Ngày 25/3, tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế, Bộ GD-ĐT, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V năm 2023” (SV_STARTUP 2023).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Bộ Kế hoạch – Đầu tư; đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế và hàng trăm học sinh, sinh viên địa phương tham dự sự kiện.
Khởi nghiệp đã thành một xu hướng lớn cho học sinh, sinh viên
Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (SV_STARTUP) là hoạt động thường niên được Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức nhằm thực hiện đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” theo quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
SV_STARTUP nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực. Đây cũng là cơ hội để tăng cường các hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên có tính khả thi cao.
Sự kiện cũng là dịp để tôn vinh các cá nhân, tập thể có những ý tưởng sáng tạo, giải pháp kinh doanh mới, phù hợp thực tiễn; cũng như ghi nhận sự đóng góp tích cực của các cơ sở giáo dục và đào tạo, các cơ quan, doanh nghiệp, các cá nhân đã quan tâm, đồng hành và hỗ trợ tích cực cho các hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
Điểm nhấn của SV_STARTUP lần thứ V tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên - Huế là cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” được tổ chức trên quy mô toàn quốc với tổng giá trị giải thưởng 710 triệu đồng. Đây là cuộc thi dành cho học sinh, sinh viên trong độ tuổi từ 12 - 24 đang học tại các trường THCS, THPT, trung cấp, cao đẳng, đại học trên cả nước.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, phong trào khởi nghiệp của học sinh, sinh viên đã trở thành một tinh thần, một khí thế, thành một xu hướng lớn cho học sinh, sinh viên. Hai tiếng “khởi nghiệp” đã trở nên quen thuộc và thôi thúc đối với thế hệ trẻ.
“Việc khởi nghiệp là một trong những vấn đề chất lượng của ngành giáo dục cần phải tạo ra. Coi việc đổi mới giáo dục và đào tạo mà ngành giáo dục đang triển khai cần phải thực hiện cho được mục tiêu khởi nghiệp, trong đó những việc như nuôi dưỡng khát vọng, rèn luyện ý chí, cung cấp các kỹ năng không gì khác thuộc trách nhiệm của ngành giáo dục và đào tạo.
Sự kết nối với doanh nghiệp, sư lưu tâm, sự ủng hộ của các Bộ, ngành địa phương để các ý tưởng khởi nghiệp được nuôi dưỡng và ươm mầm từ giai đoạn học tập của sinh viên là việc quan trọng mà ngành giáo dục và đào tạo phải làm”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là động lực phát triển của quốc gia
Phát biểu tại “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V năm 2023”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, đây là sự kiện quan trọng nhằm truyền cảm hứng, tạo động lực, thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của học sinh, sinh viên trên cả nước.
Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thủ tướng cho rằng, những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phong trào khởi nghiệp đã lan tỏa rộng khắp từ thành phố đến nông thôn và đến tận các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tinh thần doanh nhân, khát vọng khởi nghiệp bắt đầu khởi sắc ở hầu hết các tầng lớp, thế hệ người dân, nhất là trong giới trẻ, học sinh, sinh viên.
Đặc biệt, ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên được tổ chức hằng năm thực sự trở thành sân chơi trí tuệ, nơi hình thành các ý tưởng, những nghiên cứu khoa học, chia sẻ giá trị nhằm thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp của thanh niên. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
Theo Thủ tướng, để hoạt động khởi nghiệp có sự đột phá, thực sự trở thành phong trào rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các địa phương, ở tất cả các cấp, các ngành thì cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng, hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp, nhưng quan trọng nhất chính là tinh thần quyết tâm, khát vọng của thanh niên Việt Nam.
Từ đó, Thủ tướng đã đề nghị các Bộ ngành, chính quyền địa phương cần tạo môi trường, điều kiện, cơ sở pháp lý thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo một cách thuận lợi nhất, hiệu quả nhất, chi phí thấp nhất, rủi ro ít nhất, truyền cảm hứng, tạo động lực, thúc đẩy xu thế, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ triển khai khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm của thanh niên và khuyến khích và bảo vệ những người dám khởi nghiệp, dám đổi mới sáng.
Sau 4 lần tổ chức, SV_STARTUP đã thu hút hơn 20.000 người tham dự với hơn 2500 ý tưởng, dự án khởi nghiệp đến từ học sinh, sinh viên, 70% các dự án đã có sản phẩm và 30% dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử. Ngày hội nhận được sự hưởng ứng của 63/63 Sở GD-ĐT, hơn 400 trường đại học, 150 đơn vị thông tấn báo chí, hơn 50 doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ đồng hành.
Cuộc thi SV_STARTUP lần thứ V được phát động từ tháng 11/2022. Ban tổ chức đã lựa chọn ra 80 dự án xuất sắc nhất từ 508 dự án thuộc 5 lĩnh vực: Công nghiệp, chế tạo sản phẩm; Nông, lâm, ngư nghiệp; giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính; y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp; kinh doanh tạo tác động xã hội để vào vòng bình chọn và vòng chung kết.