| Hotline: 0983.970.780

Bảo tồn rừng chè cổ thụ để sản xuất ‘chè tiến vua’

Thứ Hai 04/03/2024 , 07:30 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Rừng chè cổ thụ xưa kia dùng để tiến vua giờ được địa phương quy hoạch bảo tồn, hướng đến du lịch trải nghiệm cộng đồng và sản xuất thành chè túi lọc.

Hương vị độc đáo

Trên độ cao 900m so với mặt nước biển tại thôn 2 xã vùng cao An Toàn (huyện An Lão, Bình Định) có khoảng 1.000 cây chè cổ thụ mọc dày đặc trong rừng tự nhiên thuộc khoảnh 11A, tiểu khu 37. Vùng rừng này trước đây có tục danh là Bãi cỏ Gia Long. Bởi theo truyền thuyết, xưa kia quân lính của vua Gia Long có thời kỳ đóng quân ở đây, lấy vùng đất đầy cỏ này làm bãi chăn thả bầy ngựa chiến. Trên những trảng đất bằng phẳng, quân lính trồng chè để tiến vua Gia Long thưởng thức mỗi buổi sáng. Không ngờ chè trồng trên đất này có hương vị thơm ngon đặc biệt. Cây chè mọc lan lâu dần thành rừng.

Chè cổ thụ mọc tập trung trong rừng An Toàn (huyện An Lão, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Chè cổ thụ mọc tập trung trong rừng An Toàn (huyện An Lão, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Theo các bậc cao niên người Bana ở thôn 2 xã An Toàn, vùng chè nói trên có tự lúc nào không biết, khi mới lớn lên, các cụ đi vào rừng chăn bò đã thấy những cây chè này. Lúc vào rừng, các cụ thường hái lá chè về nấu nước uống. Cây chè cho nước rất thơm ngon, mùi vị đặc trưng.

Mí Tha (“mí" là ngôn ngữ đồng bào Bana gọi phụ nữ đã có chồng) ở thôn 2 (xã An Toàn) bộc bạch: “Đàn ông thôn 2 ai cũng thích uống loại chè này. Bạn của chồng mỗi khi đến nhà uống rượu cứ hỏi tôi đi chăn bò có hái chè không để chế nước uống”.

Một lần đi thăm rừng chè cùng ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn, ông dắt chúng tôi vào rừng để tận mắt nhìn thấy những cây chè có thân to như “tấm lưng của trai tráng trong làng”. Ông Nam chọn những cây chè thấp, bứt những đọt chè non xanh mơn mởn để về nấu nước uống. Những lá chè tươi được ngắt nhỏ, bỏ vào ca inox, chế nước sôi vào, một lát sau nước trong ca đã trở màu vàng sánh trông rất hấp dẫn.

Ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban Quản lý Rừng đặc dụng An Toàn bên những cây chè được trồng thêm trên trảng đất bằng gần bên rừng chè mọc tập trung. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban Quản lý Rừng đặc dụng An Toàn bên những cây chè được trồng thêm trên trảng đất bằng gần bên rừng chè mọc tập trung. Ảnh: V.Đ.T.

Nhấp một ngụm, lưỡi cảm nhận thấy vị đắng, nhưng khi ngụm nước chè trôi xuống cổ thì vị đắng đã hóa ngọt, vị ngọt rất hấp hẫn. Uống xong ly nước chè, bao nhiêu mệt nhọc của chuyến đi rừng hầu như tan biến. Đặc biệt, vị chè cổ thụ có hương vị rất hoang sơ, uống nước chè mà người thưởng thức cứ ngỡ đang “nuốt” cả thiên nhiên vào bụng.

Hướng đến chè tiến vua thương phẩm

Thời gian qua, Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn đã hợp đồng với Công ty Cổ phần Dược và Trang thiết thiết bị y tế Bình Định phân tích, đánh giá hàm lượng các dược chất có trong chè tự nhiên ở An Toàn; so sánh với các vùng chè khác khá nổi tiếng như chè Gò Loi ở huyện Hoài Ân để tiến tới xây dựng thương hiệu, sản xuất hàng hóa bán ra thị trường. Chính quyền huyện An Lão cũng đã có ý tưởng xây dựng con đường bậc thang từ đường bê tông lên đến vùng chè để khi thu hoạch chè vận chuyển được thuận tiện, sau là để phục vụ du lịch.

Nhân viên Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn kiểm đếm cây chè trong rừng An Toàn. Ảnh: V.Đ.T.

Nhân viên Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn kiểm đếm cây chè trong rừng An Toàn. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Đỗ Tùng Lâm, quyền Chủ tịch UBND huyện An Lão, hiện ở xã An Toàn có tổng cộng 6.117 cây chè cổ thụ phân bố tại các khu rừng tự nhiên quy hoạch chức năng sản xuất, trong nương rẫy và vườn rừng của người dân, trong đó có khoảng 1.000 cây mọc dày đặc tại thôn 2, mỗi cây có chiều cao 5 - 10m.

Bước đầu, UBND huyện An Lão, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Q-Link và Hợp tác xã Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng đã tổ chức tập huấn cho 30 hộ dân về kỹ thuật chăm sóc; thực nghiệm cắt tỉa, thu hái trên 300 cây chè và triển khai sản xuất thử nghiệm.

Cận cảnh một gốc chè cổ thụ. Ảnh: V.Đ.T.

Cận cảnh một gốc chè cổ thụ. Ảnh: V.Đ.T.

“Thời gian tới, chúng tôi dự kiến sẽ sản xuất 1.500 hộp trà túi lọc, trà dưỡng sinh. Sau khi thử nghiệm, chúng tôi sẽ sản xuất các loại trà từ cây chè tự nhiên trong rừng An Toàn gồm bạch trà, hồng trà, thanh trà và trà dưỡng sinh lấy tên là “Chè tiến vua”. Năm 2019, huyện An Lão đã lập các thủ tục đăng ký nhãn hiệu và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Chè tiến vua An Toàn - An Lão”, ông Lâm chia sẻ.

Theo đề xuất mới nhất của UBND huyện An Lão, vùng chè cổ thụ sẽ được địa phương này quy hoạch và bảo tồn theo hướng phục vụ du lịch trải nghiệm cộng đồng nhằm bảo tồn, xây dựng và hình thành không gian văn hóa gắn với “Chè tiến vua An Toàn”. Mục tiêu của địa phương là tạo sinh kế bền vững cho người dân, đặc biệt giúp đồng bào Bana bám đất, bám rừng và có cuộc sống ổn định nhờ sản vật dưới tán rừng.

Ngoài bảo tồn rừng chè cổ thụ, huyện An Lão dự kiến sẽ khảo sát toàn bộ các vùng chè khoảng 5.000ha nằm trên địa bàn 3 thôn thuộc xã An Toàn. Toàn bộ những nơi có cây chè sẽ được khoanh vùng, bảo vệ và chăm sóc để khai thác sản phẩm. UBND huyện An Lão còn phối hợp với các đơn vị có chuyên môn để thực hiện nghiên cứu sâu hơn về công tác bảo tồn nhằm nhân giống chè.

Chè cổ thụ trong rừng An Toàn (huyện An Lão, Bình Định) có thân rất lớn. Ảnh: V.Đ.T.

Chè cổ thụ trong rừng An Toàn (huyện An Lão, Bình Định) có thân rất lớn. Ảnh: V.Đ.T.

“Với dự án chè tiến vua, Bình Định sẽ có các hướng hỗ trợ thiết thực nhất cho nhà đầu tư trong việc phát triển dự án tại xã An Toàn. Chúng tôi đề nghị UBND huyện An Lão thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về ứng dụng chè tiến vua; tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn môi trường, cảnh quan và tăng cường bảo vệ rừng. Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn cần kiểm đếm đầy đủ số lượng cây chè hiện có trên địa bàn rừng quản lý để có nguồn nguyên liệu ổn định…”, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nói trong chuyến tham quan mô hình sản xuất thử nghiệm chè tiến vua tại xã An Toàn hồi đầu tháng 2/2024.

Xem thêm
Tái thiết rừng Quảng Ninh sau bão Yagi: [Bài 1] Chờ chính sách để hồi sinh

Hơn 3 tháng bão Yagi đi qua, những cánh rừng tan hoang ở Quảng Ninh vẫn chết khô, chờ chính sách để được tái sinh, trồng mới.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.