| Hotline: 0983.970.780

Vui xuân không quên ruộng đồng

Thứ Hai 16/01/2023 , 08:44 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Theo dự báo, trước, trong và sau Tết, cây lúa đông xuân 2022-2023 sẽ bị nhiều loại sâu bệnh tấn công, ngành chức năng khuyến cáo nông dân vui xuân đừng quên ruộng đồng.

Cây trồng đối mặt với nhiều loại sâu bệnh

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, đến nay, lúa vụ đông xuân 2022-2023 ở tỉnh này đã gieo sạ được 45.651/47.050 ha. Trong đó, lúa chân cao sạ cưỡng 1.577 ha đang giai đoạn cuối đẻ nhánh, đứng cái; lúa chân 3 vụ đã gieo sạ 5.230 ha đang giai đoạn đẻ nhánh rộ; lúa chân 2 vụ đã gieo sạ 38.844 ha đang giai đoạn 3 lá, đẻ nhánh. Về cây trồng cạn, Bình Định đã xuống giống 4.300 ha đậu phộng (lạc), 2.483 ha rau các loại và 978 ha bắp (ngô).

Bệnh đạo ôn lá, cổ lá cũng sẽ phát sinh gây hại trước, trong và sau Tết kéo dài đến hết tháng 2/2023 trên chân lúa cuối đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng. Ảnh: V.Đ.T.

Bệnh đạo ôn lá, cổ lá cũng sẽ phát sinh gây hại trước, trong và sau Tết kéo dài đến hết tháng 2/2023 trên chân lúa cuối đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, lúa vụ đông xuân 2022-2023 ở Bình Định đang sinh trưởng, phát triển ổn định, đến giờ này chưa thấy sâu bệnh xuất hiện. Những năm trước đây, giai đoạn này cây lúa đông xuân thường bị vàng lá, bệnh đạo ôn hoành hành, thế nhưng năm nay, đồng ruộng xanh mướt, sạch bệnh.

Tuy nhiên, theo dự báo của ngành chức năng, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sẽ có nhiều đối tượng dịch hại tấn công cây lúa đông xuân. Chuột sẽ phát sinh gây hại cục bộ trên các trà lúa từ đẻ nhánh, làm đòng ở các vùng ven bụi rậm, gò đồi. Bên cạnh đó, thời tiết vụ đông xuân khí hậu nắng ấm, biên độ nhiệt ngày và đêm cao, tối và sáng sớm có sương mù, ẩm độ không khí cao nên dễ phát sinh bệnh đạo ôn gây hại diện rộng trong thời gian đến. Bệnh đạo ôn lá, cổ lá cũng sẽ phát sinh gây hại trước, trong và sau Tết kéo dài đến hết tháng 2/2023 trên chân lúa cuối đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng.

Sau Tết Nguyên đán, trong tháng 2/2023, lúa đông xuân cũng sẽ phát sinh bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa chân cao sạ cưỡng và chân ruộng sản xuất 3 vụ/năm trong giai đoạn trỗ, chắc xanh. Từ nay đến tháng 2/2023, rầy nâu sẽ phát sinh gây hại cục bộ lúa chân cao sạ cưỡng giai đoạn giai đoạn đòng, trỗ. Bệnh vàng lá sinh lý cũng sẽ tiếp tục phát sinh từ nay đến sau Tết, gây hại trên lúa đẻ nhánh, đặc biệt sẽ gây hại nặng cục bộ lúa đứng cái, làm đòng trên chân ruộng đất cát pha và vùng ven biển.

Lúa đông xuân 2022-2023 bị ngập do mưa muộn vừa rút, nông dân ra đồng dăm lúa. Ảnh: V.Đ.T.

Lúa đông xuân 2022-2023 bị ngập do mưa muộn vừa rút, nông dân ra đồng dăm lúa. Ảnh: V.Đ.T.

Ngoài ra, sâu năn cũng phát sinh gây hại cục bộ trên chân lúa sản xuất 2 vụ/năm trong giai đoạn đẻ nhánh rộ từ giữa đến cuối tháng 1/2023. Về cây trồng cạn, ngành chức năng dự báo cây đậu phộng sẽ phát sinh bệnh lở cổ rễ, sâu ăn lá, bọ trĩ gây hại giai đoạn cây con, phân cành trong thời gian trước và trong Tết. Bệnh héo xanh gây hại cây đậu phộng trong giai đoạn bắt đầu ra hoa. Bệnh đốm lá, bệnh gỉ sắt gây hại giai đoạn tạo quả sau Tết.

Vui Tết không quên ruộng đồng

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra trên lúa đông xuân, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định hướng dẫn nông dân cách chăm sóc đồng ruộng trong thời gia trước, trong và sau Tết. Đối với lúa chân cao sạ cưỡng giai đoạn đòng già đến trỗ, cần bón bổ sung 1-2kg phân urê và 1-2kg kali/sào (500m2). Ngoài ra, nông dân có thể sử dụng phân bón lá, kích thích sinh trưởng phun bổ sung khi thấy cần thiết. Đối với lúa chân 3 vụ giai đoạn đứng cái đến tượng khối sơ khởi, chuẩn bị bón phân đón đòng, khi lúa có đòng đất từ 1-2mm cần bón 3kg phân urê và 3kg kali/sào.

Đến khi lúa có đòng già, trước khi trỗ 1 tuần, nếu cây lúa bị thiếu phân thì bón bổ sung 1kg urê và 1kg kali/sào. Ngoài ra, có thể sử dụng phân bón lá, kích thích sinh trưởng phun bổ sung khi thấy cần thiết. Đối với chân 2 vụ lúa/năm, trong giai đoạn đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ, nông dân cần bón 4kg urê và 2kg kali/sào. Ngành chức năng lưu ý nông dân cần bón phân kịp thời, đầy đủ, cân đối giữa đạm, lân và kali để lúa đẻ nhánh khỏe, tập trung.

Đối với các chân ruộng trũng gieo sạ muộn, sau sạ từ 10-14 ngày, khi cây lúa phát triển 2-3 lá cần bón 3kg urê và 3kg kali/sào. Ngoài ra, đối với diện tích lúa vừa gieo sạ bị ngập úng do mưa muộn có khả năng phục hồi, bà con nông dân cần tiêu úng, thoát nước kịp thời; tiến hành chăm sóc, sử dụng phân bón lá, kích thích sinh trưởng như Polyfeed 5 Chim Én, Comcat, Atonix... phun qua lá giúp cây lúa nhanh ra rễ và đẻ nhánh tập trung, nhưng chỉ phun khi cây lúa đã ra lá.

Bình Định sẽ triển khai công tác diệt chuột thường xuyên, liên tục từ nay đến cuối vụ đông xuân 2022-2023 bằng nhiều biện pháp. Ảnh: V.Đ.T.

Bình Định sẽ triển khai công tác diệt chuột thường xuyên, liên tục từ nay đến cuối vụ đông xuân 2022-2023 bằng nhiều biện pháp. Ảnh: V.Đ.T.

Đối với rau màu và cây trồng cạn, ngành chức năng khuyến cáo ông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi khẩn trương hoàn thành gieo trồng các cây trồng cạn vụ đông xuân trước Tết Nguyên đán; tỉa, trồng dặm cây đậu phộng và ngô trên chân cao, chân đất màu giai đoạn từ nảy mầm, cây con đến phát triển thân lá; khi cây có  từ 2-4 lá đơn, nông dân cần làm cỏ và kết hợp bón phân đợt 1. Chăm sóc cây, bón bổ sung thêm phân kali, lân, giảm bón đạm để cây khỏe mạnh và tăng cường khả năng chống rét. Khi trời giá lạnh và có sương muối, cần phun, tưới nước trên mặt lá làm tan sương để tránh hiện tượng cháy lá khi có nắng trở lại.

Để đối phó với nạn chuột gây hại, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định hướng dẫn nông dân tích cực bắt chuột vào ban đêm bằng cách dùng đèn soi và dùng nơm chụp bắt chuột ở những ruộng bị cắn phá nhiều  trong giai đoạn lúa đẻ nhánh. Dùng các loại bẫy để diệt chuột như: Bẫy sập, bẫy đập, bẫy kẹp, bẫy lồng, bẫy bán nguyệt… để diệt chuột. Dùng 1 trong các loại thuốc Killrat, Klerat, Storm trộn sẵn với mồi rải trực tiếp, hoặc dùng thuốc Racumin, Rat K trộn với mồi lúa mầm, cám thực phẩm, tôm, cua, cá làm bả diệt chuột; đặt bả ở bờ ruộng nơi gần hang hoặc gần đường đi của chuột, bờ mương, bờ ruộng.

“Trong giai đoạn trước, trong và sau Tết, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định sẽ phối hợp với Phòng NN-PTNT các địa phương cùng chính quyền các xã, phường thông báo, hướng dẫn nông dân chăm sóc và  phòng trừ sâu, bệnh kịp thời. Triển khai công tác diệt chuột thường xuyên, liên tục từ nay đến cuối vụ đông xuân 2022-2023 bằng nhiều biện pháp”, ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, chia sẻ.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.