| Hotline: 0983.970.780

Thu hoạch nông sản, căng như dây đàn

Thứ Năm 16/02/2012 , 09:41 (GMT+7)

Sau Tết, ĐBSCL bắt tay vào việc thu hoạch lúa ĐX chính vụ; trong khi đó, vụ mía đang giữa mùa thu hoạch. Các cây trồng khác như dưa hấu, chanh… cũng đang cần nhân công thu hái thường xuyên.

Thu hoạch mía ở xã Bình Lợi, Bình Chánh, TP HCM

Sau Tết,  ĐBSCL bắt tay vào việc thu hoạch lúa ĐX chính vụ; trong khi đó, vụ mía đang giữa mùa thu hoạch. Các cây trồng khác như dưa hấu, chanh… cũng đang cần nhân công thu hái thường xuyên. 

Tại Đông Nam bộ, hồ tiêu, cà phê, điều cũng bắt đầu vào vụ. Vì thế, chuyện nhân công thu hoạch nông sản đang căng như dây đàn. Vườn tiêu đã đến độ thu hoạch, giá tiêu lại cao, bán tại vườn được tới 120.000- 130.000 đ/kg, nên các hộ trồng tiêu ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai không khỏi mừng thầm. Bởi với giá tiêu như trên, cho dù năng suất có giảm nhiều so với vụ trước, thì lợi nhuận thu về từ cây tiêu là không nhỏ.

Theo ông Trần Hữu Thắng, nông dân ấp Thọ Lộc, năng suất vườn tiêu của nhà ông ở vụ trước tới 10 tấn/ha, vụ này giảm xuống chỉ còn khoảng 7 tấn. Nhưng với giá 120.000 đ/kg, cao hơn cùng kỳ vụ tiêu trước tới 30.000 đồng, nên thu nhập từ vườn tiêu vẫn đạt mức rất cao, khoảng 840 triệu đ/ha.

Nhân lúc giá đang cao như vậy, người trồng tiêu ở Xuân Lộc đang tranh thủ thu hoạch đồng loạt. Chính vì vậy, nhân công thu hoạch tiêu bỗng trở nên khan hiếm. Giá một ngày công đã lên tới 120.000-130.000 đồng, nhưng vẫn khó kiếm được người làm.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, một chủ vườn tiêu ở ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, than thở: “Khi tiêu chín rộ, cần phải có nhiều nhân công để thu hoạch nhanh, bởi để lâu trên cây, tiêu sẽ bị rụng xuống đất, làm hao hụt sản lượng. Mặt khác, giá tiêu đang ở mức cao nên dễ bị kẻ gian nhòm ngó, tìm cách hái trộm. Nếu mình không thu hái kịp thời là mất liền. Tiêu hái xong, lại cần phải có người phơi phóng và trông coi cẩn thận để tránh ảnh hưởng tới chất lượng. Nhưng nhân công giờ khan hiếm quá, tôi đi tìm mấy ngày mà chưa có. Đành phải động viên cả gia đình, từ già đến trẻ cùng tranh thủ ra vườn thu hoạch”.

Ông Đào Văn Bình, nông dân ở xã Bàu Đất, thị xã Long Khánh, Đồng Nai, cho biết thêm, không chỉ tiêu mà cây cà phê ở đây cũng đang trong mùa thu hoạch. Mỗi ha cà phê cần tới 4- 5 người thu hái, thành ra tình trạng khan hiếm nhân công càng trở nên căng thẳng. Mọi năm cũng thiếu nhân công, nhưng cứ nâng giá thuê lên cao hơn một chút thì cũng kiếm ra người làm. Bây giờ người ta đổ xô vào làm trong các nhà máy, khu công nghiệp ngày càng nhiều, nên dù có tăng giá thuê hái tiêu, hái cà phê lên cao, các chủ vườn cũng khó mà tìm được nhân công thu hoạch.

Về vùng mía ở Bình Chánh (TP HCM) hay ở các huyện Bến Lức, Đức Hòa của tỉnh Long An, khi mùa mía đang vào giai đoạn thu hoạch rộ, cơn khát nhân công thu hoạch lại càng gay gắt hơn. Mấy hôm nay, anh Trần Văn Cao, chủ một ruộng mía ở xã Lương Hòa (Bến Lức), đi khắp trong ấp, trong xã tìm nhân công địa phương để thuê vác mía từ ruộng lên bờ mà không được.

Anh Cao than: “Công địa phương bây giờ tăng cao hơn nhiều so với đầu vụ. Nhân công địa phương chỉ vác từng bó mía nhỏ, mỗi bó chừng 7- 8 kg. Hồi đầu vụ mía, tức là cuối năm ngoái, công vác 100 bó mía là 30.000 đồng, nay tăng lên 55.000 đồng. Mỗi ngày, một nhân công địa phương, dư sức vác được 500 bó mía, tính ra có khoản thu nhập gần 300.000 đồng. Vậy mà tôi chẳng tìm được ai để thuê, bởi những người trước đây thường đi vác mía, giờ vô làm trong các nhà máy (NM) hết rồi".

Cũng theo anh Cao, làm NM dù thu nhập thấp hơn vác mía nhưng lại nhàn hạ và công việc ổn định hơn. Số khác không vô NM thì đi làm công cho các chủ vườn chanh. Công chăm sóc, thu hoạch chanh hiện khoảng 120.000- 130.000 đ/ngày, thấp hơn làm mía, nhưng làm chanh không vất vả, cực nhọc như vác mía. Vì thế người địa phương vẫn thích làm chanh hơn.

Không tìm được nhân công địa phương, anh Cao đang phải liên hệ để thuê thợ làm mía đến từ Trà Vinh nhưng phải chờ vì họ còn đang bận thu hoạch mía ở những ruộng khác, và phải chấp nhận tiền công khoảng 170-180 ngàn đ/tấn.

Thiếu nhân công đang khiến cho toan tính thu lợi nhuận cao hơn của nhiều chủ ruộng mía bị phá sản. Ông Bùi Văn Hạnh, nông dân ở ấp 3B, xã Hựu Thạnh, Đức Hòa, Long An, cho biết giá mua mía ngay tại nhà máy chênh lệch khá xa với giá mía bán tại ruộng. Nếu như chở đến nhà máy, với mía đạt 10 CCS, nông dân bán được giá 1 triệu đ/tấn, ngoài ra còn được nhà máy thưởng 70 ngàn đ/tấn. Còn bán tại ruộng, chỉ có thể bán xô với giá 600.000- 650.000 đ/tấn.

Chính vì vậy, trong vụ mía năm nay, ông Hạnh quyết định đi tìm thuê người thu hoạch mía rồi thuê xe chở lên tận NM để bán. Nhưng 1 ha mía cần tới 40- 50 người vừa đốn, vừa vác mía. Mà nhà ông Hạnh có tới gần chục ha. Nếu tìm được đủ nhân công để thu hoạch toàn bộ diện tích mía này là rất khó.

Cuối cùng, không thể tìm đâu ra người thu hoạch mía, ông Hạnh lại đành phải bán mía ngay tại ruộng cho thương lái, từ bỏ kế hoạch tự thu hoạch rồi mang đến bán ở NM để hưởng lợi nhuận cao hơn. Theo ông Hạnh, hiện tại vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An còn chưa thu hoạch rộ lúa ĐX, nên vẫn còn nhân công từ các huyện trên đó xuống làm mía. Nhưng ít ngày nữa, khi vùng Đồng Tháp Mười vào thời điểm thu hoạch lúa chính vụ, các vùng lúa khác ở ĐBSCL cũng thu hoạch rộ, thì các chủ ruộng mía càng khó kiếm nhân công  hơn nữa.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Hải Phòng phát hiện hơn 100 tàu cá mất kết nối VMS trong 4 tháng

Những trường hợp tàu cá bị phát hiện mất kết nối, nếu không khắc phục kịp thời, cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng đều xử lý nghiêm.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.