| Hotline: 0983.970.780

Thông tin mới nhất về vỡ đập thủy điện ở Lào, hàng trăm người mất tích

Thứ Ba 24/07/2018 , 20:40 (GMT+7)

Ít nhất 7 người chết, hàng trăm người mất tích, hơn 6.000 người mất nhà cửa trong vụ vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy tại Lào.

17-59-12_1
Dân cư tại các ngôi làng gần thủy điện ở tỉnh Attapeu phải lên mái nhà tránh lũ do vỡ đập

Vụ vỡ đập thủy điện được thông tấn xã Lào KPL đánh giá là “tồi tệ”, xảy ra lúc 20h, giờ địa phương hôm 23/7, tại tỉnh đông nam Attapeu, Lào.

Sự việc khiến 5 tỷ m3 nước tràn xuống hạ lưu, tương đương 2 triệu bể bơi chuẩn Olympic. Lượng nước khủng khiếp này quét sạch nhiều nhà cửa, làm 7 người thiệt mạng, hàng trăm người mất tích.

“Cho đến hiện tại chúng tôi chưa thống kê hết được lượng người mất tích, chỉ có thể đưa ra số ước tính là vài trăm người. Có khoảng 6.000 người đã mất nhà cửa, 7 người đã thiệt mạng. Con số nạn nhân có lẽ còn tăng lên”, Sky News dẫn lời quan chức tỉnh Attapeu. Nguyên nhân ban đầu được cho là mưa lớn, lũ lụt gây vỡ đập.

17-59-12_2
Dân cư tại các ngôi làng gần thủy điện ở tỉnh Attapeu phải lên mái nhà tránh lũ do vỡ đập

Tỉnh Attapeu cũng đã ra thông cáo đề nghị chính quyền trung ương Lào hỗ trợ thực phẩm và hàng cứu trợ cho các nạn nhân. Trong thông báo khẩn cấp chiều 24/7, tỉnh Attapeu kêu gọi đảng Cộng sản Lào, các cơ quan chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, quan chức, cảnh sát và lực lượng quân đội hỗ trợ nạn nhân vụ vỡ đập thủy điện.

Theo KPL, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã ngưng một cuộc họp được lên kế hoạch từ trước để chỉ đạo các thành viên nội các giám sát công tác giải cứu, cứu trợ nạn nhân tại khu vực vỡ đập thủy điện và các vùng bị ảnh hưởng.

Lào đang huy động tàu thuyền tại tỉnh Attapeu và những vùng khác tới cứu trợ nạn nhân, di chuyển hàng nghìn người bị mắc kẹt tới vùng an toàn. Một quan chức tỉnh Attapeu, nói với hãng tin AFP rằng các đội cứu hộ đang tới hiện trường, song công việc của họ gặp nhiều trở ngại do “không có sóng điện thoại” trong khu vực. Quan chức này cũng nói phần đập bị vỡ là đập tràn, được thiết kế để giữ nước khi đập chính không còn đủ sức chứa.

17-59-12_3
Cảnh ngập lụt 

Những năm trước, các nhóm hoạt động môi trường từng bày tỏ sự phản đối với chính phủ Lào về tham vọng biến quốc gia này thành “nguồn thủy điện” của Đông Nam Á. Họ cho rằng các đập thủy điện có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái trên sông Mekong. Tuy nhiên, chính phủ Lào lập luận rằng với một đất nước có ưu thế về sông ngòi, kênh rạch, song không có đường biển, thì thủy điện là nguồn thu lớn, giúp phát triển kinh tế.

Tin tức cập nhật đến tối 24/7 cho biết, hàng trăm người vẫn đang mất tích. Một số hãng tin phương Tây nói Lào đã tìm thấy 28 thi thể nạn nhân bị nước cuốn trôi, song tin này chưa được xác thực từ báo chính thống của Lào.

Bản tin lúc 20h của CNN bình luận rằng Lào xây dựng nhiều đập thủy điện chủ yếu để xuất khẩu năng lượng. “Điều này dấy lên nhiều tranh cãi về ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường tự nhiên, khiến hàng chục nghìn người phải di dời nhà cửa đến nơi ở khác”. Lào được cho là có 10 đập thủy điện đã đi vào hoạt động, trong khi gần 20 công trình thủy điện khác đang xây dựng, hàng chục dự án thủy điện chờ phê duyệt.

Thông tấn xã Lào KPL cho biết 6 ngôi làng bị chìm trong biển nước là Yai Thae, Hinlad, Mai, Thasengchan, Tha Hin, and Samong. Trong đó, làng Hinlad và Mai chịu ảnh hưởng trầm trọng.

Tối 24/7, chính quyền Attapeu phát thông cáo đề nghị cứu trợ khẩn cấp cho dân bị ảnh hưởng tại huyện Sanamxay. “Chúng tôi đề nghị hỗ trợ quần áo, lương thực, nước uống, thuốc men và tiền mặt cũng như các loại hàng cứu trợ khác”, trích thông cáo của tỉnh Attapeu.

Yếu kém về kỹ thuật

Các hãng thông tấn phương Tây ngày 24/7 gần như đồng loạt cho rằng các điều kiện thi công và kỹ thuật trong lĩnh vực thủy điện ở Lào là “nghèo nàn”, khó đáp ứng điều kiện thời tiết xấu.

“Chúng tôi cho rằng sự cố này cho thấy Lào thiếu đi hệ thống cảnh báo cho những công trình thủy điện. Việc xây dựng và vận hành không thể thiếu cảnh báo. Trong khi đó, cảnh báo ở Lào thường được đưa ra chậm và không có tác dụng trong việc đảm bảo cho người dân có thời gian bảo vệ bản thân cũng như gia đình”, Reuters trích thông báo của tổ chức International Rivers, chuyên nghiên cứu về các con sông trên thế giới.

Hàn Quốc đưa trực thăng giải cứu dân bị nạn

SK Engineering and Construction (SK E&C), một trong số Công ty Hàn Quốc tham gia xây thủy điện Xepian-Xe Nam Noy, cho biết họ đã thành lập một đội xử lý khủng hoảng để phản ứng với “vụ ngập lụt chết chóc” ở Lào.

Ahn Jae-hyun , Chủ tịch công ty SK E&C, và nhiều lãnh đạo cao cấp của đơn vị này đã tới Lào để xử lý tình huống, hỗ trợ công tác cứu hộ. Công ty này nói họ đang xác định xem đập bị vỡ hay chỉ bị “nước tràn qua”.

Giới chức SK E&C biện giải rằng khu vực có thủy điện bị vỡ đập, đã phải hứng chịu lượng mưa lớn gấp ba lần bình thường trong thời gian qua. Khu vực xảy ra thảm họa cũng bị bao bọc bởi rừng rậm, gây khó cho lực lượng cứu hộ.

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn lời SK E&C cho biết công ty đã điều động nhiều trực thăng từ Thái Lan bay sang để cứu người dân gặp nạn. Dân chúng tại các làng lân cận đã được sơ tán hết.

19-31-00_4
 
19-31-00_5
 
19-31-00_6
Sơ tán người dân ở các ngôi làng bị ảnh hưởng
Dự án thủy điện Xepian-Xe Nam Noy do Công ty Điện lực Xe Pian-Xe Namnoy (PNPC), liên doanh của các công ty Lào, Hàn Quốc, Thái Lan, thi công. Trị giá dự án là 1,02 tỷ USD, công suất dự kiến 1,860 GWh. Công tác đánh giá khả thi của dự án hoàn thành tháng 11/2008. Việc xây dựng bắt đầu tháng 2/2013, dự kiến đi vào hoạt động thương mại trong năm nay. Dự án thủy điện gồm ba con đập là Houay Makchan, Xe Pian và Xe Namnoy, nằm trên các nhánh của sông Mekong. 90% lượng điện của nhà máy sẽ được xuất khẩu sang Thái Lan, phần còn lại phục vụ nhu cầu nội địa Lào.

Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cho biết cơ quan này đã cử các cán bộ ngoại giao tới hiện trường. Hiện cán bộ ngoại giao Việt Nam tại tỉnh Pakxe đã có mặt ở huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu.

“Lực lượng cứu hộ Lào đang nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ các nạn nhân, song cho tới  chưa ghi nhận nạn nhân nào là công dân Việt Nam hay công dân nước ngoài”, đại sứ quán cho biết.

Đại sứ quán Việt Nam đang phối hợp với giới chức Lào để tiến hành công tác bảo hộ công dân nếu có người Việt bị ảnh hưởng.

 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.