| Hotline: 0983.970.780

Thu giữ hàng trăm xe điện của Hamachi và Thế giới xe chạy điện

Thứ Ba 19/12/2023 , 14:57 (GMT+7)

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra chuỗi kinh doanh xe điện tại 12 tỉnh, thành phố phát hiện gần 300 trăm chiếc xe đạp điện, xe máy điện có nhiều vi phạm.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra chuỗi kinh doanh xe điện Hamachi tại An Giang. Ảnh: Tổng cục QLTT.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra chuỗi kinh doanh xe điện Hamachi tại An Giang. Ảnh: Tổng cục QLTT.

Sau thời gian dài áp dụng các biện pháp nghiệp vụ về thương mại điện tử trên nền tảng internet, căn cứ dấu hiệu vi phạm, trong hai ngày 14 - 15/12, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra chuỗi kinh doanh xe điện được giới thiệu trên hai website: hamachi.vn và thegioixechaydien.com.vn.

Đợt kiểm tra do Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường các địa phương. Hai chuỗi kinh doanh này có 34 cơ sở, nằm rải rác ở 12 tỉnh, TP, gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Bình Dương, Sóc Trăng, Long An, Đồng Nai, Kiên Giang, Phú Thọ.

Hàng trăm xe điện không rõ nguồn gốc, chất lượng

Kết quả kiểm tra tại TP.HCM cho thấy, trong 9 cơ sở kinh doanh đã kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường đã tạm giữ 30 xe đạp điện các nhãn hiệu Hamachi, Tonochi không có tài liệu chứng minh chất lượng sản phẩm hàng hóa, không gắn tem hợp quy vào sản phẩm lưu thông trên thị trường; 39 chiếc xe điện nhãn hiệu Hamachi chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ và 10 bộ ắc quy dùng cho xe điện không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Tại Hà Nội, lực lượng Quản lý thị trường cũng phát hiện 13 chiếc xe đạp điện nhãn hiệu Hamachi không gắn tem hợp quy, chưa chứng minh được nguồn gốc của hàng hóa.

Tại Kiên Giang phát hiện 10 chiếc xe đạp điện nhãn hiệu Hamachi chưa chứng minh được về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, đồng thời hàng hóa không gắn dấu hợp quy theo quy định. Tại Tiền Giang, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện và thu giữ 21 chiếc xe đạp điện không gắn dấu hợp quy và 6 chiếc xe máy điện không có nhãn hàng hóa theo quy định.

Đại diện cửa hàng chưa cung cấp được giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại dùng cho xe mô tô, xe gắn máy đối với 6 xe máy điện theo quy định. Tất cả hóa đơn chứng từ hợp pháp của hàng hóa đều chưa được xuất trình tại thời điểm lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra.

Tại Đồng Nai, 65 chiếc xe đạp điện chưa cung cấp được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; không gắn dấu hợp quy vào sản phẩm hàng hóa là xe đạp điện theo quy định.

Tại Đắk Lắk, phát hiện 68 chiếc xe đạp điện nhãn hiệu Hamachi không có căn cứ để xác định nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, không gắn tem hợp quy theo quy định. Đáng chú ý, lực lượng Quản lý thị trường cho biết khi xác định trọng lượng của xe đạp điện đều trên 40kg, vượt ngưỡng về quy chuẩn kỹ thuật quy định tại Thông tư số 39/2013/TT-BGTVT ngày 01/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành quy chuẩn quốc gia về xe đạp điện.

Tại An Giang, phát hiện 23 xe máy điện và xe đạp điện mang nhãn hiệu Hamachi chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa cũng như các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến chất lượng hàng hóa.

Nhiều cơ sở đóng cửa trốn kiểm tra

Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, trong quá trình kiểm tra đồng loạt tại các địa phương đã ghi nhận tình trạng nhiều cơ sở đóng cửa không rõ lý do.

Đơn cử như khi kiểm tra đột xuất Cơ sở kinh doanh Hamachi tại đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10, Đội QLTTT số 10, Cục QLTT TP.HCM ghi nhận cửa hàng đóng cửa, không rõ lý do và không biết thời gian mở cửa trở lại.

Tại Sóc Trăng, Bình Dương mặc dù lực lượng chức năng đã nhanh chóng triển khai kiểm tra theo chỉ đạo của Tổng cục, tuy nhiên các cơ sở Hamachi trên địa bàn đóng cửa để tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.

Phòng Nghiệp vụ 1, Cục Nghiệp vụ QLTT đang kiểm tra tại Cơ sở thegioixechaydien 509 Quang Trung, TP.HCM. Ảnh: Tổng cục QLTT.

Phòng Nghiệp vụ 1, Cục Nghiệp vụ QLTT đang kiểm tra tại Cơ sở thegioixechaydien 509 Quang Trung, TP.HCM. Ảnh: Tổng cục QLTT.

Hoặc khi kiểm tra tại địa điểm kinh doanh được giới thiệu trên website thegioixechaydien.com.vn ở phường 10, quận Gò Vấp, TP.HCM sáng ngày 14/12, đoàn kiểm tra cũng ghi nhận cơ sở trên đóng cửa, chuyển địa điểm kinh doanh. Sau khi xác định địa chỉ mới, khi thấy lực lượng chức năng, cơ sở nhanh chóng “sập cửa” để gây khó khăn cho lực lượng trong tác nghiệp. Bằng biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã mời cơ sở hợp tác để tiến hành kiểm tra.

Tương tự Hamachi, các thông tin quảng bá trên website của thegioixechaydien.com.vn, cũng thể hiện chuỗi phân phối lớn tại 4 tỉnh, thành phố gồm TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Phú Thọ. Trong đó, TP.HCM lớn nhất với 13 cửa hàng rải đều khắp các quận Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp, Quận 12, 7, 11, Nhà Bè... Khi tiến hành kiểm tra thực tế tại cơ sở ở TP.HCM, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện 5 chiếc xe điện không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn hàng hóa, không xuất trình được hóa đơn, chứng từ.

Cùng thời điểm trên, tại 5 cơ sở kinh doanh trong chuỗi thegioixechaydien.com.vn trên địa bàn tỉnh Long An, thời điểm kiểm tra 3/5 cơ sở đóng cửa nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.

Kết quả thống kê, sau hai ngày kiểm tra đồng loạt trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố, gần 300 trăm chiếc xe đạp điện, xe máy điện không thực hiện niêm yết giá, trên sản phẩm không thể hiện xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, không thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định, không có tài liệu chứng minh chất lượng hàng hóa, không có tem hợp quy dán sản phẩm đã bị lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, tạm giữ.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất