Số chó, mèo chết và tiêu hủy do bệnh dại tăng 92,75%
Báo cáo tại Hội nghị, Cục Thú y cho biết triển khai các nhiệm vụ được giao, Cục sớm có văn bản thành lập các Trạm kiểm dịch động vật quốc gia trên trục quốc lộ Bắc - Nam và đã khẩn trương phối hợp với Bộ Ngoại giao, các địa phương liên quan chủ động làm việc, đàm phán với phía Trung Quốc để sớm dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam. Phía Trung Quốc đã có thông báo xem xét về việc gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam cùng Bộ câu hỏi đánh giá rủi ro. Hiện nay, Cục đang nghiên cứu, tổng hợp thông tin để trả lời và sẽ gửi lại cho Tổng cục Hải quan trong thời gian sớm nhất.
Trong công tác phòng chống dịch bệnh, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 7 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 7 tỉnh, thành phố, số gia cầm mắc bệnh là 11.569 con, số gia cầm chết và tiêu hủy là 12.424 con, tăng 29,3%; 171 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại 31 tỉnh, thành phố, số lợn mắc bệnh là 5.097 con, số lợn chết và tiêu hủy là 5.508 con. So với cùng kỳ năm trước, số ổ dịch tăng hơn 61%, số lợn chết và tiêu hủy giảm 14,28%; 113 ca bệnh dại trên động vật tại 27 tỉnh, thành phố, số chó, mèo chết và tiêu hủy là 266 con so với cùng kỳ, số ổ dịch tăng 2,56%, số chó, mèo chết và tiêu hủy tăng 92,75%…
Cục đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp thực hiện xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH/OIE); tổ chức các lớp tập huấn về phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, áp dụng biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi cho cán bộ thú y của 63 tỉnh, thành phố; chủ trì xây dựng 2 Dự thảo hướng dẫn về xây dựng vùng ATDB theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới và giám sát virus Coronavirus trên động vật hoang dã tại Việt Nam…
Đối với công tác phòng chống dịch bệnh trên thủy sản, trong quý I/2024 (15/12/2023 - 14/3/2024), tổng cộng có khoảng 541ha diện tích nuôi trồng thủy sản phát sinh dịch bệnh, giảm 29,5% so với cùng kỳ năm trước (có tổng diện tích bị bệnh gần 767ha); gần 244 bè, vèo nuôi thủy sản bị mắc bệnh thông thường.
Cục tiếp tục hướng dẫn chuyên môn cho các địa phương, tổ chức, cá nhân về phòng, chống bệnh mờ đục ấu trùng/hậu ấu trùng thủy tinh (TPD/GPD). Tăng cường đôn đốc các địa phương tổ chức triển khai “Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021 - 2030" và xây dựng Kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2024.
Đối với công tác xúc tiến thương mại, về xuất khẩu tổ yến và sản phẩm từ yến, có 9 nhà máy của 9 công ty được Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận được phép xuất khẩu yến tinh và sản phẩm yến vào Trung Quốc. Cục Thú y đang chuẩn bị công tác đàm phán xuất khẩu sản phẩm bơ sang thị trường Nhật Bản, hỗ trợ 3 doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục đăng ký xuất khẩu vào EU trên hệ thống TRACES. Bên cạnh đó, Cục tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Vương Quốc Anh và Mông Cổ cũng như chuẩn bị nội dung trả lời và hồ sơ đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trong thời gian tới, Cục Thú y cho biết sẽ nắm bắt tình hình dịch bệnh trong nước, quốc tế để tham mưu chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh cúm gia cầm, bệnh dại, dịch tả lợn Châu Phi.
Đôn đốc các địa phương thực hiện tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; đặc biệt là bệnh cúm gia cầm và dại động vật. Tăng cường phối hợp với ngành Y tế trong việc chia sẻ thông tin về các bệnh truyền lây giữa động vật và người, đặc biệt đối với bệnh dại để có biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài ra, Cục sẽ tiếp tục triển khai các dự án, hoạt động hỗ trợ của quốc tế và các nước như FAO, CDC Hoa Kỳ, USDA... về chủ động giám sát, cảnh báo và phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Về công tác kiểm dịch động vật, Cục sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xác định nguồn gốc động vật trong thực hiện kiểm dịch vận chuyển; thực hiện nghiêm việc kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định của pháp luật về thú y.
Tổ chức kiểm soát chặt chẽ các lô hàng nhập khẩu tại cửa khẩu. Duy trì quy định về việc để hàng hóa tại cửa khẩu nhập đối với sản phẩm động vật đông lạnh đến khi có kết quả kiểm dịch nhập khẩu đạt yêu cầu.
Tiêm vacxin là lá chắn thép
Chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, chăn nuôi muốn tăng trưởng cần đảm bảo phòng chống dịch bệnh, an toàn sinh học và các giải pháp y tế khác.
3 tháng đầu năm, chăn nuôi lợn tăng trưởng 3,3%; gia cầm tăng trưởng 2,1%; chăn nuôi bò và trâu giảm song sản lượng thịt vẫn đạt trên 2 triệu tấn, tăng 4,5%, thủy sản đạt 1,92 triệu tấn, nuôi trồng thủy sản tăng hơn 3%… Thứ trưởng nhấn mạnh, để đạt được những kết quả này, công tác thú y đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Thứ trưởng cho rằng công tác phòng, chống dịch bệnh đang được triển khai khá tốt. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu đặc biệt tập trung đối với công tác phòng, chống bệnh dại.
“Phản ứng của chúng ta với chính sách rất nhanh nhạy và kịp thời nhưng phải quan tâm đến vấn đề tổ chức thực hiện. Tiêm vacxin chính là lá chắn thép, có thể lấy bài học kinh nghiệm từ đợt dịch Covid-19 để thấy rằng vacxin tốt nhất là vacxin được tiêm sớm”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị.
Ngoài ra, các dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm… cần được theo dõi, giám sát chặt chẽ trong vấn đề tiêm chủng để phòng bệnh. Thứ trưởng cũng đề nghị tập trung vào mũi nhọn khác là dịch bệnh trên thủy sản, cần hướng dẫn kỹ thuật, quy trình nuôi, chăm sóc, an toàn dịch bệnh và an ninh sinh học cho các ao nuôi, lồng bè trên biển.
Vấn đề xuất, nhập khẩu cũng cần được chú trọng, dù mở cửa thị trường nhưng vẫn cần rà soát kỹ theo đúng quy định, cần thiết lập hàng rào kỹ thuật hợp lý để cân đối giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Thứ trưởng cho rằng việc xúc tiến thương mại cũng cần có một thiết chế riêng.
Vấn đề giết mổ động vật đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua nhưng Thứ trưởng đề nghị duy trì rà soát để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thứ trưởng đề nghị cần rà soát, xem xét về vấn đề quản lý thuốc, vacxin, xem xét những cơ sở chưa có khảo nghiệm, kiểm nghiệm và đánh giá, bổ sung các đơn vị có thể khảo nghiệm, đánh giá và giải quyết vấn đề về cơ sở vật chất.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính 1 cửa phải làm đúng quy định, không để tình trạng “1 cửa nhưng nhiều ngách”.