| Hotline: 0983.970.780

Thông tin thêm về cây mắc ca

Thứ Tư 17/09/2008 , 09:30 (GMT+7)

Trên NNVN gần đây có giới thiệu giống cây mắc ca có giá trị kinh tế cao. Xin cho biết thêm thông tin về loài này?

Cây giống Mắc ca

Hỏi: Trên NNVN gần đây có giới thiệu giống cây mắc ca có giá trị kinh tế cao. Xin cho biết ở khu vực Đông Nam bộ khí hậu và thổ nhưỡng có phù hợp với cây này không? Có thể liên hệ để mua giống ở đâu?

(Đặng Văn Bảy - baydvxm@yahoo.com.vn)

Trả lời: Cây mắc ca (gọi tắt theo tên khoa học là macadamia integrifolia) là một loại cây quả khô quí hiếm, cho giá trị kinh tế cao, nhu cầu tiêu thụ trên thế giới rất cao, cung không đủ cầu. Mặc dù hiện nay mắc ca đã có mặt ở nhiều nước nhiệt đới và á nhiệt đới, nhưng chỉ có Australia và Hawai (Mỹ) là có diện tích lớn nhất. Tại Việt Nam, từ năm 1994 mắc ca được nhập nội từ Trung Quốc về trồng thử nghiệm ở Ba Vì (Hà Tây cũ), Đắk Lắk (Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên), Sơn La, Phú Thọ, đến nay nhiều cây đã cho quả. Năm 2002 tiếp tục nhập và trồng thử nghiệm 10.000 cây ở Con Cuông (Nghệ An), Ba Vì, Sơn La và Điện Biên.

Năm 2003 Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục nhập nội và trồng thử nghiệm một số giống có nguồn gốc từ Australia tại Ba Vì. Để bạn có thêm thông tin cần thiết trước khi quyết định trồng thử nghiệm loại cây trồng mới này tại Đông Nam bộ chúng tôi giới thiệu tóm tắt một số ý kiến đánh giá của các nhà khoa học và chuyên gia tại cuộc hội thảo “Thực trạng và triển vọng phát triển cây mắc ca ở Việt Nam” do Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Quốc gia phối hợp với Cty CP XNK nông lâm sản chế biến (TCty Rau quả nông sản) tổ chức mới đây tại Ba Vì.

Hội thảo đã làm rõ được nhiều vấn đề về triển vọng đưa loại cây quý, có giá trị kinh tế cao này thành một thế mạnh xuất khẩu trong tương lai. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến lo ngại về khả năng trồng phổ biến loại cây này do những yêu cầu khắt khe về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và chi phí đầu tư cao.

Muốn trồng mắc ca cho năng suất cao cần chọn đất màu mỡ, tơi xốp, thoát nước tốt, tầng dày trên 1,5m; những vùng có nhiệt độ bình quân tháng lạnh nhất vào mùa đông khoảng 14oC là thích hợp cho sự phát triển của cây. Xét các yếu tố dự báo về khả năng phát triển cây mắc ca ở các vùng miền núi Việt Nam, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho rằng: Vùng có điều kiện khí hậu rất thích hợp bao gồm 13 tỉnh miền núi phía Bắc như: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Giang và Thái Nguyên.

Tại vùng này cây mắc ca cần điều kiện nhiệt độ bình quân 17-30oC, cây sinh trưởng tốt, nhiệt độ 27oC tích lũy hạt thuận lợi, khi cây ra hoa cần nhiệt độ thấp dưới 17oC, không có sương muối. Tiếp theo, vùng được đánh giá có điều kiện khí hậu thích hợp gồm 6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Ở vùng này, mùa đông có điều kiện nhiệt độ thấp cần thiết để cây phân hóa mầm hoa và ra hoa, các mùa khác có nhiệt độ cao đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển, kết quả, tích lũy chất khô được tiến hành bình thường. Tuy nhiên vùng này thường bị ảnh hưởng bởi gió Tây Nam (gió Lào) khô nóng do đó nên chọn những vùng ít bị ảnh hưởng như Hướng Hóa (Quảng Trị), A Lưới (Thừa Thiên-Huế)…

Ngoài ra, có thể mở rộng một số nơi vùng cao các tỉnh Tây Nguyên. Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Phạm Đức Tuấn khuyến cáo: “Hiện vẫn chưa có kết luận chính thức về dự án trồng cây mắc ca do vậy các địa phương phải tiến hành từng bước, làm đâu chắc đó không nên làm theo phong trào. Do chi phí đầu tư cao nên giải pháp khả thi là nông dân có thể liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để được cung cấp vốn, giống, phân bón và thu mua sản phẩm sau này”. Nhiều nhà khoa học và chuyên gia cũng cảnh báo về những thất bại có thể gặp phải khi trồng mắc ca tràn lan, chạy theo số lượng thiếu cơ sở khoa học như trường hợp của Trung Quốc mới đây. Vì vậy, phải phát triển từng bước, thận trọng theo hướng thâm canh cao, thâm canh toàn diện, mở rộng dần, làm đến đâu tốt đến đấy. Các tỉnh muốn trồng khảo nghiệm thì nên lấy nguồn giống ở 3 nơi sau đây:

- Trung tâm Nghiên cứu giống cây rừng (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), địa chỉ: Đông Ngạc-Từ Liêm-Hà Nội, ĐT: 04. 8389813.

- Trung tâm Dịch vụ và chuyển giao kỹ thuật lâm nghiệp Ba Vì (Cty CP XNK Nông lâm sản chế biến), 25 Tân Mai, Q. Hoàng Mai, Hà Nội, ĐT: 04. 8642685.

- Cty CP Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc, 246 đường Trần Quang Khải, P. Chi Lăng, TP. Lạng Sơn, ĐT: 025.810264.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.