| Hotline: 0983.970.780

Thời tiết, khí hậu ngày một tệ hơn

Chủ Nhật 17/07/2022 , 15:19 (GMT+7)

Trên khắp thế giới, những hình thức thời tiết cực đoan đang khiến nhiều quốc gia phải loay hoay đối phó và hậu quả ngày một tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu.

Cháy rừng hoành hành ở miền Tây Nam nước Pháp và Tây Ban Nha hai ngày qua đã khiến hàng nghìn người phải sơ tán khỏi nhà cửa giữa mùa hè khốc liệt. Ảnh: RT

Cháy rừng hoành hành ở miền Tây Nam nước Pháp và Tây Ban Nha hai ngày qua đã khiến hàng nghìn người phải sơ tán khỏi nhà cửa giữa mùa hè khốc liệt. Ảnh: RT

Theo các nhà khoa học và phân tích, bằng chứng về việc biến đổi khí hậu gây ra hoặc góp phần vào các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai trên khắp thế giới đang tăng lên hàng ngày, đe dọa cuộc sống và việc làm của hàng trăm triệu người.

Bằng chứng là những đợt nắng nóng vượt ngưỡng 40 độ C đang thiêu cháy nhiều khu vực rộng lớn của Bắc bán cầu, bao gồm cả tiểu lục địa Ấn Độ. Tại Sydney, thành phố lớn nhất của Australia, trong những ngày qua, hàng ngàn người buộc phải chạy trốn khỏi dòng nước lũ lần thứ hai trong năm nay.

Trong khi đó, băng đang tan chảy ở Bắc Cực, cháy rừng hoành hành ở Alaska, còn châu Âu đang trải qua một đợt nắng nóng mới, và các sông băng đang tan chảy trên dãy Alps.

Những sự kiện khí hậu như vậy, trước đây được coi là diễn ra "một lần trong đời", nhưng nay đang trở thành hiện tượng thường xuyên.

Khi khí hậu thế giới thay đổi, không chỉ ảnh hưởng đến nơi chốn con người sinh sống mà còn ảnh hưởng đến an ninh lương thực và nguồn nước. Tại Australia, các chuyên gia đang kêu gọi các chính phủ từ liên bang đến địa phương nghiêm túc xem xét lại việc phát triển đô thị ở các khu vực dễ xảy ra lũ lụt và hỏa hoạn.

Jennifer McKay, giáo sư luật kinh doanh tại Đại học Nam Úc cho biết, biến đổi khí hậu và những rủi ro đi kèm với nó phải là một phần của quá trình ra quyết định cho sự phát triển đô thị. "Chúng tôi cần một phương pháp tiếp cận của nội các về vấn đề này, với sự hướng dẫn của các chuyên gia để thiết lập ra các tiêu chuẩn. Nếu không, kiện tụng sẽ xảy ra và chúng ta sẽ không thể giành lại bảo hiểm cho những người dân sống ở các vùng nguy cơ thiên tai", bà McKay nói.

Piet Filet, một chuyên gia lũ lụt cho biết, việc giảm thiểu tác động của lũ lụt trong và xung quanh lưu vực Sydney "sẽ đòi hỏi một chương trình xây dựng khả năng chống chịu lâu dài với các cộng đồng ở các lưu vực dễ bị tổn thương".

Người dân dùng nước để hạ nhiệt cho một con cừu được giải cứu khỏi đám cháy rừng ở Boa Vista, Bồ Đào Nha hôm đầu tuần trước. Ảnh: EPA

Người dân dùng nước để hạ nhiệt cho một con cừu được giải cứu khỏi đám cháy rừng ở Boa Vista, Bồ Đào Nha hôm đầu tuần trước. Ảnh: EPA

Vị chuyên gia đến từ Viện Sông ngòi Úc tại Đại học Griffith cho biết, lịch sử lũ lụt ở Úc "không chỉ phản ánh sự thay đổi đường cơ sở về tần suất các hiện tượng mưa cực đoan, mà còn là nhu cầu về các khía cạnh chính của việc xây dựng khả năng chống chịu phải được thực hiện tốt ngay từ đầu".

Ông Filet nói: “Quy hoạch sử dụng đất dài hạn nhằm giảm thiểu tác động của lũ lụt là rất quan trọng để chống lại tác động của dòng nước chảy xiết và khắc phục sự cô lập của cộng đồng khi xảy ra thiên tai".

Châu Âu hiện đang phải đối mặt với một trong những năm khó khăn nhất khi phải đối mặt với các thảm họa thiên nhiên như hạn hán và cháy rừng do biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Các đợt nắng nóng gay gắt hơn đã ập đến Nam và Tây Âu, cũng như Bắc Mỹ.

Ủy viên Liên minh châu Âu Maros Sefcovic mới đây cho biết, đợt hạn hán ở châu Âu hiện có thể trở thành "tồi tệ nhất từ ​​trước đến nay".

Các bình luận được đưa ra chỉ vài ngày sau sự cố sập sông băng chết người trên dãy núi Alps của Ý tại Marmolada, gây ra một trận tuyết lở giết chết 10 người bộ hành đường dài. "Rõ ràng đó là một điều gì đó bất thường", ông Sefcovic nói.

Còn ở châu Á, một đợt nắng nóng gay gắt đã bao trùm phần lớn Ấn Độ và Pakistan trong những tuần gần đây, với nhiệt độ đạt mức kỷ lục 49,2 độ C ở các khu vực của New Delhi, và đánh dấu đợt nắng nóng thứ năm ở thủ đô kể từ tháng Ba.

Trong khi đó, cháy rừng cũng trở thành một “sản phẩm khác” của sự nóng lên toàn cầu. Tại Mỹ, tính đến đầu tháng 7, hơn 809.000 ha rừng đã bị cháy, gấp hơn hai lần diện tích của một mùa cháy điển hình ở Alaska.

Rick Thoman, chuyên gia khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Bắc Cực Quốc tế ở Fairbanks (Alaska) cho biết, một số yếu tố bao gồm cả sự nóng lên toàn cầu đã ảnh hưởng đến mùa cháy năm nay và nó hoàn toàn không giống như quy luật trước đây.

"Nhiều nhiên liệu hơn, nhiều sét đánh hơn, nhiệt độ cao hơn, độ ẩm thấp hơn- tất cả kết hợp với nhau để cung cấp nhiên liệu cho các ngọn lửa nóng hơn và cháy sâu hơn vào lòng đất. Vì vậy, thay vì chỉ thiêu rụi cây cối và đốt cháy bụi rậm, chúng đang tiêu hủy tất cả mọi thứ”, ông Thoman nói.

(The Conversation; Reuters)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.