Sau một ngày vào rừng dẻ nhặt hạt, chị Nguyễn Thị Liên (xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) trở về với một bao hạt dẻ nặng trĩu. Dù mệt, nhưng chị vẫn hồ hởi cho hay: “Mùa dẻ rụng trúng vào những ngày nông nhàn nên năm nào tôi cũng vào rừng nhặt hạt về bán. Năm nay, dẻ được mùa, hạt dẻ rụng dày nên trung bình mỗi ngày cũng gom được hơn hai chục ký, bán cho thương lái cũng có thu nhập hơn năm trăm ngàn đồng”.
Truyền đời giữ lấy cánh rừng
Ông Phạm Văn Huýnh, Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu là một trong những người yêu rừng dẻ, bảo vệ rừng dẻ từ thời tuổi mới lớn. Ông kể lại, hồi thập niên 90 của thế kỷ trước, người ta cứ hàng đoàn người mỗi ngày kéo nhau vào rừng dẻ khai thác. Người chặt cây mang về bán gỗ, bán củi, người đào gốc, đốt dọn để chiếm đất trồng cây làm rẫy. Rừng dẻ xã Quảng Lưu đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Để bảo vệ rừng dẻ, chính quyền xã Quảng Lưu qua nhiều lần họp bàn mới ra được “nghị quyết” đóng cửa rừng để cứu rừng. Đội bảo vệ rừng đã được thành lập, đó là những người yêu những cánh rừng dẻ, có sức khỏe và nhiệt huyết với công việc. Mỗi ngày, đội bảo vệ chia nhau tuyên truyền cho người dân hiểu những lợi ích lâu dài mà rừng mang lại và mạnh mẽ trong nhiệm vụ canh cửa rừng, không cho người dân chặt phá rừng khai thác gỗ, làm nương rẫy.
“Có những đêm mưa gió, đội bảo vệ phải dầm mưa để ngăn chặn, bắt giữ và xử lý, lập biên bản các trường hợp vi phạm. Sau đó, chính quyền theo quy định mà xử phạt nặng những người cố tình vi phạm”, ông Huýnh nhớ lại.
Dần dà, rừng dẻ đã hồi sinh. Những chồi non vươn xanh trên những đồi trọc hình bát úp. Những gốc dẻ bật chồi xanh vươn thẳng lên dưới nắng hè. Những gốc dẻ già lên mầm và thành cây rừng lớn. Cây dẻ ra hoa, cho hạt. Những hạt dẻ qua mùa mưa bão lại nảy mầm bám rễ vào đất, len vào khoảng đất trống để sinh sôi. Người dân đã biết nhặt hạt dẻ về phơi khô, tích trữ vào chum để ăn thay cơm mỗi khi đói kém, mất mùa hay lụt bão.
Bây giờ, Quảng Lưu trở thành địa phương có diện tích rừng dẻ rộng lớn nhất tỉnh Quảng Bình. Những sản vật từ rừng dẻ như hạt dẻ, mật ong… đã mang lại nguồn thu lớn cho người dân quanh vùng.
Theo người dân địa phương, cây dẻ nở hoa trắng tinh khiết từ tháng cuối năm âm lịch và kết trái kéo dài trong 9 tháng, đến đầu tháng 10 dương lịch quả bắt đầu chín và trong khoảng 2 tháng là rụng hết. Vào mùa hạt dẻ chín rộ rơi xuống, người dân quanh vùng tranh thủ vào rừng nhặt mang về bán, họ gọi là “ăn lộc” dẻ.
Cuối năm, dẻ ra hoa, hoa dẻ trắng, cả những cánh rừng chỉ một màu trắng. Bà con hay nói, hoa dẻ thành quả đúng “chín tháng mười ngày” thì quả chín. Quả dẻ có lông xù ra như trái chôm chôm nhưng nhỏ hơn nhiều. Khi quả chín thì nở bung ra và hạt dẻ từ trong quả rơi xuống gốc cây. Mùa hạt dẻ rụng là những ngày nông nhàn nên hàng trăm người dân các xã quanh rừng, nhất là xã Quảng Lưu kéo nhau vào rừng nhặt hạt về bán. Nhặt hạt dẻ là công việc không khó nhưng cần sự kiên trì, cần mẫn, càng chăm chỉ, nhặt được càng nhiều.
Năm nay, dẻ được mùa, hạt dẻ rụng dày nên mỗi ngày một phụ nữ nhặt được hơn hai chục ký hạt. Hạt dẻ được thương lái thu mua ngay tại cửa rừng. Chị Liên nói trong niềm vui: “Nghề nào cũng vất vả, nhưng nghề nhặt hạt dẻ lại có niềm vui đầy ắp ngay. Vì trao bao hạt dẻ là nhận được luôn tiền tươi thì ai cũng vui. Vì thế mà mọi người lại càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng dẻ phát triển tốt”.
Rừng dẻ lên xanh gốc, thân cành ngày càng lớn. Không chỉ mang lại “lộc rừng” cho bà con có thu nhập mà rừng còn có nhiệm vụ quan trọng hơn nữa là bảo vệ môi trường. Ông Phạm Văn Huýnh cho hay: “Nhờ có rừng dẻ mà nguồn nước cho hồ chứa thủy lợi Vân Tiền không bao giờ cạn dù trong cả mùa hè khốc liệt nhất. Nước từ hồ đảm bảo tưới cho diện tích ruộng, hoa màu sản xuất của địa phương”.
Rừng dẻ cho tiền tỷ
Đến hẹn lại lên, cứ đến tháng 10 hàng năm, người dân ở các xã Quảng Lưu, Quảng Tiến, Quảng Thạch (huyện Quảng Trạch) lại vào rừng nhặt hạt dẻ.
Từ sáng sớm, chị Liên và mấy phụ nữ trong xóm đã vào rừng dẻ để nhặt hạt. Mọi người chia nhau tản ra các gốc cây để nhặt. Hạt dẻ cũng bằng hạt lạc (giống địa phương), có màu nâu nhạt. Vỏ hạt cứng nhưng khi nấu (hấp) lên thì lại mềm. Mọi người vừa nhặt, vừa rì rầm trò chuyện lẫn vào tiếng gió rừng lay cành cho quả dẻ nở bung, hạt rơi lộp bộp xuống vạt lá khô.
Sau một ngày luồn rừng nhặt hạt dẻ, chị Liên trở về với một bao hạt dẻ nặng trên vai. Chị Liên cho biết: “Mùa dẻ rụng trúng vào những ngày khá rảnh việc đồng áng nên năm nào tôi cũng vào rừng nhặt hạt về bán. Năm nay dẻ được mùa, hạt dẻ rụng dày nên trung bình mỗi ngày tôi nhặt được hơn 20kg. Với giá bán từ 20 - 30 nghìn đồng/kg, mỗi ngày tôi có thu nhập từ 400 - 600 nghìn đồng”.
Nhặt hạt dẻ là công việc cần sự kiên trì, cần mẫn, phù hợp với phụ nữ hơn, nhưng không vì thế mà rừng dẻ vắng tiếng đàn ông. Ông Lê Văn Lực ở thôn Vân Tiền (xã Quảng Lưu) kể, vào mùa hạt dẻ rụng, ông thường gác lại những công việc không quan trọng để cùng vợ vào rừng nhặt hạt dẻ cho kịp thời vụ. Nếu chịu khó, mỗi mùa hạt dẻ vợ chồng ông cũng kiếm được hơn 30 triệu đồng. “Số tiền này rất lớn đối với nông dân như chúng tôi, không chỉ giúp trang trải sinh hoạt mà còn để dành nuôi con ăn học", ông Lực chia sẻ niềm vui.
Vào giữa mùa hạt dẻ chín rộ, mỗi ngày có khoảng vài trăm lượt người ở các xã Quảng Lưu, Quảng Thạch, Quảng Tiến đi nhặt hạt dẻ. Để tạo điều kiện cho bà con, nhiều người đã dành vốn, làm đại lý thu mua tại rừng, tại nhà. Chỉ tính riêng ở xã Quảng Lưu đã có 3 đại lý thu mua gom hạt dẻ từ rừng ra. Vì vậy mà bà con bán lúc nào cũng được và tiền cứ về túi trong mỗi cuối ngày.
Ông Trần Văn Thắng ở xã Quảng Lưu là một đại lý thu gom hạt dẻ. Trung bình mỗi ngày ông thu mua khoảng 1,5 tấn hạt dẻ của bà con. “Sau khi thu mua, gia đình tôi thuê người đóng bao và chuyển bán cho các nhà phân phối quen ở các tỉnh phía Nam. Khách hàng thường đặt trước, có khi nhu cầu họ đặt nhiều mà mình nguồn cung cũng không thể đáp ứng", ông Thắng nói.
Ông Phạm Văn Huýnh, Chủ tịch xã Quảng Lưu cho biết, theo thống kê, từ đầu mùa dẻ đến cuối mùa, người dân Quảng Lưu nhặt hơn 200 tấn hạt dẻ, mang lại thu nhập khoảng 5 tỷ đồng. “Còn lại thu nhập người dân các xã khác gộp lại cũng bằng con số của Quảng Lưu. Theo ước tính, những mùa dẻ trĩu hạt, bà con các địa phương trong vùng nhặt hạt dẻ bán và có tổng thu nhập hàng chục tỷ đồng là không có gì khó”, ông Huýnh nói thêm.
Nhiều bà con vẫn thường nhắc nhau "ăn của rừng thì đừng bội nghĩa". Ai cũng giữ gìn và luôn tâm niệm giữ rừng như giữ được túi tiền của mình. Hơn 2.000ha rừng dẻ ở Quảng Lưu vì vậy ngày càng ken dày, xanh tốt, nở hoa trắng muốt từ độ tháng 12 âm lịch và chắt chiu từ lòng đất, cây nuôi dưỡng hạt, để rồi “chín tháng mười ngày” sau lại cho “lộc rừng” mới cho hàng nghìn người dân quanh vùng đi "nhặt tiền” trong tiếng gió ngàn…
Cây dẻ mà nghĩa tình. Thuở đói kém, hạt dẻ cuối năm để qua cơn đói quặn bụng khi mưa lũ về. Khi cuộc sống đã không còn thiếu ăn, vất vả thì hạt dẻ được rang giòn thơm dịu lòng trong những ngày đón xuân sang hay những đám cưới, tiệc tùng… cuối năm, đầu năm.