| Hotline: 0983.970.780

'Thoát' thẻ vàng IUU: Ghana suýt bị 'sờ gáy' lần hai

Thứ Ba 27/04/2021 , 08:37 (GMT+7)

Từng bị cảnh cáo lần đầu vào năm 2013, sau đó được Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ lệnh cấm hai năm sau đó, nhưng Ghana suýt bị 'sờ gáy' một lần nữa.

Những cảng cá ở Ghana phần lớn còn sơ sài và thiếu các khu vực neo đậu.

Những cảng cá ở Ghana phần lớn còn sơ sài và thiếu các khu vực neo đậu.

Ủy ban Châu Âu bắt đầu bày tỏ sự quan ngại với thủy sản Ghana vào quãng năm 2018. Vấn đề chính nằm ở việc, Chính phủ Ghana quá tập trung vào các hoạt động bất hợp pháp của những hộ kinh doanh cá thể, mà bỏ qua hoạt động của những công ty lớn, hoạt động theo kiểu công nghiệp.

Mọi chuyển bắt đầu từ việc các cơ sở lớn có biểu hiện vận chuyển trái phép lượng cá đánh bắt trên biển sang ca-nô, phương tiện có thể chở tới 40 tấn hàng, trong khi theo khai báo, mỗi chuyến tàu ra biển vẫn đăng ký chính thức 175 tấn. Do ca-nô chưa được gắn các thiết bị theo dõi VMS cũng như giám sát của chính quyền, sản lượng đánh bắt tại các vùng biển Ghana có xu hướng tăng đột biến.

Để hỗ trợ Ghana trong cuộc chiến thoát thẻ vàng IUU thứ hai, Na Uy đã tài trợ một tàu nghiên cứu để nước này có thể đánh giá trữ lượng sinh vật biển. Bên cạnh hoạt động ở vùng biển, chương trình này còn đào tạo các nhà khoa học Ghana và trang bị cho họ những công cụ cần thiết để đánh giá trữ lượng cá trong vùng thềm lục địa.

Afoley Quaye, Bộ trưởng phát triển nghề cá và nuôi trồng thủy sản Ghana, cho biết Ghana đã ra mức phạt rất cao, lên tới 2 triệu USD cho những công ty hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU). Nhưng vài năm gần đây, nền kinh tế Ghana phát triển bấp bênh, dẫn tới việc kiểm soát không còn gắt gao như hồi 2015, thời điểm mới được EU dỡ bỏ thẻ vàng. Các hoạt động đánh bắt cá bằng ánh sáng, sử dụng hóa chất và sử dụng lưới có kích thước nhỏ hơn ngày càng lộ liễu.

"Hai năm qua, việc đánh bắt bất hợp pháp có dấu hiệu trở lại. Bằng chứng là trữ lượng cá nổi giảm sút. An ninh lương thực và khả năng mưu sinh của người dân bị đe dọa. Chúng tôi đang phối hợp với Cơ quan Hàng hải Ghana và các cơ quan hữu quan khác để giám sát điện tử tất cả các tàu trong vùng biển của Ghana. Ngoài ra, tất cả tàu công nghiệp trên đất liền của Ghana bắt buộc phải thực hiện giám sát điện tử. Những ai vi phạm về các quy định nghề cá sẽ bị bắt giữ và truy tố", Quaye nói trong báo cáo về Kế hoạch Quản lý nghề cá giai đoạn 2015-2019.

EU ghi nhận thiện chí từ phía Ghana, và chưa áp dụng biện pháp trừng phạt nào lên quốc gia châu Phi. Một yếu tố nữa, dẫn tới sự nhân nhượng này, xuất phát từ nỗ lực thoát thẻ vàng đầu tiên của Ghana trong vòng hai năm, tính từ 2013.

Tàu đỗ san sát trong khu vực cảng cá Ghana.

Tàu đỗ san sát trong khu vực cảng cá Ghana.

Vào giữa năm 2013, thủy sản Ghana bị xem là không tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế về chống đánh bắt cá bất hợp pháp. Cao ủy Châu Âu về Môi trường, các vấn đề Hàng hải và nghề cá, Karmenu Vella nói: “Chúng tôi cần nhiều quốc gia chung tay trong cuộc chiến chống IUU. Ghana nằm trong số ấy, bởi họ cần nắm quyền chủ động trong việc cải cách nghề cá, cũng như điều chỉnh khuôn khổ pháp lý và chính sách mạnh mẽ".

Thủy sản Ghana thừa nhận những thiếu sót, chẳng hạn như thiếu hành động để giải quyết những khiếm khuyết trong giám sát, kiểm soát và giám sát nghề cá. Không muốn mất nguồn thu 200 triệu USD xuất khẩu thủy sản sang EU, nước này xây dựng luật mới, gia tăng các biện pháp trừng phạt, giám sát, kiểm soát, thanh tra, cũng như củng cố hệ thống truy xuất nguồn gốc. Án phạt cao nhất, ngoài tước giấp phép đánh bắt, còn là khoản tiền 2 triệu USD.

Cuối 2013, Ghana đón phái đoàn đầu tiên của EU đến đánh giá tiến độ của quốc gia Tây Phi trong việc giải quyết thẻ vàng IUU. Bên cạnh hỗ trợ kỹ thuật, Tổng cục Hàng hải và nghề cá EU đã mở rộng cửa đối thoại với tất cả các bên liên quan, bao gồm các tổ chức chính phủ, doanh nghiệp, đại diện các hợp tác xã đánh cá và cộng đồng địa phương. Sau chuyến công tác, EU xác nhận Ghana có khuôn khổ pháp lý và hành chính để đáp ứng đầy đủ trách nhiệm ngăn ngừa IUU.

Từ chỗ bị thẻ vàng, Ghana vươn lên thành nước dẫn đầu khu vực trong cuộc chiến chống IUU, đồng thời đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế theo Hiệp định trữ lượng cá của Liên hợp quốc năm 1995. Những nội dung chính, gồm: Kế hoạch Hành động Quốc gia, Kế hoạch Quản lý nghề cá và chiến lược đội tàu. Các tổ chức thực thi nghề cá và kiểm tra chéo Giấy chứng nhận đánh bắt của EU hoạt động 24/24.

William Hanna, Đại sứ EU tại Ghana, ca ngợi những cải cách do Ghana đưa ra. “Tôi hoan nghênh Ghana là đối tác chiến lược trong cuộc chiến chống đánh bắt IUU. Một sân chơi bình đẳng cho các nhà xuất khẩu sang EU cần được thiết lập và kiểm soát chặt chẽ theo Quy chế EU. Nó cũng mang lại lợi ích cho cộng đồng ngư dân ven biển, bởi họ sẽ là nạn nhân đầu tiên của nguồn cung cạn kiệt do đánh bắt IUU".

Thành công trong quá khứ giúp Ghana chiếm được thiện cảm của EU, dù họ nguy cơ bị thẻ vàng IUU thứ hai. Hơn một lần, Ủy ban châu Âu tái khẳng định mong muốn hợp tác với nền kinh tế hàng đầu Tây Phi, trong cuộc chiến chống khai thác IUU. Một ứng dụng trên điện thoại di động đang được Ghana đưa vào sử dụng, nhằm thu thập bằng chứng về các hoạt động IUU tại vùng biển Ghana của các tàu thương mại và ca-nô. (Hết)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Mỹ lần đầu sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công Houthi

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tấn công các kho vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 17/10.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.