Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn (Thông tư mới) dự kiến ban hành sẽ có một số điểm mới.
Cụ thể, trước đây Cục Thú y vừa được giao thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm dịch vừa kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi và thức ăn thủy sản.
Tuy nhiên, hiện tại Cục Thú y chỉ thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch. Do đó, Thông tư mới sẽ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều cũng như biểu mẫu cho phù hợp.
Thứ hai, qua quá trình chỉ đạo sản xuất thực tiễn nhận thấy cần phải bổ sung một số chỉ tiêu về kiểm dịch và vi sinh vật có khả năng gây bệnh trên người và động vật.
Trong đó, bổ sung xét nghiệm chỉ tiêu virus Newcastle gây bệnh trên gia cầm, bởi vì Việt Nam cho phép nhập khẩu gia cầm sống từ Lào theo hiệp định biên giới Việt-Lào.
Bên cạnh đó, bổ sung xét nghiệm chỉ tiêu Salmonella spp và E.coli, đây là hai vi sinh vật vừa gây bệnh trên động vật vừa gây bệnh trên người.
Việc bổ sung này dựa trên cơ sở pháp lý của Luật Thú y, quy định của quốc tế, những kết quả nghiên cứu khoa học trong nước cũng như thế giới đã chứng minh đây là hai tác nhân gây bệnh.
Bên cạnh đó, trong thực tiễn đã xét nghiệm cũng phát hiện các vi sinh vật này trên sản phẩm nhập khẩu cũng như thời gian qua đã có tình trạng ngộ độc thực phẩm do Salmonella spp.
Ngoài ra, căn cứ vào diễn biến dịch bệnh, Cục Thú y quyết định chỉ tiêu dịch bệnh để xét nghiệm theo quy định, khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH).
Thứ ba, bổ sung phụ lục về lấy mẫu để đảm bảo tính công khai, minh bạch, chi tiết tạo thuận lợi mọi tổ chức, cá nhân dễ nắm bắt, thực hiện.
Thứ tư, về cải cách thủ tục hành chính, kéo dài thời hạn giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu từ 60 ngày lên 180 ngày (gấp 3 lần).
Việc quy định gộp mẫu để xét nghiệm đối với kiểm dịch vận chuyển trong nước (5 mẫu gộp lại thành 1 mẫu để xét nghiệm) cũng giúp giảm 80% chi phí xét nghiệm mẫu. Đồng thời, không phát sinh thêm các thủ tục hành chính.
Đặc biệt, bổ sung mã số HS 8 số của hàng hóa để thuận lợi trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác kiểm dịch, tạo thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc các lô hàng nhập khẩu vào Việt Nam.
Thông tư mới cũng quy định rõ nội dung chuyển tiếp. Cụ thể, đối với các hồ sơ đăng ký, khai báo kiểm dịch, đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản có nguồn gốc động vật nhập khẩu, hồ sơ đề nghị miễn giảm kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản có nguồn gốc động vật nhập khẩu đã nộp trước thời điểm Thông tư mới có hiệu lực thì thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm nộp hồ sơ.
Đối với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản có nguồn gốc động vật nhập khẩu mà Cục Thú y đã có văn bản xác nhận miễn giảm kiểm tra nhà nước về chất lượng trước thời điểm Thông tư mới có hiệu lực thì thực hiện cho đến khi văn bản xác nhận đó hết hiệu lực.