| Hotline: 0983.970.780

Thua lỗ nặng, người trồng thanh long dùng dằng phá - giữ

Thứ Sáu 25/03/2022 , 07:25 (GMT+7)

BÌNH THUẬN Giá rẻ bèo và triền miên thua lỗ, nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận số quyết định phá bỏ thanh long để trồng cây khác, số lại quyết giữ để chờ thời.

Người phá bỏ, người quyết giữ

Mới đây, gia đình anh Lê Thọ ở thôn An Phú, xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) đã phá bỏ 1 ha thanh long, tương đương 1.000 trụ.

Anh Thọ cho biết, sở dĩ anh phá bỏ vườn thanh long vì đã trồng hơn 10 năm nên năng suất thấp. Trong khi đó, chi phí đầu tư phân, thuốc hiện tăng cao, nhưng sản phẩm bán ra lại rẻ bèo, chỉ vài ngàn đồng/kg khiến gia đình anh liên tục thua lỗ nặng.

Nông dân Bình Thuận phá bỏ thanh long chủ yếu vườn già, năng suất thấp. Ảnh: KS.

Nông dân Bình Thuận phá bỏ thanh long chủ yếu vườn già, năng suất thấp. Ảnh: KS.

“Hiện gia đình tôi không còn mặn mà với cây thanh long, bởi chi phí đầu tư cao mà đầu ra sản phẩm lại bấp bênh. Vì vậy, gia đình quyết định phá bỏ để trồng cỏ nuôi bò và trồng ổi”, anh Thọ bày tỏ và cho biết thêm, không chỉ gia đình anh mà hiện rất nhiều người cũng phá bỏ cây thanh long để chuyển đổi sang cây trồng khác. Về vấn đề này, anh Thọ nắm rõ vì có nhận công thuê đi phá bỏ vườn thanh long cho nhiều nhà vườn trong tỉnh.

Thời gian qua, tại thôn 5, xã Hàm Liêm (huyện Hàm Thuận Bắc) cũng xảy ra tình trạng nhiều vườn phá bỏ thanh long.

Ông Nguyễn Tánh, nông dân trồng thanh long ở thôn 5 ước khoảng 1/3 diện tích thanh long trong thôn đã bị phá bỏ để trồng cây khác hoặc để đất trống và bán chuyển nhượng. Tuy nhiên, việc phá bỏ vườn thanh long chủ yếu là những vườn đã già cỗi, phục hồi kém và cho năng suất thấp, chứ những vườn tơ, cho năng suất cao nông dân vẫn đang giữ lại.

Việc phá bỏ thanh long ở thôn 5, xã Hàm Chính cũng vì lý do chính là các nhà vườn thời gian qua liên tiếp bị thua lỗ bởi chi phí đầu tư phân bón tăng cao nhưng đầu ra sản phẩm bấp bênh. Giá thanh long thời điểm giữa tháng 3/2022 rất rẻ, thương lái không mua sỉ nữa, mà mua kiểu độ ("mua quạ", kiểu áng chừng). Tầm 1 tấn trái được chỉ được thương lái thu mua khoảng 1 triệu đồng hoặc vài trăm ngàn đồng. Như gia đình ông Tánh, mới đây bán 1 tấn thanh long chỉ được 1 triệu đồng, lỗ nặng.

Tại huyện Hàm Thuận Bắc, nhiều diện tích thanh long đã bị nông dân phá bỏ để chuyển sang cây trồng khác. Ảnh: KS.

Tại huyện Hàm Thuận Bắc, nhiều diện tích thanh long đã bị nông dân phá bỏ để chuyển sang cây trồng khác. Ảnh: KS.

Trong khi nhiều hộ dân tại địa phương phá bỏ thanh long thì ông Nguyễn Tánh cho biết, ông vẫn quyết giữ lại vườn thanh long của gia đình. Bởi ông cho rằng, nếu phá cây thanh long để trồng cây khác thì cũng phải mất 3 - 5 năm, nông dân mới có thu hoạch trở lại.

“Riêng gia đình tôi vẫn quyết định giữ lại vườn thanh long, nhưng tạm thời không chong đèn nữa, chỉ đầu tư ít để duy trì vườn, đợi khi giá thanh long tăng ổn định trở lại sẽ đầu tư chăm bón”, ông Tánh bày tỏ và nhìn nhận bài học từ cây dừa, cây tiêu, nông dân ồ ạt phá bỏ nhiều cũng vì đầu ra rớt thấp, nhưng nay giá cả các sản phẩm này cũng đã ổn định trở lại.

Theo Phòng NN-PTNT Hàm Thuận Bắc, tính đến cuối tháng 12/2021, diện tích thanh long trên địa bàn huyện đã giảm hơn 1.400 ha so với trước đây. Hiện toàn huyện chỉ có hơn 7.923 ha thanh long.

Còn ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam cho biết, hiện trên địa bàn cũng có tình trạng phá bỏ thanh long nhưng không nhiều. Tuy nhiên đối với các vườn thanh long cho thuê, có xu hướng chuyển nhượng đất đai, buôn bán rất nhiều. Nhưng nhìn chung, nhiều vườn vẫn cầm chừng tưới cây thanh long chứ không phá bỏ, dù trước bối cảnh giá thanh long rớt thấp.

Thanh long Bình Thuận chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: KS.

Thanh long Bình Thuận chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: KS.

Quản lý chặt mã số vùng trồng

Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản giao các sở, ngành, địa phương triển khai một số giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện rà soát cụ thể quy mô, tình hình sản xuất, chế biến các loại nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh; thường xuyên nắm bắt thông tin tình hình sản lượng, giá cả các loại nông sản theo từng thời điểm để có kế hoạch hỗ trợ kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Cùng với đó, thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương theo dõi, cập nhật thông tin tình hình tiêu thụ nông sản (đặc biệt đối với thanh long); tình trạng ùn ứ, tồn đọng tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc để cung cấp kịp thời cho người dân, doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp. Đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định của thị trường nhập khẩu (nhất là đối với thanh long).

Song song đó, phát triển các vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa, tập trung, bền vững đảm bảo chất lượng phục vụ xuất khẩu, tiêu thụ và chế biến; tăng cường công tác quản lý về chất lượng, an toàn thực phẩm; đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tình hình sử dụng hóa chất, chất kích thích, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản.

Đồng thời, triển khai việc cấp và quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi, mã số nhà đóng gói; tăng cường hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện chuẩn hóa chất lượng theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định của thị trường nhập khẩu…

Bình Thuận hiện là phủ phủ trồng thanh long với diện tích hơn 33.000 ha. Ảnh: KS.

Bình Thuận hiện là phủ phủ trồng thanh long với diện tích hơn 33.000 ha. Ảnh: KS.

Khuyến cáo người dân không phá bỏ thanh long

Ông Đỗ Văn Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận khuyến cáo, nông dân không nên chặt bỏ cây thanh long. Bởi việc thanh long giá rẻ chỉ là tức thời. Hơn nữa, thị trường Trung Quốc cũng sẽ không bỏ thanh long Bình Thuận, vì các doanh nghiệp đã gắn chặt với sản xuất thanh long.

Do đó, trước tình hình giá thanh long rớt thấp, thu hoạch thua lỗ, Chi cục khuyến cáo nông dân tạm ngừng đầu tư thâm canh, song phải duy trì vườn thanh long. Về kỹ thuật canh tác, nông dân tối thiểu phải cắt cỏ, tưới nước và bón phân hữu cơ cầm chừng (phân hữu cơ chế biến) để giữ màu, giữ vườn xanh, tránh tình trạng để vườn suy cây, sụp cành, tóp cành. Từ đó mới đảm bảo điều kiện tốt nhất để khi thanh long có giá trở lại sẽ tiếp tục sản xuất bình thường.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam cho biết, hiện diện tích thanh long trên địa bàn gần 15.000 ha, nếu giảm được diện tích xuống còn khoảng 10.000 ha trở xuống thì sẽ phát triển tốt hơn. Về quan điểm của huyện trong thời gian tới, huyện sẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.