| Hotline: 0983.970.780

Khí thế mới trên ruộng đồng

Thủ phủ rau Gò Công Tây nhộn nhịp sau giãn cách

Thứ Hai 18/10/2021 , 10:23 (GMT+7)

Sau khi nới lỏng giãn cách, khép lại chuỗi ngày tháng trầm lắng, tại Gò Công Tây, thủ phủ rau của tỉnhTiền Giang đã nhộn nhịp hoạt động thu hoạch, mua bán nông sản…

Trên đường, dưới ruộng nhộn nhịp thu rau

Có dịp về xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây, một trong những vùng trọng điểm rau màu của tỉnh Tiền Giang những ngày này, chúng tôi chứng kiến rất đông người dân đang khẩn trương ra đồng thu hoạch lứa rau đầu tiên sau những ngày giãn cách xã hội.

Người dân đang khẩn trương ra đồng thu hoạch lứa rau đầu tiên sau những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: Minh Sáng.

Người dân đang khẩn trương ra đồng thu hoạch lứa rau đầu tiên sau những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: Minh Sáng.

Trên những tuyến đường liên thôn, xã, những chuyến xe máy, ba gác chạy ngược xuôi “cõng” theo những sọt rau, củ, quả đầy ắp. Dưới cánh đồng, những đôi tay dù đã bớt chai sần do tạm nghỉ trong thời gian giãn cách cứ thoăn thoắt nhổ cắt từng gốc rau xanh mướt, xếp gọn chờ thương lái đến thu mua. Trên gương mặt ai cũng ánh lên niềm vui sau bao ngày “bó chân” vì giãn cách mùa dịch, nay mới được ra đồng cắt lứa rau khi vừa tới ngày thu hoạch. 

Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Dũng (ba Dũng), một thương lái buôn bán rau ở địa phương cho biết, mỗi ngày anh thu mua được từ 3 đến 4 tấn rau của các hợp tác xã (HTX) trong vùng, sau đó đưa về điểm tập kết giao lại cho các xe tải mối chở hàng lên thành phố tiêu thụ. Từ khi địa phương thực hiện giãn cách xã hội, chỉ những xe ô tô tải của các HTX hoặc những đơn vị kinh doanh lớn, có giấy phép luồng xanh mới được chở rau qua các chốt kiểm soát. Còn những người buôn rau quy mô nhỏ lẻ chở bằng xe máy thì không thể vượt qua các chốt trạm kiểm soát. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng “nghỉ dịch” đến nay anh mới bắt đầu khởi động lại công việc thu mua rau giao mối.

“Sau khi nghe tin được nới lỏng giãn cách, các chốt kiểm soát cũng đã tháo dỡ chúng tôi mừng lắm, phần vì sẽ tiếp tục được mưu sinh bằng công việc quen thuộc của mình, phần cũng thấy hàng nông sản của bà con không bị ứ đọng do dịch, giá cả thị trường đang dần hồi phục là vui rồi”, anh Dũng nói.

Trên những tuyến đường liên thôn, xã, những chuyến xe máy, ba gác chạy ngược xuôi 'cõng' theo những sọt rau, củ, quả đầy ắp. Ảnh: Trần Trung.

Trên những tuyến đường liên thôn, xã, những chuyến xe máy, ba gác chạy ngược xuôi “cõng” theo những sọt rau, củ, quả đầy ắp. Ảnh: Trần Trung.

Cách đó không xa, ông Phạm Thanh Nhàn, chủ vườn rau chia sẻ, gia đình ông có trên 1,5 công ruộng canh tác rau cải thìa luân canh. Trong thời gian giãn cách, ông vẫn bám đồng duy trì việc trồng rau để cải thiện thu nhập và mong chờ ngày thu hoạch cung cấp cho thị trường. Cầm bó rau trên tay, ông Nhàn chia sẻ: “Cũng may đợt này khi được nới lỏng giãn cách, thương lái đã tới tận ruộng thu mua. Hiện tôi bán rau được giá 4.500 đến 5.000 đồng/kg, với giá này sau khi trừ chi phí mỗi sào rau tôi cũng kiếm được khoảng 3 triệu đồng tiền lời. Tiền lời tuy không cao nhưng được cái hết giãn cách mình bắt đầu tái sản xuất có đồng ra đồng vào là khỏe rồi”. 

Nhà nông phấn khởi vì rau được giá. Ảnh: Minh Sáng.

Nhà nông phấn khởi vì rau được giá. Ảnh: Minh Sáng.

Theo ông Nhàn, trong thời gian dịch bệnh, việc lưu thông hàng hóa khó khăn khiến giá rau giảm sâu, có thời điểm rau cải thìa bị rớt chỉ còn 1.000 – 1.500 đồng/kg, thu không đủ bù chi nên gần như đến vụ thu hoạch rau đành phải bỏ đi hết. Trong suốt thời gian dịch bệnh, giãn cách xã hội chẳng bà con nào dám ra đồng nên bị thiếu nhân công lao động, ông Nhàn đành huy động người nhà làm để duy trì sản xuất. Thậm chí, nhiều hôm gia đình ông còn phải ra đồng chăm sóc rau vào buổi tối để kịp lứa rau thu hoạch.

Giữ vững huyện “vùng xanh”, ổn định sản xuất

Hiện tỉnh Tiền Giang đang thực hiện Chỉ thị 15, đi lại được thông thoáng hơn so với thời điểm trước đó. Đầu ra của các HTX trồng rau trên địa bàn chủ yếu cung cấp cho các chợ đầu mối tại TP.HCM. Tuy nhiên, thời điểm giãn cách xã hội, do các chợ đầu mối đều đóng cửa khiến các HTX gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hòa Thạnh chia sẻ: “Trong thời gian giãn cách căng thẳng, nhiều diện tích rau ở địa phương bị ùn ứ không tiêu thụ được khiến bà con phải đổ bỏ, còn rau của HTX chúng tôi phải xoay sở tìm nguồn tiêu thụ khác, thông qua các hoạt động kết nối của địa phương nên vẫn bán được hết, dù có đầu ra hơi chậm vì ảnh hưởng chung của đại dịch”.

HTX Nông nghiệp Hòa Thạnh phân loại rau chuẩn bị giao cho thương lái. Ảnh: Trần Trung.

HTX Nông nghiệp Hòa Thạnh phân loại rau chuẩn bị giao cho thương lái. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Quang, HTX có 53 thành viên với diện tích 7,2 ha và 40 ha liên kết với người dân trồng rau trong vùng. Hiện rau của HTX đã cung ứng được vào hệ thống siêu thị, mở ra cơ hội phát triển cho HTX. Do vậy, người dân khi liên kết với HTX cũng được bao tiêu sản phẩm với giá ổn định từ 4.500  đến 5.000 đồng/kg và HTX luôn đảm bảo đầu ra tiêu thụ hết cho bà con quanh năm vẫn có lời.

Sản xuất rau an toàn được xem là thế mạnh của các HTX trên địa bàn huyện Gò Công Tây. Tính đến thời điểm hiện tại, địa phương này đã trồng được 5.330 ha rau màu các loại, trong đó đã thu hoạch được 4.750 ha, với sản lượng gần 107.000 tấn sản phẩm, vượt 6,41% so chỉ tiêu cả năm. Hiện nay, người lao động ở các HTX chuyên canh rau tại huyện Gò Công Tây có thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng, còn nông dân trồng rau an toàn vẫn thu lợi nhuận từ 200 - 400 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa năng suất cao.

Người lao động ở các HTX chuyên canh rau tại huyện Gò Công Tây có thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng, còn nông dân trồng rau an toàn vẫn thu lợi nhuận từ 200 - 400 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: Minh Sáng.

Người lao động ở các HTX chuyên canh rau tại huyện Gò Công Tây có thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng, còn nông dân trồng rau an toàn vẫn thu lợi nhuận từ 200 - 400 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: Minh Sáng.

Để làm được điều đó, ngay từ khi dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, huyện Gò Công đã đưa ra những giải pháp phù hợp với thực tế, vừa kiểm soát dịch bệnh hiệu quả như bảo vệ, giữ vững “vùng xanh” cấp huyện, xã. Đồng thời, địa phương cũng đang triển khai mạnh mẽ việc khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2021 theo trạng thái bình thường mới.

Trao đổi với NNVN, ông Ngô Văn Dũng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Gò Công Tây cho biết: “Dịch Covid-19 bùng phát đúng thời điểm sản xuất vụ hè thu năm 2021. Tuy nhiên, nhờ đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả và đảm bảo ổn định sản xuất trong các địa bàn “vùng xanh”, không để đứt gãy chuỗi sản xuất - cung ứng nông sản hàng hóa cho thị trường, nên sản xuất vụ hè thu đã thắng lợi ngay trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp”.

Xem thêm
Những thực phẩm hàng đầu Hà Nội tham gia hội chợ Foodservice Australia 2024

Sở NN-PTNT Hà Nội phối hợp với Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia sẽ tổ chức đoàn xúc tiến thương mại tham gia hội chợ Foodservice Australia 2024 tại Sydney.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Hỗ trợ sinh kế và 12.000 vịt giống giúp nông dân thoát nghèo

THANH HÓA Ngày 16/5, tại Thường Xuân, Tập đoàn Mavin phối hợp với tổ chức World Vision trao tặng 12.000 vịt giống trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ sinh kế giai đoạn 2022 - 2024.

Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ khởi sắc

KHÁNH HÒA Tháo gỡ khó khăn về mặt thể chế sẽ là điều kiện thuận lợi để triển khai phát triển bất động sản, trong đó có bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.