Thời Covid-19, các cuộc thi Hoa hậu không còn tưng bừng như xưa, nhưng vẫn là ước mơ của bao nhiêu cô gái. Tôi tình cờ nhìn thấy em trong rộn ràng những cô gái nôn nao ứng thí nhan sắc. Không hiểu sao, tôi cứ tự hỏi, cũng độ tuổi thanh xuân phơi phới, bao nhiêu thiếu nữ đang cặm cụi đèn sách, hoặc đang chăm chỉ bếp núc, còn em náo nức hướng về chiếc vương miện xa xôi?
Hỏi là hỏi vậy, nhưng tôi vẫn tin sự chọn lựa của em hoàn toàn hợp lý. Đã từ rất lâu, tôi nghĩ rằng, dung mạo và tài năng là hai thứ vưu vật do thượng đế rộng lượng ban tặng cho một vài người, mà dung mạo trong mọi hoàn cảnh thường dễ được phát hiện và dễ được công nhận hơn tài năng. Tuy nhiên, sử dụng vưu vật ấy như thế nào, lại là một chuyện không hề đơn giản. Vì vậy, tôi đắn đo viết cho em lá thư này như một sự chia sẻ thiện chí!
Số tiền thưởng cho cô gái đoạt danh hiệu Hoa hậu lên đến hàng tỷ đồng, khiến không ít người ngạc nhiên xen lẫn ngưỡng mộ. Phải chăng nhan sắc đang giúp chúng ta tự hào về vốn quý quốc gia? Bằng tất cả sự cởi mở của người Việt thời hội nhập, chúng ta đã có “Hoa hậu Việt Nam”, “Hoa hậu Đại Dương”, “Hoa hậu các vùng kinh đô Việt Nam”, “Hoa hậu các dân tộc Việt Nam”, “Hoa hậu Thể thao”, “Hoa hậu Trang sức”, “Hoa hậu Áo dài”, “Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh”, “Hoa hậu Thế giới người Việt”...
Mỗi cuộc thi một vẻ, hoa cát tường có dáng hoa cát tường mà hoa cẩm chướng có duyên hoa cẩm chướng, không ai khỏa lấp ai được. Trong mắt công chúng cũng vậy, không người nào căn cứ vào qui mô cuộc thi có truyền hình trực tiếp trên tivi hay không, hoặc diễn ra ở khu nghỉ dưỡng cao cấp nào, để đánh giá đẳng cấp hoa hậu.
Điều công chúng quan tâm là hoa hậu mang cái nhan sắc được bảo chứng bằng vương miện, có thể bước ra cuộc đời như thế nào? Thực tế, sự có mặt của hoa hậu giúp một góc đường lộng lẫy hơn, giúp một ngõ phố tươi tắn hơn, giúp người nhìn gần thấy vui vẻ, giúp người nghĩ xa biết ước mơ.
Thế nhưng, hỡi cô gái sắp trở thành hoa hậu ơi, đã mấy lần chúng ta được chứng kiến hoa hậu lên tiếng bênh vực quyền lợi cho nữ giới, đã mấy lần chúng ta được chứng kiến hoa hậu an ủi người thiệt thòi chưa, đã mấy lần chúng ta được chứng kiến hoa hậu xoa dịu nỗi bất hạnh? Hiếm hoi lắm, ít ỏi lắm. Nổi bật chỉ có những hoạt động từ thiện của Hoa hậu Mai Phương Thúy. Còn các hoa hậu khác, nếu không dính líu đến các mối tình với “đại gia” nào đó thì cũng khư khư vun vén hạnh phúc riêng tư.
Chỉ cần quan sát, không khó khăn gì em sẽ thấy, so với các hoa hậu trên thế giới, thì hoa hậu Việt Nam có sức ảnh hưởng khá khiêm tốn. Thử phân tích thực trạng này nhé! Có thể các hoa hậu có quá nhiều mưu cầu cá nhân, mà cũng có thể các tổ chức xã hội chưa có hành động cụ thể ủng hộ hoa hậu tham gia vào đời sống xã hội.
Ở đây, rõ ràng khó có thể trách ai được. Lý do đơn giản nhất là chúng ta mới dừng ở khái niệm hoa hậu của sàn diễn, hoa hậu của tiệc tùng, hoa hậu của hoan hô, hoa hậu của chào đón, hoa hậu của quảng cáo. Từ hai phía, với trách nhiệm và lương tri ở một đất nước khao khát vươn lên, thì hoa hậu nhận một phần lỗi về hoa hậu, và các tổ chức xã hội nhận một phần lỗi về các tổ chức xã hội, vì chúng ta chưa kịp hình thành khái niệm ứng xử của hoa hậu. Nghĩa là, song song với một hoa hậu được vinh danh phải có một hoa hậu được cống hiến!
Người Việt Nam không thể ủ dột mãi trong cảnh bồn chồn, mỗi khi xem ti vi thấy Hoa hậu nước Mỹ vận động quyên góp giúp đỡ bệnh nhân nhiễm HIV hay Hoa hậu nước Pháp nói chuyện với sinh viên về công tác bảo vệ môi trường, rồi bất giác thở dài tự hỏi không biết giờ này Hoa hậu nước ta đang son phấn rực rỡ dạo gót chân ngà ngọc phiêu lãng nơi nào? Nếu ngày mai em trở thành hoa hậu, em sẽ giải đáp thắc mắc ấy của mọi người ra sao? Tôi dám chắc, em thừa nhạy bén để biết rằng, khi không song hành với cái thiện, thì cái đẹp sẽ bộc lộ sự bơ vơ, sự ích kỷ, sự lạnh lùng!
Từ năm 2003, nhan sắc Việt đã tự tin xuất hiện ở các cuộc thi quốc tế mà cột mốc quan trọng nhất là Hoa hậu Nguyễn Thị Mai Phương lọt vào top 16 Hoa hậu Thế giới. Rồi sau đó, tiếp tục những Nguyễn Thị Huyền, Hương Giang, H’Hen Niê, Nguyễn Trần Khánh Vân… không hề còn chút ngại ngùng nào khi đứng so vai những hoa hậu các nước bè bạn.
Bên cạnh cuộc thi Hoa hậu Thế giới, vài cuộc thi uy tín khác như Hoa hậu Hoàn Vũ hay Hoa hậu Trái Đất đều lần lượt có các đại diện người đẹp Việt Nam tham dự. Trước đây, nhiều người e dè về chiều cao của hoa hậu nước ta khi thi thố cùng bạn bè. Còn đến thời điểm này, khi nhìn đôi chân dài của các cô gái Việt thì vấn đề thước tấc không mang tính trở ngại nữa.
Nếu em may mắn giành ngôi vị cao nhất, thì em sẽ có cơ hội tham dự nhiều cuộc thi hoa hậu quốc tế. Liệu em có băn khoăn, ngoài chiếc áo dài nền nã để mỗi bước đi toát ra cốt cách người Việt, các hoa hậu chúng ta có gì để tỏa sáng với thế giới?
Nếu Ban tổ chức cuộc thi hoa hậu quốc tế biết rằng, có người đẹp của chúng ta khi được chọn ứng thí mới vội vàng tập môn… đá cầu để đối phó với phần thi năng khiếu, thì không khác gì chuyện tiếu lâm liên lục địa. Nếu muốn Hoa hậu Việt Nam có vị trí cao hơn nữa, thì trang bị ngoại ngữ vẫn chưa đủ. Tương lai Hoa hậu Việt Nam phải có bản lĩnh của một người thanh lịch, biết chơi một loại nhạc cụ nào đó, biết múa một vũ điệu truyền thống của dân tộc, biết kể một câu chuyện duyên dáng…
Những điều đó ở đâu ra? Tất nhiên, không thể trông cậy vào những khóa đào tạo cấp tốc dăm bữa hoặc nửa tháng, em ạ! Cái đẹp phải được bồi đắp một cách bền bỉ mới có sức lay động và cảm hóa người khác. Tôi phấp phổng hy vọng em may mắn được đào tạo trong một môi trường giáo dục tiến bộ, không phải “tụng” những bài văn mẫu mà được tiếp cận những giờ ngoại khóa bổ ích.
Sự thật lỡ làng, nói ra lắm lúc nao dạ nhưng không thể ấp úng vòng vo mãi, chính vì quan điểm giáo dục vẫn còn nhiều khô cứng của chúng ta, mà người Việt Nam thời hội nhập với hình ảnh tiêu biểu là Hoa hậu Việt Nam luôn phơi bày không ít sự vụng về, sự lúng túng khi muốn phô diện vẻ đẹp với năm châu. Đành rằng, chúng ta rất cần những nhà toán học đỉnh cao để thể hiện trí thông minh người Việt Nam, nhưng chúng ta cũng cần những hoa hậu hoàn mỹ để thể hiện nét đẹp rạng ngời người Việt Nam.
Em có quyền tự hào nếu ngày mai đội trên đầu chiếc vương miện và cười rạng rỡ giữa bao nhiêu tràng pháo tay chúc tụng và những bó hoa chung vui. Bởi lẽ, những cô gái Việt Nam ngày càng đẹp hơn đã giúp những hoa hậu Việt Nam ngày càng kiêu sa hơn.
Tôi chỉ mong em nhớ một điều rất khiêm nhường nhưng cũng rất cần thiết khi rời khỏi buổi đăng quang kỳ diệu ấy: Để nhan sắc Việt tỏa sáng với thế giới, trước mắt còn nhiều việc phải làm. Quan trọng nhất là chúng ta phải có nhận thức đầy đủ và nghiêm túc về xây dựng hình tượng hoa hậu. Hoa hậu Việt Nam không chỉ đại diện cho dung mạo Việt Nam, mà còn đại diện cho thẩm mỹ Việt Nam, tinh tế Việt Nam, tấm lòng Việt Nam.
Thật nuối tiếc, nếu một ngày nào đó, chúng ta lỡ làng nhận ra thực trạng tôn vinh hoa hậu cũng giống như thực trạng đào tạo tiến sĩ. Đành rằng, một đất nước phồn vinh thì càng nhiều hoa hậu càng tốt, càng nhiều tiến sĩ càng tốt. Song, phải chân thành e ngại, khi có rất nhiều học vị tiến sĩ mà lại có rất ít công trình khoa học giá trị, khi có rất nhiều danh xưng hoa hậu mà lại có rất ít vẻ đẹp nhan sắc lấp lánh.
Có thể mang tính chủ quan, nhưng tôi vẫn bày tỏ, việc khai thác hoa hậu hay khai thác tiến sĩ phải giống như lấy nước từ trong lòng giếng chứ không phải lấy nước từ trong hồ chứa. Nước trong lòng giếng có trầm tích, có đối lưu, có mạch ngầm. Còn nước trong hồ chứa thường hạn chế, thường ngưng trệ, thường lạnh lẽo. Múc nước trong lòng giếng luôn múc được sự trong mát và ngọt ngào, còn múc nước trong hồ chứa lắm lúc rủi ro múc cả sự tù đọng và bẽ bàng!
Nói cách khác, hoa hậu và tiến sĩ là đỉnh cao cho cộng đồng chiêm bái. Nếu có khả năng chọn đỉnh cao của ngọn núi, thì không nên chọn đỉnh cao của vạt đồi! Hình như trên thế giới, không có một quốc gia thịnh vượng nào có ý định bình dân hóa hoa hậu và quần chúng hóa tiến sĩ!
Thư ngắn, tình dài, tôi xin chúc em trở thành Hoa hậu. Và tôi cũng xin chúc em chân cứng đá mềm trên hành trình mang nhan sắc của mình đến gần hơn và có ý nghĩa hơn với cộng đồng!