| Hotline: 0983.970.780

Thủ đoạn mới vận chuyển giống gia cầm Trung Quốc [Bài 6]: Thái Bình vào cuộc

Thứ Tư 05/06/2024 , 08:30 (GMT+7)

Sau khi loạt bài điều tra 'Thủ đoạn mới vận chuyển giống gia cầm Trung Quốc' được đăng tải, Sở NN-PTNT Thái Bình đã ‘chỉ đạo nóng’ để ngăn chặn gia cầm lậu.

Sở NN-PTNT chỉ đạo “nóng”

Trước đó Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh hoạt động kinh doanh vận chuyển con giống gia cầm có nguồn gốc Trung Quốc từ Thái Bình đi các tỉnh miền núi tiêu thụ tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến chăn nuôi nông hộ. Đây là thủ đoạn hoàn toàn mới và tinh vi của các hộ kinh doanh con giống nhằm qua mặt cơ quan chức năng.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Quý Phương - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Bình cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo Sở và các cơ quan chuyên môn đã trực tiếp đi về cơ sở để nắm bắt tình hình, cùng địa phương phối hợp tuyên truyền đến các hộ kinh doanh, giúp họ nhận thức được mức độ nguy hại của con giống gia cầm nhập lậu. Đồng thời đề nghị các hộ ký cam kết không kinh doanh, vận chuyển con giống gia cầm không rõ nguồn gốc.

“Trong thời gian tới, nếu các hộ kinh doanh tiếp tục tái diễn việc kinh doanh con giống Trung Quốc sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, ông Phương nhấn mạnh quan điểm của Sở NN-PTNT Thái Bình.

Ông Phạm Thành Nhương - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình. Ảnh: Đ.M

Ông Phạm Thành Nhương - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình. Ảnh: Đ.M

Còn theo ông Phạm Thành Nhương - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình, qua kiểm tra, các hộ không cung cấp được bất cứ loại giấy tờ nào liên quan đến việc kinh doanh con giống gia cầm.

“Hộ kinh doanh Vũ Thị Xuyến ở thôn Quỳnh Lang, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ không có giấy đăng ký kinh doanh; không có hồ sơ giống để phục vụ xác minh nguồn gốc giống, cũng không được bên bán cung cấp hóa đơn và giấy chứng nhận kiểm dịch động vật”, ông Nhương thông tin.

Qua đó có thể thấy công tác quản lý lĩnh vực kinh doanh con giống gia cầm tại huyện Hưng Hà và Quỳnh Phụ còn tồn tại nhiều bất cập, các hộ đã kinh doanh con giống nhiều năm mà không đăng ký kinh doanh, không thực hiện quy định về kiểm dịch động vật, hồ sơ giống và các quy định liên quan về sản xuất, mua bán giống vật nuôi. “Trong thời gian tới, các cơ quan chuyên môn sẽ tiến hành rà soát, yêu cầu các hộ phải bổ sung đầy đủ giấy tờ theo quy định”, ông Nhương nói.

Về phía các địa phương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình nhấn mạnh, cần tổ chức lại hoạt động kinh doanh con giống gia cầm để đảm bảo an toàn dịch bệnh cũng như bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các công ty sản xuất con giống trong nước.

“Điểm nóng” Đồng Tu vắng lặng

Phóng viên có mặt lúc 19 giờ tại vòng xuyến Đồng Tu, thị trấn Hưng Hà, huyện Hưng Hà, Thái Bình vào các ngày 2-3-4/6. Trước đó, địa điểm này tấp nập hàng hóa con giống trực chờ vận chuyển đi các tỉnh vùng cao, thì nay trở nên tĩnh lặng.

Nếu những chuyến xe giường nằm vận chuyển gia cầm ở thời điểm trước khi Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh là hoạt động kinh doanh hợp pháp, không có gì khuất tất, thì không có lý do gì các nhà xe lại quay lưng với con giống gia cầm, vốn là mặt hàng “hốt bạc” cho giới chủ.

Cảnh tượng các nhà xe nối đuôi nhau xi nhan để tấp vào điểm tập kết hàng chắc chỉ còn lại trong ký ức với người dân nơi đây.

Vòng xuyến Đồng Tu, thị trấn Hưng Hà, huyện Hưng Hà, Thái Bình không còn cảnh tập kết, trung chuyển gia cầm như trước kia. Ảnh: H.K

Vòng xuyến Đồng Tu, thị trấn Hưng Hà, huyện Hưng Hà, Thái Bình không còn cảnh tập kết, trung chuyển gia cầm như trước kia. Ảnh: H.K

Bà Nguyễn Thị H, người dân sinh sống gần ngã tư Đồng Tu cho biết: “Trước đây thấy nhộn nhịp lắm, cứ từ 18 giờ 30 đến khoảng 20 giờ là gà, vịt được các xe bốc đi khắp nơi. Mấy ngày nay tuyệt nhiên không thấy”.

Vì lợi nhuận kinh tế mà các nhà xe đã bất chấp để kinh doanh. Do vậy, Sở NN-PTNT đề nghị Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Bình tiến hành kiểm tra các nhà xe từ Thái Bình đi các tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La... để đảm bảo các nhà xe không tham gia vận chuyển con giống gia cầm theo quy định của pháp luật.

Đối chiếu theo quy định của pháp luật, các nhà xe vận chuyển con giống gia cầm có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 68, Luật Giao thông đường bộ: Người vận tải, người lái xe khách không chở hàng nguy hiểm, hàng có mùi hôi thối hoặc động vật, hàng hóa khác có ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách.

Hộ kinh doanh thừa nhận mua bán con giống Trung Quốc

Trở lại các điểm buôn bán của các hộ kinh doanh con giống gia cầm mà trước đó Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh, trái ngược với hình ảnh các xe tải ra vào tập nập để tập kết hàng, nhân công làm không hết việc, cơ sở kinh doanh con giống gia cầm của bà Đàm Phương Thúy tại xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình (nơi được mệnh danh là “thế giới gà”) tuyệt nhiên vắng lặng. Mọi hoạt động mua bán đều ngừng lại.

Khi đã biết chúng tôi là phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, bà Thúy thừa nhận về việc kinh doanh các con giống gia cầm có nguồn gốc Trung Quốc như gà K8, K9 và gà chíp...

“Trước đây tôi có kinh doanh con giống Trung Quốc như con K8, K9, con chíp. Được cơ quan chức năng giải thích thì tôi cũng hiểu việc buôn bán những con giống này sẽ ảnh hưởng đến người chăn nuôi. Từ nay tôi sẽ không kinh doanh con giống gia cầm Trung Quốc nữa”, bà Thúy chia sẻ.

Bà Đàm Phương Thúy ở xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đọc và ký cam kết không buôn bán con giống gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Ảnh: Đ.M.

Bà Đàm Phương Thúy ở xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đọc và ký cam kết không buôn bán con giống gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Ảnh: Đ.M.

Theo ông Phạm Văn Hùy, Chủ tịch UBND xã Văn Cẩm, ngay sau khi báo chí phản ảnh, chính quyền địa phương đã kiểm tra và yêu cầu hộ kinh doanh ký cam kết không buôn bán con giống gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chấp hành nghiêm các quy định về việc vận chuyển con giống gia cầm liên tỉnh.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát tất cả các hộ kinh doanh con giống gia cầm trên địa bàn, yêu cầu các hộ phải ký cam kết không kinh doanh con giống gia cầm nhập lậu. Còn nếu phát hiện hộ kinh doanh nào tái diễn, sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định”, ông Hùy thông tin.

Ông Phạm Văn Hùy, Chủ tịch UBND xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, yêu cầu hộ kinh doanh ký cam kết. Ảnh: H.K.

Ông Phạm Văn Hùy, Chủ tịch UBND xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, yêu cầu hộ kinh doanh ký cam kết. Ảnh: H.K.

Đoàn công tác tiếp tục làm viêc với cơ sở kinh doanh của bà Vũ Thị Xuyến, một trong những chủ buôn con giống gia cầm tại xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ mà Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh trước đó.

Do chưa nắm bắt được các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, buôn bán con giống gia cầm, nên lúc đầu, người phụ nữ này khăng khăng không chịu thừa nhận những sai lầm và thiếu sót của bản thân.

Tại thời điểm làm việc với Đoàn công tác, bà Xuyến cũng không xuất trình được giấy phép đăng ký kinh doanh con giống gia cầm, cùng các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, giấy tờ kiểm dịch động vật của cơ quan có thẩm quyền.

Bà Xuyến cho rằng, mình chỉ là người chăn nuôi và buôn bán nhỏ lẻ, nên không cần phải có giấy phép đăng ký kinh doanh.

Nhưng sau khi được các cán bộ thú y và cán bộ xã nhắc nhở, giải thích, bà Xuyến mới chịu thừa nhận những sai lầm của bản thân. Người phụ nữ này cũng cam kết rằng, sẽ không kinh doanh con giống gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc.

Vi phạm do chưa hiểu luật

“Từ trước đến giờ tôi cũng chưa nắm được rõ các chính sách pháp luật của nhà nước. Nhưng giờ được các cán bộ ở tỉnh và huyện về giải thích, thì tôi đã hiểu và trong thời gian tới tôi sẽ sửa, tránh để sai lầm tái diễn. Tôi cũng tuyệt đối nói không với con giống gia cầm không rõ nguồn gốc”, bà Xuyến cam kết.

Bên cạnh đó, bà Xuyến cũng kiến nghị cơ quan chức năng nhanh chóng có hướng dẫn cụ thể và tạo điều kiện để những hộ kinh doanh như gia đình bà Xuyến sớm hoàn thiện đầy đủ thủ tục, giấy tờ liên quan đến việc buôn bán con giống gia cầm.

Bà Vũ Thị Xuyến, một trong những chủ buôn con giống gia cầm tại xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Ảnh: H.K.

Bà Vũ Thị Xuyến, một trong những chủ buôn con giống gia cầm tại xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Ảnh: H.K.

Ông Lưu Xuân Dung, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ cho biết, trong thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt là hoạt động kinh doanh con giống gia cầm.

“UBND xã đã yêu cầu các hộ chăn nuôi trên địa bàn, trong đó có gia đình bà Xuyến phải ký cam kết không kinh doanh, buôn bán con giống gia cầm không rõ nguồn gốc. Đồng thời yêu các hộ chăn nuôi phải thực hiện đầy đủ các thủ tục kinh doanh con giống gia cầm”, ông Dung cho biết.

Lý giải nguyên nhân gia đình bà Xuyến đã chăn nuôi, buôn bán nhiều năm, nhưng vẫn không nắm được các quy định của pháp luật liên quan đến việc kinh doanh con giống gia cầm, ông Dung cho biết, “do thời gian trước đó các cán bộ thú y của xã mới chỉ phổ biến đến người dân thông qua loa truyền thanh, chưa có tập huấn, hướng dẫn cụ thể”.

Qua loạt phóng sự điều tra về thủ đoạn mới trong việc vận chuyển con giống gia cầm lên các tỉnh vùng cao để tiêu thụ của Báo Nông nghiệp Việt Nam, thì các cơ quan, ban ngành của tỉnh Thái Bình đã ngồi lại với nhau để nhìn nhận vấn đề còn tồn đọng trong lĩnh vực kinh doanh con giống gia cầm trên địa bàn.

Xem thêm
Hà Giang có 10 Sở thực hiện hợp nhất

Ngày 17/12, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội nghị triển khai, xây dựng phương án sắp xếp các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh này.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Sau đợt mưa lớn, hồ thủy lợi ở Khánh Hòa đã tích được 84% dung tích

Nhờ đợt mưa lớn vừa qua, các hồ thủy lợi ở tỉnh Khánh Hòa đã tích được 84% dung tích thiết kế, đảm bảo 100% diện tích kế hoạch sản xuất vụ đông xuân.