| Hotline: 0983.970.780

Thừa Thiên - Huế: Tái đàn theo hướng an toàn sinh học

Thứ Sáu 28/02/2020 , 09:58 (GMT+7)

Nhằm gỡ khó cho người dân trong việc tái đàn lợn sau đại dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Thừa Thiên – Huế khuyến khích chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế khuyến khích người dân tái đàn lợn theo hướng ATSH. Ảnh: Tiến Thành.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế khuyến khích người dân tái đàn lợn theo hướng ATSH. Ảnh: Tiến Thành.

Khó khăn sau dịch

Đến nay, Thừa Thiên - Huế đã cơ bản khống chế được dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), nhưng nhiều hộ chăn nuôi vẫn chưa dám tái đàn, phần do tâm lý lo sợ, phần vì thiếu kinh phí. Chưa lúc nào mà người nuôi heo lại phải đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay.

Nhìn chuồng nuôi trống rỗng, ông Trần Văn Hường trú ở thôn Phú Lương, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền rầu rĩ. DTLCP đã khiến đàn lợn nái và lợn thịt hơn 60 con của gia đình ông bị lây lan, chết sạch. Đến nay, do kinh tế  gặp khó nên gia đình ông Hường vẫn chưa dám tái đàn.

“Sau khi dịch bệnh, gia đình tôi đã tiến hành cải tạo, vệ sinh lại chuồng nuôi nhưng thấy tình hình còn phức tạp, hơn nữa do kinh tế gia đình kiệt quệ do dịch bệnh nên đến nay vẫn chưa thể tái đàn” ông Hường cho hay.

Ông Đào Trọng Thành, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành cho biết, hiện tại ở xã có hơn 50 lợn nái và 350 - 400 lợn thịt, lợn con các loại. Trong khi, thị trường lợn đang có dấu hiệu phục hồi, bà con đang muốn tái đàn nhưng thiếu kinh phí, nguồn giống hiếm và giá cao, nhiều hộ vẫn nuôi dè chừng.

Huyện Phú Vang, địa phương chịu nặng nề trước DTLCP với hơn 5.600 con phải tiêu hủy. Hiện nay người nuôi lợn ở đây cũng đang rối rắm sau đại dịch, nhất là việc tái đàn.

Trước tình này, một số hộ đã chuyển đổi sang chăn nuôi bò, gà vịt. Chính quyền địa phương cũng đang khuyến khích các hộ nuôi phát triển chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm.

Nhằm gỡ khó cho người dân, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã tiến hành hỗ trợ kinh phí sau dịch cho các hộ có lợn bị tiêu hủy do DTLCP và công tác phòng chống dịch hơn 138 tỷ đồng. Các huyện thị, thành phố đã giải ngân 124 tỷ đồng và đang tiếp tục giải ngân phần kinh phí còn lại. Đồng thời, hỗ trợ thêm vốn vay ưu đãi từ nguồn Quỹ phát triển bền vững cho gần 9.000 hộ dân.

Tính đến ngày 26/2, DTLCP bệnh đã xảy ra ở 712 thôn, 125 xã thuộc 9/9 huyện, thị xã và thành phố ở Thừa Thiên-Huế. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là hơn 75.000 con với tổng trọng lượng 580 ngàn tấn. Ước tính kinh phí hỗ trợ chủ chăn nuôi có lợn tiêu hủy là hơn 142 tỷ đồng.

Chăn nuôi sạch, khép kín

Ông Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho hay, nhằm tháo gỡ những khó khăn trong việc tái đàn lợn, UBND huyện phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm đưa ra một số giải pháp để giúp cho người chăn nuôi tìm được lối thoát, hướng tới mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (ATSH) và phát triển bền vững, gắn việc nghiên cứu xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi hữu cơ.

Huyện cũng đã tổ chức những buổi tham quan, học tập mô hình cũng như xây dựng chuồng trại để phát triển chăn nuôi.

“Mô hình chăn nuôi của Tập đoàn Quế Lâm rất an toàn, hiệu quả. Trong các đợt dịch bệnh vừa qua, các hộ gia đình áp dụng theo mô hình này đều không bị mắc dịch bệnh.

Huyện cũng vận động bà con duy trì nuôi lợn theo quy trình khép kín, chăn nuôi ATSH. Huyện đã có 79 trang trại, tập trung chủ yếu ở vùng cát nội đồng thuộc các xã Quảng Lợi, Quảng Thái và Quảng Vinh”, ông Đức chia sẽ.  

Theo Sở NN-PTNT Thừa Thiên- Huế, từ đầu năm đến nay, Thừa Thiên - Huế có khoảng 14.000 con lợn được nuôi tái đàn, phần lớn tại các trang trại bảo đảm ATSH.

Trong đó, theo đề án huyện Quảng Điền phấn đấu đến năm 2025 đạt 110 hộ chăn nuôi lợn hướng hữu cơ, đảm bảo ATSH theo chuỗi giá trị. Sẽ triển khai các vùng chăn nuôi lợn tập trung ATSH tại 16 xã, thị trấn với tổng diện tích quy hoạch gần 308 ha đất nông nghiệp để phát triển chăn nuôi lợn lâu dài.

Ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở NN-PTNT Thừa Thiên - Huế cho hay, việc tái đàn lợn là cần thiết, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, nhất là góp phần cân đối nguồn thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng.

Để tránh tình trạng tái đàn tâm lý nóng vội, tái đàn tràn lan, ngành nông nghiệp địa phương cũng đã phối hợp với các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường quản lý và hướng dẫn doanh nghiệp, hộ chăn nuôi tái đàn ATSH.

Để việc tái đàn được đảm bảo, theo ông Nguyên, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo hộ nuôi thay đổi tập quán chăn nuôi; chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn, đảm bảo ATSH để nâng cao năng suất và giá trị theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, phải thường xuyên theo dõi sát tình hình tái đàn lợn ở địa phương để tham mưu tỉnh có những chính sách hỗ trợ cho người nuôi.

Để tạo điều kiện để các hộ chăn nuôi mạnh dạn tham gia với định hướng lâu dài, phát triển theo chuỗi liên kết có hiệu quả, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã đồng ý tổ chức triển khai thí điểm đề án phát triển đàn lợn theo hướng hữu cơ, ATSH dựa trên những những mô hình đã thành công như của Tập đoàn Quế Lâm hay Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam để nhân rộng.  

Xem thêm
Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội tăng hơn 13 lần trong 19 năm

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội đã tăng một mạch từ 610ha năm 2005 lên khoảng 8.000ha trong thời điểm hiện tại.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.