Khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, mô hình gây nuôi động vật rừng vì mục đích thương mại phát triển khá mạnh tại tỉnh Sóc Trăng bởi ưu thế về lợi nhuận mang lại khá hấp dẫn, từ vài chục thậm chí vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Thống kê từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh hiện có 265 cơ sở đăng ký gây nuôi động vật rừng với gần 49.400 cá thể. Trong đó, khoảng 185 cơ sở gây nuôi các loài: rắn, ba ba, cua đinh, cầy vòi hương, dúi, heo rừng lai… mang lại thu nhập từ 30 - 300 triệu đồng/năm tùy số lượng cá thể.
Thay vì phát triển kinh tế biển từ lợi thế sẵn có như nhiều hộ gia đình khác ở khu vực ấp Cảng, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, anh Trần Văn Tính lại đầu tư xây dựng chuồng trại gây nuôi càng đước.
Yêu cầu về chuồng trại và môi trường sống của càng đước không quá cao, nên tỷ lệ hao hụt thấp. Càng đước nuôi từ 2 – 3 năm sẽ đạt kích cỡ có thể xuất bán. Theo anh Tính, nhu cầu tiêu dùng đối với loài vật nuôi này chủ yếu ở các nhà hàng lớn, vì thế giá bán dao động ở mức khá cao, từ 350.000 – 400.000 đồng/kg. Bên cạnh nuôi theo hình thức bán thịt, hiện nay trang trại của anh Tính còn là địa chỉ cung cấp càng đước giống uy tín cho những hộ nuôi có nhu cầu.
Càng đước là loài vật nuôi nằm trong Danh mục động thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Do đó, trang trại luôn phải chấp hành các hướng dẫn của Chi cục Kiểm lâm tỉnh về việc đăng ký cấp mã số, mở sổ theo dõi khi nhập/xuất hàng. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các quy trình vệ sinh môi trường, chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi… để đảm bảo vật nuôi phát triển ổn định.
Với cơ sở của anh Trần Minh Lanh ở ấp Phương Hòa 1, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, trước đây được biết đến là trại nuôi ba ba có quy mô của tỉnh. Khoảng 3 năm trở lại đây, trang trại phát triển thêm nuôi cua đinh với diện tích đạt đến 3ha, bao gồm ao nuôi cua đinh giống và thương phẩm.
Việc chăm sóc cua đinh nhìn chung không có nhiều khác biệt so với ba ba, vì thế mô hình của anh Lanh nhanh chóng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh tiêu thụ nội tỉnh, cua đinh thương phẩm tại trại nuôi còn cung cấp thường xuyên cho nhiều nhà hàng ở các tỉnh, thành lân cận.
Với giá bán cua đinh giống là 350.000 đồng/con và cua đinh thương phẩm từ 2 triệu đồng/kg đã mang đến nguồn thu ổn định cho gia đình anh Lanh nhiều năm qua.
Từ những mô hình trên có thể khẳng định gây nuôi động vật rừng, hoang dã đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, đa số các mô hình này cần nguồn vốn đầu tư ban đầu khá lớn, trường hợp nhu cầu thị trường bão hòa, sản phẩm không có đầu ra, vật nuôi sẽ trở thành gánh nặng cho chính người nuôi. Do đó, công tác kiểm soát, quản lý việc gây nuôi động vật rừng để tránh phát sinh hệ lụy trong quá trình nuôi là rất quan trọng.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện 29 lượt kiểm tra các cơ sở gây nuôi động vật rừng, đồng thời hướng dẫn hộ nuôi thực hiện các trình tự, thủ tục đăng ký mã số cơ sở gây nuôi, mở sổ theo dõi nhập xuất theo quy định.
Ông Nguyễn Thanh Tú, Đội Kiểm lâm Cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng cho biết, bên cạnh những đợt kiểm tra định kỳ từng quý, Chi cục cũng mở những đợt kiểm tra đột xuất. Cách làm này sẽ giúp ngành kiểm lâm kịp thời phát hiện những thiếu sót, lỗ hổng trong công tác gây nuôi. Từ đó, kiểm soát chặt chẽ cũng như có những giải pháp hướng dẫn, giúp người nuôi nâng cao ý thức chấp hành tốt các quy định về nuôi nhốt.
Ngoài ra, ngành kiểm lâm địa phương cũng đưa ra khuyến cáo với người dân, cần tìm hiểu kỹ các quy định hành chính, kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm trước khi quyết định phát triển mô hình gây nuôi động vật rừng. Tuyệt đối không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu động vật hoang dã không đảm bảo nguồn gốc hợp pháp.