| Hotline: 0983.970.780

Nam Trung bộ cần có giải pháp để chung sống với thiên tai

Thứ Tư 11/01/2023 , 15:51 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong vùng Nam Trung bộ, các địa phương trong khu vực cần có giải pháp thích ứng với thiên tai.

Hơn 1.000ha lúa bị ngập

Trong khuôn khổ chuyến công tác kiểm tra tình hình sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023 tại các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên, ngày 11/1, đoàn công tác của Cục Trồng trọt đã làm việc với Sở NN-PTNT Bình Định.

Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, đến nay, Bình Định đã gieo sạ được 45.863ha lúa; trong đó, lúa trên chân ruộng cao sạ cưỡng là 1.577ha, trên chân ruộng sản xuất 3 vụ lúa/năm là 5.230ha và lúa trên chân 2 vụ/năm là 39.056ha, đạt 97,5% so với kế hoạch.

Huyện Tuy Phước (Bình Định) còn nhiều diện tích lúa ngập trong nước. Ảnh: V.Đ.T.

Huyện Tuy Phước (Bình Định) hiện còn nhiều diện tích lúa ngập trong nước. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện lúa chân 3 vụ đại trà trên địa bàn Bình Định đang giai đoạn đẻ nhánh rộ, lúa chân 2 vụ gieo sạ tập trung từ ngày 10/12/2022 bắt đầu đẻ nhánh. Đợt mưa kéo dài suốt gần nửa tháng qua, tập trung từ ngày 5 - 7/1/2023 đã làm khoảng 1.000ha lúa đông xuân ở Bình Định bị ngập. Địa phương có nhiều diện tích lúa bị ngập nhất là huyện Tuy Phước.

Từ ngày 10/1 đến nay, trên địa bàn Bình Định đã dứt mưa, trời hửng nắng, nước rút dần, những diện tích lúa bị ngập đã ngoi đọt lên khỏi mặt nước, thoát nguy cơ bị thiệt hại.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, tính đến sáng 11/1, trên địa bàn huyện này có 655ha lúa còn bị ngập. Trong đó, những vùng trũng ở xã Phước Thắng hiện có 120ha lúa còn bị ngập nước; xã bán sơn địa Phước An do không có đường tiêu thoát lũ nên trong đợt mưa vừa qua nước từ núi Sơn Triều đổ xuống Bàu Đưng gây ngập 210ha; 3 thôn Vinh Quang 1, Vinh Quang 2 và Dương Thiện của xã Phước Sơn còn ngập 180ha; 2 thôn Lương Quang và An Hòa của xã Phước Quang còn bị ngập 30ha; xã Phước Hòa còn ngập 115ha.

Đoàn công tác Cục Trồng trọt kiểm tra những diện tích lúa bị ngập úng tại huyện Tuy Phước (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Đoàn công tác Cục Trồng trọt kiểm tra những diện tích lúa bị ngập úng tại huyện Tuy Phước (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

“Những diện tích lúa đông xuân 2022 - 2023 ở Bình Định bị ngập trong đợt mưa vừa qua giờ nước đã rút dần, thiệt hại bây giờ chưa tính được, nhưng không đáng kể. Đợt mưa muộn năm nay ít gây hại cho vụ đông xuân hơn so với năm trước. Sau khi nước rút hết, những diện tích phải gieo sạ lại ước chỉ khoảng một vài trăm ha, Bình Định đã chủ động giống nên không lo thiếu giống. Sau đợt mưa này, nông dân có ruộng bị ngập chủ yếu tốn công dặm lại lúa”, bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho hay.

Cần phải “chung sống” với các yếu tố bất lợi

Qua kiểm tra sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023 trên địa bàn Nam Trung bộ, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đánh giá những năm gần đây, biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Đáng quan ngại là những biến đổi ngày càng hiện hữu, xảy ra dồn dập hơn thời gian trước đây.

Theo ông Tùng, đối với vùng Duyên hải Nam Trung bộ, vấn đề an ninh lương thực tại chỗ rất quan trọng. Do đó, trước bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, việc sản xuất cây lúa trong khu vực cần phải được theo dõi chặt chẽ, cần phải cải tiến, chỉnh đốn tổ chức, thậm chí phải có hoạch định dài hơi cho cây lúa trong vùng.

“Chúng ta không thể chuyển đổi toàn bộ diện tích sản xuất lúa trong khu vực sang trồng các loại cây trồng khác để ứng phó với biến đổi khí hậu. Bởi khi thời tiết đã có những biến đổi bất thường thì canh tác cây trồng gì cũng sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi sản xuất của khu vực này có nhiều bình độ khác nhau, chia cắt ra nhiều tiểu vùng sinh thái khác nhau, nên tình trạng ảnh hưởng bởi thời tiết cũng khác nhau. Do đó, sản xuất lúa trong khu vực Nam Trung bộ cần phải xem yếu tố biến đổi khí hậu là bình thường. Xác định như vậy thì ngành nông nghiệp các tỉnh trong khu vực mới xây dựng được kế hoạch sản xuất phù hợp”, ông Lê Thanh Tùng đề nghị.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiểm tra diện tích lúa bị ngập tại xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước). Ảnh: V.Đ.T.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiểm tra diện tích lúa bị ngập tại xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước). Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo ông Tùng, trước thực tế biến đổi khí hậu có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ vùng miền nào, bất cứ thời điểm nào trong năm, do đó việc bố trí các loại cây trồng, nhất là cây trồng dài ngày sẽ rất khó khăn, riêng cây lúa chỉ 100 ngày nên dễ bố trí sản xuất hơn. Nhất là hiện nay hầu hết các địa phương trong khu vực Nam Trung bộ đã cơ bản hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, hệ thống cung ứng giống và hệ thống thu mua lúa cũng rất ổn định.

Sản xuất lúa là giải pháp an ninh lương thực tại chỗ cho các địa phương trong khu vực, chủ động lương thực tại chỗ tốt hơn là mua lương thực từ những vùng sản xuất lúa trọng điểm. Do đó, những địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cần chủ động, linh hoạt các giải pháp ứng phó, như tỉnh Ninh Thuận và một phần tỉnh Khánh Hòa thường bị khô hạn; tỉnh Phú Yên và Bình Định thì thường bị gập úng; còn các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam thì thường bị gió lốc làm đổ ngã.

“Ví như đợt mưa gần đây với lưu lượng từ 100 - 400mm thì không địa phương nào ứng phó kịp. Do đó, cần phải xây dựng kế hoạch sản xuất lúa thích ứng với các điều kiện bất thường mới có thể ổn định được sản xuất”, ông Lê Thanh Tùng chia sẻ thêm.

Sau khi nước rút, nông dân huyện Tuy Phước (Bình Định) dặm lại những cây lúa bị chết do ngập úng. Ảnh: V.Đ.T.

Sau khi nước rút, nông dân huyện Tuy Phước (Bình Định) dặm lại những cây lúa bị chết do ngập úng. Ảnh: V.Đ.T.

Xây dựng kế hoạch sản xuất thích ứng

Làm thế nào để thích ứng với các điều kiện bất lợi do biến đổi khí hậu gây ra, ông Lê Thanh Tùng cho rằng ngành nông nghiệp các tỉnh trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ cần lựa chọn cơ cấu giống có thể chịu đựng được ngập úng, chịu được khô hạn, chịu đựng được nhiệt độ cao, chịu đựng được gió lốc để đưa vào sản xuất.

Sau đó là bố trí lại thời vụ canh tác, không nhất thiết phải nhất nhất căn cứ vào các tiết trời hàng năm, mỗi năm làm 2 vụ, vụ đông xuân rồi đến vụ hè thu, mà có thể sắp xếp lại thời vụ tùy từng vùng sản xuất. Ở những khu vực trọng điểm ít bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu, có thể chủ động nước tưới thì có thể tuân thủ căn cứ vào các tiết trời hàng năm để bố trí lịch thời vụ. Còn những khu vực thường gánh chịu những yếu tố thời tiết bất thường thì ngành nông nghiệp cần linh hoạt, có thể dời lịch thời vụ để thời điểm gieo trồng lệch pha với thời điểm các yếu tố bất lợi về thời tiết thường xảy ra để tránh thiệt hại.

Cũng theo ông Tùng, những diện tích thường xuyên bị yếu tố bất lợi về thời tiết chiếm không nhiều trong toàn bộ diện tích canh tác lúa của mỗi tỉnh. Thế nên ngành nông nghiệp các tỉnh cần xây dựng kế hoạch riêng về mùa vụ sản xuất cho những khu vực đặc thù. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền để nông dân hiểu, đồng thuận với ngành chức năng trong việc chuyển đổi để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đoàn công tác Cục Trồng trọt kiểm tra những diện tích sản xuất đậu phộng tại huyện Phù Cát (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Đoàn công tác Cục Trồng trọt kiểm tra những diện tích sản xuất đậu phộng tại huyện Phù Cát (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Ông Tùng cũng đề nghị các tỉnh tổ chức thêm bảng tin thời tiết, khí hậu và kế hoạch thích ứng trong sản suất đến từng địa phương cấp xã. Căn cứ vào bảng tin thời tiết nông vụ của các cơ quan trung ương và bản tin khí tượng thủy văn của mỗi tỉnh, ngành nông nghiệp các tỉnh cần thành lập tổ kỹ thuật để đưa ra các khuyến cáo. Những khuyến cáo này sẽ được đưa về đến huyện, huyện căn cứ vào khuyến cáo này và căn cứ thực tế để mở rộng khả năng thích ứng của địa phương mình và đưa về đến xã cho bà con nông dân thông qua các kênh Zalo, kênh truyền thanh, truyền hình các địa phương, kênh truyền thông của các chợ, các bảng poster dán tại các cổng chợ…

“Bằng mọi cách phải đưa thông tin cần phải tích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp đến với nông dân mới có được sự đồng thuận. Thích ứng với biến đổi khí hậu không phải nằm trên giấy, mà phải đi vào cuộc sống của mỗi nông dân, thông tin càng nhanh thì khả năng thích ứng càng lớn”, ông Lê Thanh Tùng chia sẻ.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.