò và cừu được Trung Quốc nhập khẩu là hơn 5 tỷ USD, đẩy giá thịt trên thế giới tăng theo. Chỉ số giá thịt thế giới, theo dõi giá thịt bò, cừu, lợn và gia cầm, của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) tăng 10% lên cao nhất kể từ đầu năm 2015.

Tháng 8, lượng thịt lợn Trung Quốc nhập khẩu là 162.935 tấn, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước, số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc hôm 23/9 cho biết. Con số này mới chỉ xấp xỉ lượng thịt tiêu thụ một ngày của tất cả người dân Trung Quốc.

Chen Wenling, kinh tế gia tại Trung tâm Trung Quốc về Trao đổi Kinh tế quốc tế, nhận định Bắc Kinh “chắc chắn sẽ tăng nhập thịt lợn” từ Mỹ và nhiều nước khác.

Các nhà nhập khẩu Trung Quốc muốn mua lượng thịt nhiều gấp ba lần bình thường, Patricio Rohner, phó chủ tịch quốc tế của BRF – một trong những công ty chế biến thịt và xuất khẩu gia cầm lớn nhất Brazil, nói. BRF đang tăng lượng hàng xuất khẩu thêm 30% để phần nào đáp ứng khách hàng Trung Quốc.

Hệ quả, người tiêu dùng Brazil cũng phải trả giá ngày càng cao, hiện tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tại châu Âu, giá thịt lợn tăng 5%.

Ủy ban Phát triển Nông nghiệp và trồng trọt Anh cho biết nhu cầu từ Trung Quốc đẩy giá lợn nội địa lên cao nhất kể từ tháng 11/2017. Nhiều công ty Mỹ vẫn đang dõi theo cuộc đua giữa các đối thủ ở châu Âu và Nam Mỹ. Họ kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ xu hướng giá tăng.

Giá thịt cừu tại các cửa hàng thực phẩm ở Australia tăng 14%. Hệ thống siêu thị Tender Gourmet Butchery dần cảm nhận sức nóng từ “cơn thèm thịt” từ Trung Quốc. Ron Bergan, quản lý Tender Gourmet Butchery, nói thịt cừu đắt đến mức họ không thể chuyển chi phí gia tăng sang khách hàng mà không làm giảm doanh số. Họ quyết định chọn giảm lợi nhuận.

“Không có điều gì là dễ dàng trong ngành công nghiệp thịt”, Bergan nói.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.