Theo BBC, tính đến thời điểm hiện tại (15h30 giờ Hà Nội), các đội cứu hộ quốc tế đã nỗ lực giải cứu contàu container Ever Given dài 400m (1.300ft) bị mắc cạn đã dịch chuyển được tới 80% để chuẩn bị nối lại hoạt động giao thông bình thường trên kênh đào Suez.
Ngay sau khi thông tin mới về tàu Ever Given được công bố, giá dầu thô thế giới đã lập tức sụt giảm, khi giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,9%, trong khi giá dầu Brent tiếp tục biến động.
Dự kiến, những nỗ lực tiếp theo để di chuyển con tàu container Ever Given sẽ được tiếp tục đến cuối ngày thứ Hai để sớm nối lại hoạt động giao thương tại một trong những tuyến đường thủy nhộn nhịp nhất thế giới.
Ngay sau khi nhận được tin tức tích cực xung quanh cuộc giải cứu, trước đó ít giờ báo chí quốc tế đã làm dấy lên hy vọng tuyến kênh đào Suez sớm khôi phục được khoản thiệt hại khổng lồ 9,6 tỷ USD (7 tỷ bảng Anh) hàng hóa giao thương mỗi ngày.
Theo hãng tin Reuters, để tạo ra bước đột phá hôm nay, chính quyền địa phương (Ai Cập) và đội ngũ nhân viên cứu hộ công ty Smit Salvage của Hà Lan đã sử dụng tàu kéo để trục lôi con tàu Ever Given bị mắc cạn ra khỏi bờ kênh. Ước tính đã có 27.000 m3 đất cát bám chặt hai bên mạn tàu đã được nạo vét và độ sâu được khơi thông lên tới hơn 18 m.
“Đến lúc này phần đuôi của con tàu đã được lôi ra cách bờ 4 mét, mở ra những cơ hội mới để giải cứu hoàn toàn con tàu container khi thủy triều dâng lên”, Cơ quan quản lý kênh đào Suez tuyên bố.
Các nhà chức trách cho biết, hiện có tổng cộng có 367 tàu bè đang chờ để đi qua tuyến kênh đào đã bị mắc kẹt suốt gần tuần lễ vừa qua. Sự cố cũng đã khiến nhiều tàu bè chở hàng hóa mấy ngày qua đã phải chuyển hướng quanh mũi Hảo Vọng ở cực nam châu Phi để tránh điểm ùn tắc, mặc dù thời gian lâu hơn tới hai tuần lễ.
Tàu Ever Given nặng 220.000 tấn mắc cạn vào sáng thứ Ba giữa lúc gió lớn và bão cát ảnh hưởng đến tầm nhìn. Các công ty cứu hộ chuyên nghiệp đã được điều đến để giúp giải cứu con tàu.
Kênh đào Suez ngăn cách châu Phi với Trung Đông và châu Á, là một trong những tuyến giao thông thủy thương mại nhộn nhịp nhất thế giới với khoảng 12% tổng thương mại toàn cầu đi qua. Ngoài ra nó còn là tuyến đường kết nối ngắn nhất giữa châu Á và châu Âu.