| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng quyết tâm có một khu đô thị đại học thành hiện thực

Thứ Ba 12/09/2017 , 15:11 (GMT+7)

Sáng 12/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với ban lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số bộ, ngành, UBND TP. Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với ĐHQGHN. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Mở đầu buổi làm việc hôm nay, Thủ tướng đề nghị đi thẳng vào các kiến nghị, vướng mắc hiện nay của ĐHQGHN, nhất là những tồn tại trong việc triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp cách đây gần một năm với Đại học này, từ đó có giải pháp tháo gỡ.

Rút ngắn phần trình bày về kết quả hoạt động thời gian qua, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn tập trung kiến nghị về dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc, đã được triển khai từ năm 2003 nhưng đến nay chưa xong.

Ông Nguyễn Kim Sơn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chuyển giao Ban Quản lý dự án từ Bộ Xây dựng về ĐHQGHN; chỉ đạo các bộ, ngành và UBND TP. Hà Nội trong việc giải phóng mặt bằng và tái định cư; Hà Nội xem xét xây dựng một số công trình công cộng tại Hòa Lạc, làm thủ tục giao quyền sử dụng đất tại diện tích đã giải phóng mặt bằng. ĐHQGHN cũng kiến nghị được quyền điều chỉnh các quy hoạch thành phần cho phù hợp với yêu cầu mới; bố trí vốn cho giải phóng mặt bằng và tái định cư với số vốn cần có khoảng 1.200 tỷ đồng; kiến nghị Chính phủ ban hành quy chế đặc biệt cho dự án như chính sách đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi cán bộ, giáo viên của ĐHQGHN. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trước kiến nghị của ĐHQGHN và nghe ý kiến của các thành viên đoàn công tác, Thủ tướng cho biết ngay sau cuộc làm việc sẽ xuống trực tiếp hiện trường thị sát công tác xây dựng dự án để đưa chủ trương, quyết tâm có một khu đô thị đại học thành hiện thực, chứ không phải “cứ ngồi hội trường bàn mãi”.

Thủ tướng khẳng định muốn phát triển đất nước thì phải đổi mới giáo dục. Đây là cội nguồn đưa đất nước tiến lên. Trong quá trình đó, ĐHQGHN đóng vai trò quan trọng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, kỳ vọng vào ĐHQGHN trong sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, đóng góp vào sự phát triển đất nước. ĐHQGHN sẽ đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt hệ thống đại học trong đổi mới, hội nhập. Chính phủ luôn quan tâm đến điều kiện phát triển của ĐHQGHN, nhất là cơ sở vật chất.

Với tinh thần đó, Thủ tướng bày tỏ kỳ vọng về việc xây dựng làng đại học, khu đô thị đại học với ĐHQGHN làm nòng cốt.

“Sau này, đại học nào muốn gia nhập ĐHQGHN trên tinh thần tự nguyện, cùng hợp tác thì chúng ta càng hoan nghênh”, Thủ tướng nói và cho biết sẽ có một số cơ chế về phát triển ĐHQGHN, trong đó có cơ chế về giải phóng mặt bằng, vốn đầu tư, tự chủ cho các đại học thành viên…

Thủ tướng đồng ý việc chuyển giao ban quan lý dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc từ Bộ Xây dựng về ĐHQGHN, đồng thời ủy quyền quyết định đầu tư cho ĐHQGHN. Đây là việc cần thiết bởi “sản phẩm cuối cùng sử dụng là ĐHQGHN”. Tinh thần là để ĐHQGHN tự chủ, chủ động, quyết liệt hơn.

Thủ tướng giao TP. Hà Nội chỉ đạo huyện Thạch Thất tập trung tối đa cho giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các dự án, công trình triển khai; chống lấn chiếm, xây dựng trái phép. Từ bài học dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc chậm trễ 10 năm do giải phóng mặt bằng, cần rút kinh nghiệm đối với dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan sa bàn Quy hoạch tổng thể Khu đô thị ĐHQGHN. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng đồng ý sẽ có cơ chế riêng cho việc tái định cư đối với dự án; cho phép ĐHQGHN điều chỉnh các quy hoạch và dự án thành phần chi tiết 1/500 phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới, tương tự như trường hợp ĐHQG TPHCM.

Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của ĐHQGHN về tăng cường ngân sách giải phóng mặt bằng, tái định cư và xây dựng các công trình thiết yếu bởi “nếu không có mặt bằng tốt thì không thể có khu đô thị đại học, không thể kêu gọi đầu tư, huy động vốn xã hội hóa”.

Về kiến nghị phê duyệt chủ trương vay ODA từ Ngân hàng Thế giới (WB) để đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm, cấp bách cho ĐHQGHN tại Hòa Lạc, Thủ tướng đồng ý, giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, ĐHQGHN thống nhất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng quyết định.

Thủ tướng cho biết ngày 20/6 vừa qua, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định 74 quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Với tinh thần ủng hộ, Thủ tướng giao ĐHQGHN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác thị sát tại một số địa điểm triển khai dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đối với một số kiến nghị khác như: Thí điểm cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng cho hoạt động khoa học công nghệ, vấn đề thi đua khen thưởng, việc xét lương đối với giáo sư, phó giáo sư,… Thủ tướng đều thể hiện tinh thần ủng hộ, giao các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết. Vấn đề nào vướng mắc, vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng.

Ngay sau buổi làm việc, Thủ tướng và đoàn công tác đi thị sát tại một số địa điểm triển khai dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Xem thêm
Thí điểm đề án 1 triệu ha lúa, nông dân được hỗ trợ 100% chi phí

ĐBSCL Ngoài hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nông dân tham gia mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được hỗ trợ toàn bộ vật tư và hạ tầng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.

'Vườn treo' Nậm Pồ: Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Khu nhà màng trồng rau trải dài theo những ngọn đồi nhấp nhô, từng bị bỏ hoang, nay trở thành nguồn cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện.