| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng: Xuất khẩu gỗ và lâm sản có thể đạt 60 - 70 tỷ USD

Thứ Sáu 22/02/2019 , 13:20 (GMT+7)

Sau khi đưa ra nhiều dữ liệu phân tích, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản còn rất nhiều dư địa phát triển. 

Nếu tận dụng tốt cơ hội để xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng, chúng ta có thể nâng kim ngạch xuất khẩu lên 60 – 70 tỷ USD trong tương lai.

Kim ngạch xuất khẩu tăng gần 900% trong 14 năm

Tại Diễn đàn Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 – Thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019 diễn ra tại Hà Nội vào sáng nay (22/2), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu những vấn đề căn cốt mang tính chiến lược, định hướng sự phát triển của ngành.

Diễn đàn Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 – Thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019 diễn ra tại Hà Nội vào sáng nay.

Thủ tướng nhận định, năm 2018 kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 9,4 tỷ USD. Đây là minh chứng cho sự thắng lợi trên mặt trận kinh tế. Nhưng, điều vô cùng ý nghĩa là sức mạnh nội lực của ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã được củng cố vững chắc. Tỷ trọng nguyên liệu chế biến gỗ trong nước (gần như toàn bộ là gỗ rừng trồng) đạt 76,4%, nguyên liệu gỗ nhập khẩu giảm xuống ở tỷ lệ 23,4%.

Sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam có mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của nhiều quốc gia phát triển. Qua đó thấy rằng, trí tuệ của con người và khoa học công nghệ đã được “thổi” vào từng cái bàn, cái ghế... để nâng giá trị gia tăng cho gỗ Việt. Đây là bước chuyển biến về chất cực kỳ quan trọng, là cơ sở để hình thành bản sắc riêng, niềm tự hào quốc gia, dân tộc.

Thủ tướng cho biết, bước đầu chúng ta đã hình thành được 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản. Nhiều công ty mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chế biến gỗ kỹ thuật cao, dây truyền tự động hoá để tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng, hình thức. Nhờ vậy mà khách hàng từ hơn 120 quốc gia trên thế giới đã tìm đến Việt Nam để đặt hàng. So với năm 2005, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đã tăng lên 900%, chưa có ngành hàng nào tăng trưởng mạnh mẽ, đột biến như vậy.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng trưng bày tại diễn đàn (Ảnh: TTXVN).


Chưa thoả mãn

Tuy nhiên, nhìn thị trường ngành hàng đồ gỗ toàn cầu với giá trị 430 tỷ USD, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam chưa cảm thấy thoả mãn. Bởi, một đất nước “Tam sơn, tứ hải” với diện tích rừng hơn 14 triệu hecta rừng mà kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu. Như vậy là quá nhỏ bé.

Đó là chưa kể sức hấp dẫn sản phẩm gỗ Việt chưa lớn, tuy nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ được thành lập nhưng hiệu quả thực chất chưa cao. Mối liên hệ giữa người trồng rừng với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu chưa chặt chẽ; vấn đề xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia chưa được quan tâm đúng mức.

Đã đến lúc chúng ta phải có những chính sách, cách làm bứt phá và hiệu quả. Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính tìm ra phương án hỗ trợ người trồng rừng tại các tỉnh trọng điểm để họ không “bán rừng non”, hình thành nên những cánh rừng gỗ lớn đại ngàn có tuổi đời 9 – 10 năm trở lên.

Trước mắt, có thể xây dựng chương trình hỗ trợ 100.000 tấn gạo cho bà con trồng rừng trong thời gian chờ cây lớn. Bởi phát triển rừng trồng không chỉ là hoạt động kinh tế mà liên quan đến cả lĩnh vực môi trường, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh.

Ngành chế biến gỗ tăng trưởng đột biến trong những năm qua.

Nhà nước cũng cần có chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển ngành lâm nghiệp và công nghiệp chế biến gỗ thông qua ưu đãi về đầu tư hạ tầng lâm sinh, vốn tín dụng... Các địa phương phải nghiên cứu, quy hoạch phát triển các vùng rừng trồng tập trung quy mô lớn, sử dụng cây giống, phương thức thâm canh hiệu quả để tạo nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp dồi dào trong tương lai. Các doanh nghiệp ngoài đổi mới phương thức quản trị, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong chế biến gỗ xuất khẩu.

“Năm 2019, chúng ta đặt mục tiêu xuất khẩu 11 tỷ USD gỗ và và lâm sản (tức tăng trưởng 18% so với năm 2018 – giá trị xuất khẩu khoảng 9,4 tỷ USD). Tôi cho đây là mục tiêu quá thấp. Các ngành phải cùng hợp sức hỗ trợ doanh nghiệp để cố gắng đạt vượt mức chỉ tiêu này. Trong đó, đặc biệt lưu ý việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, liên kết chuỗi giá trị theo phương châm “muốn đi xa thì phải đi chung” giữa hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp và nhà nước. Nếu chỉ trông chờ vào một vài doanh nghiệp thì ngành gỗ Việt khó có thể chiếm lĩnh thị phần chi phối trên thế giới. Phải biến Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất, chế biến đồ gỗ của thế giới. Chúng ta phải nâng giá trị xuất khẩu gỗ từ 10 tỷ USD lên 60 – 70 tỷ USD trong tương lai. Đây không phải là điều viển vông mà chúng ta hoàn toàn có thể làm được nếu có một hướng đi phù hợp. Muốn làm được điều đó thì phải có khát vọng vươn lên, phải làm cho hơn 25 triệu hộ dân hoạt động trong lĩnh vực kinh tế lâm nghiệp giàu có. Bên cạnh đó, cần đầu tư thích đáng cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển đội ngũ thiết kế đồ gỗ nội thất, ngoại thất... Bởi phi khoa học bất thành ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản cao cấp”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Xem thêm
Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm