"Tôi muốn thông báo với hội đồng và người dân Palestine rằng tôi đã nộp đơn từ chức lên Tổng thống Mahmoud Abbas", Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh thông báo, nói thêm rằng quyết định của ông được đưa ra sau "những diễn biến liên quan hành động gây hấn nhằm vào Dải Gaza và leo thang căng thẳng ở Bờ Tây, Jerusalem".
Đơn từ chức của ông cần được Tổng thống Abbas chấp nhận. Ông Abbas có thể yêu cầu ông Shtayyeh giữ chức Thủ tướng lâm thời cho đến khi bổ nhiệm được người thay thế.
Trong phát biểu trước nội các, ông Shtayyeh cho biết giai đoạn tiếp theo sẽ cần phải tính đến thực tế mới ở Gaza, nơi đã bị tàn phá sau gần 5 tháng giao tranh ác liệt. Ông cho rằng giai đoạn này đòi hỏi phải có chính phủ mới, đồng thời kêu gọi sự đồng lòng giữa người Palestine và "mở rộng quyền quản lý của chính quyền Palestine đối toàn bộ đất đai của người Palestine".
Chính quyền Palestine, được thành lập cách đây 30 năm theo hiệp định hòa bình ở Oslo, Na Uy, có quyền quản lý hạn chế đối với các khu vực ở Bờ Tây. Chính quyền Palestine mất quyền kiểm soát Dải Gaza sau cuộc chiến với Hamas hồi năm 2007.
Phong trào Fatah của Tổng thống Abbas và Hamas đã nỗ lực đạt thỏa thuận về một chính phủ đoàn kết và sẽ gặp nhau tại Moscow, Nga vào ngày 28/2. Một quan chức cấp cao Hamas cho biết động thái này phải đi kèm thỏa thuận rộng hơn về quyền quản lý dành cho người Palestine.
"Việc Thủ tướng Shtayyeh từ chức chỉ có ý nghĩa nếu nó diễn ra trong bối cảnh toàn dân tộc đồng lòng về các thỏa thuận cho giai đoạn tiếp theo", Sami Abu Zuhri, một quan chức cấp cao Hamas, chia sẻ với hãng tin Reuters.
Sau vụ tấn công bất ngờ của Hamas hồi tháng 10/2023, Israel đã thề sẽ tiêu diệt Hamas, đồng thời khẳng định rằng vì lý do an ninh, Tel Aviv sẽ không chấp nhận chính quyền Palestine kiểm soát Dải Gaza sau khi cuộc chiến ở đây kết thúc.
Cuộc tấn công của Hamas đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1.200 người Israel, chủ yếu là dân thường, và hơn 200 người khác bị bắt làm con tin. Tel Aviv đáp trả bằng loạt vụ không kích, sau đó là một chiến dịch trên bộ vào Dải Gaza khiến ít nhất 29.000 người thiệt mạng.