| Hotline: 0983.970.780

Thu lợi kép vì biết phát huy nguồn lực rơm rạ

Thứ Sáu 25/11/2022 , 14:24 (GMT+7)

Đồng Tháp Rơm sau khi dùng để trồng nấm, tiếp tục được sử dụng để ủ phân hữu cơ bón cho vườn, không chỉ tốt cho cây, mà còn giảm đáng kể chi phí.

Đó là cách làm hiệu quả của anh nông dân Trần Minh Tâm, 46 tuổi, ở ấp An Phú, xã An Long, huyện Tam Nông, Đồng Tháp.

Khu vườn rộng gần 1ha của vợ chồng anh Tâm được quy hoạch khá bài bản, cây được trồng theo hàng trên liếp đất cao, chạy dài giữa các hàng cây là mương nước lắng phèn. Bên dưới thả các loại cá đồng. Nhưng khác với đa số các vườn thường thấy, chỉ trồng 1-2 loại cây, khu vườn của anh Tâm trồng có đến hơn chục loại cây: chanh, sầu riêng, mãng cầu, đu đủ, xoài, ổi, mít, bơ, chuối, dừa, chôm chôm…

Một góc khu vườn của gia đình anh Tâm. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Một góc khu vườn của gia đình anh Tâm. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Trả lời câu hỏi lý do trồng nhiều loại cây trong vườn, anh Tâm cười, cho biết: “Tôi trồng vườn cây này có nhiều mục đích, đầu tiên là do…sở thích, cây gì cũng muốn trồng. Thứ 2, đây là khu vườn dưỡng già, trồng cho mình và cho con cháu. Thứ 3, tôi muốn có vườn cây trái do tay mình trồng theo quy trình sạch, hữu cơ, sản phẩm đảm bảo chất lượng để cho con cháu mai mốt về, mùa nào trái nấy, thích trái gì chạy ra vườn là có. Phần vì chỉ có 2 vợ chồng, lo xong hơn 13ha lúa là hết thời gian, nên vườn cây không có người chăm. Hiện tại, tôi chủ yếu dưỡng cây cho khoẻ, lớn thôi chứ chưa tập trung làm trái. Vì thế, dù ít được chăm kỹ nhưng cây cũng phát triển rất tốt. Thêm nữa, cây chỉ bón phân hữu cơ, ủ từ rơm mục sau khi trồng nấm trộn phân bò nên rất khoẻ”.

Quan sát bằng mắt thường, tôi thấy các loại cây trong vườn phát triển khá tốt, mặc dù không được dọn cỏ và nhiều loại côn trùng bay tới tấp.

Anh Trần Minh Tâm cho biết, anh chưa có kế hoạch làm trái, nhưng nhiều cây vẫn ra khá nhiều trái, như cây chanh này. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Anh Trần Minh Tâm cho biết, anh chưa có kế hoạch làm trái, nhưng nhiều cây vẫn ra khá nhiều trái, như cây chanh này. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Nói về phân ủ từ rơm trồng nấm, anh Tâm cho biết, đây là chương trình do Chi cục Trồng trọt tỉnh Đồng Tháp tài trợ và hướng dẫn quy trình kỹ thuật. “Tôi là người đăng ký làm mô hình trồng nấm rơm và ủ phân này đầu tiên ở An Long, được Chi cục trồng trọt tài trợ 50% kinh phí. Mới trồng vụ nấm đầu tiên đã thành công. Nên giờ tôi được Chi cục đề nghị tiếp tục làm để hướng dẫn cho bà con xung quanh cùng làm”, anh Tâm nói.

Anh Tâm cho biết, anh trồng nấm ngoài trời, dọc theo các hàng cây, chiều dài chưa đến 300m, sau 2 tháng, anh thu hoạch được gần 4 tạ nấm thành phẩm, thương lái đến tận nơi thu mua. “Tôi thu được 17 triệu. Nếu không tính công chăm sóc thì 1 lời 1, tức chi phí khoảng 1 nửa. Nếu tính theo diện tích này, thì 1 công có thể đạt doanh thu gần trăm triệu. Trừ 50% chi phí, vẫn lời hơn lúa nhiều”, anh Tâm phân tích.

Một trong những ụ phân hữu cơ được ủ tù rơm sau khi trồng nấm của vợ chồng anh Tâm. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Một trong những ụ phân hữu cơ được ủ tù rơm sau khi trồng nấm của vợ chồng anh Tâm. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Theo anh Tâm, trồng nấm cũng yêu cầu kỹ thuật khá cao, chăm sóc cũng cực. Nhất là trồng nấm ngoài trời, rất dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, nhiệt độ. Nhưng chỉ cần chú ý học hỏi thì nắm quy trình rất nhanh. Ban đầu làm diện tích nhỏ trước, trường hợp thất bại, thiệt hại cũng không nhiều, vì chi phí đầu tư cho nấm rơm không lớn. “Trồng nấm rơm có thể thu lợi kép. Đó là sau khi thu hoạch nấm, mình tiếp tục tái sử dụng rơm để ủ phân hữu cơ. Tôi cũng mới làm theo quy trình bên chi cục họ hướng dẫn, rất đơn giản mà phân hữu cơ chất lượng cao. Công thức ủ phân gồm 4 tấn rơm và 1,5 tấn phân bò, trộn đều, trong quá trình trộn, phun nước pha bột sinh học vào từng lớp trộn, sau đó dùng tấm vải nhựa trùm kín, phải bịt thật kín để luôn duy trì nhiệt độ từ ở mức 40 – 50 độ C. Trong thời gian ủ, tiếp tục đảo, trộn thêm 2 - 3 lần nữa. Khi kiểm tra thấy rơm rã mịn và không còn nghe mùi phân bò nữa là được. Loại phân này ngày càng được bà con ưa xài, giờ có bao nhiêu lái đến mua hết bấy nhiêu, giá từ 5-6 ngàn đồng/kg”, anh Tâm nói.

“Hiện nay, thu hoạch lúa đều dùng máy đa năng, nên rơm được cuộn chặt, rất tiện lợi để tái sử dụng. Trồng nấm là một trong những hướng tận dụng rơm hiệu quả. Kỹ thuật trồng nấm cũng không khó, chỉ cần chịu khó học hỏi là biết. Như anh Tâm, một nông dân ít học hành, nhưng ngay vụ nấm đầu tiên đã thành công. Sau 2 tháng, có thêm thu nhập gần chục triệu từ nấm. Sau khi thu hoạch nấm, tiếp tục ủ làm phân hữu cơ, bón lại cho chính cây lúa, vừa giảm phát thải khí nhà kính, lại tăng dưỡng chất cho ruộng lúa. Đặc biệt, giảm đáng kể chi phí đầu tư phân bón. Sắp tới đây, anh Tâm tiếp tục làm vụ thứ 2 và sẽ có một số hộ dân đến tham quan học hỏi để cùng làm”, anh Đinh Công Tánh, Chủ tịch Hội nông dân xã An Long, huyện Tam Nông, Đồng Tháp.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Công nghệ dinh dưỡng Vinco Roots bồi bổ cho đất

ĐBSCL Vinco giới thiệu dòng sản phẩm hữu cơ sinh học Vinco Roots, bổ sung vi lượng giúp cây khỏe và đang chứng minh hiệu quả trên các cánh đồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.