| Hotline: 0983.970.780

Thuần hóa ong rừng thành sản phẩm OCOP 3 sao

Thứ Hai 02/10/2023 , 07:15 (GMT+7)

Ngoài nuôi các giống ong nội siêu mật, người dân huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) có truyền thống săn ong rừng về nuôi thành ong nhà, mỗi mùa thu hàng chục triệu đồng.

Ông Nguyễn Đình Phú là người có nhiều kinh nghiệm trong việc săn ong rừng về thuần hóa thành ong nhà. Ảnh: Thanh Nga.

Ông Nguyễn Đình Phú là người có nhiều kinh nghiệm trong việc săn ong rừng về thuần hóa thành ong nhà. Ảnh: Thanh Nga.

Vào mùa ong rừng (hay còn gọi là ong ruồi) di cư, người dân huyện Vũ Quang lại lên đường đến những khu vực rừng già, vùng biên giới để săn ong về nuôi. Từ những đàn ong này, đến mùa thu hoạch mật, người dân có thể thu hàng chục triệu đồng.

Ông Nguyễn Đình Phú, trú thôn Cao Phong, xã Đức Lĩnh là người có nhiều kinh nghiệm thuần ong rừng thành ong nhà nhất nhì huyện Vũ Quang. Hàng năm, sau mùa thu hoạch mật (từ tháng 3 đến tháng 5 Âm lịch) ông Phú lại bắt đầu chuẩn bị đồ nghề để đi săn ong rừng. Loài ong này sinh sống trong cây gỗ khô mục, hang đá ở khu vực núi cao nên việc thu phục chúng để đem xuống núi không hề dễ dàng.

Ông Phú là hội viên hội cựu chiến binh của xã Đức Lĩnh. Năm 1979, ông nhập ngũ vào cục xăng dầu thuộc Tổng cục Hậu Cần. Sau khi tham gia chiến trường được một thời gian, ông trở về quê lập gia đình, tham gia làm công tác thanh niên, đội trưởng hợp tác xã rồi đến hội nông dân…

Tổ ong dùng để thuần ong rừng nên làm từ gỗ mít. Ảnh: Thanh Nga.

Tổ ong dùng để thuần ong rừng nên làm từ gỗ mít. Ảnh: Thanh Nga.

Theo ông Phú, sở dĩ giao mùa là thời điểm thích hợp để bắt ong rừng bởi lúc này đàn ong bắt đầu quá trình di cư tìm chỗ trú đông, tránh rét. Khi bắt được đàn ong mới, ông đem về nhà nuôi trong những chiếc hộp được đóng bằng gỗ, bên trong có nhiều ngăn để ong sinh sản và đến mùa lấy mật.

“Để bắt được ong rừng đòi hỏi phải có kỹ thuật, ngoài ra tổ ong mồi cũng phải được làm từ các loại gỗ như gỗ mít vì ong thích ở những gốc cây này. Hiện với 20 tổ ong rừng tôi đã thuần hóa nuôi tại vườn, mỗi năm cho thu hoạch hơn 3 tạ mật, uớc tính doanh thu mỗi mùa đạt trên 30 triệu đồng”, ông Phú chia sẻ.

Khác với ông Phú chỉ săn ong rừng về nuôi, trong tổng 20 đàn ong đang được chăm sóc tại vườn, gia đình ông Trần Văn Thắng, xã Ân Phú, huyện Vũ Quang có một nửa đàn nuôi các loài ong nội siêu mật và một nửa đàn là ong rừng được thuần hóa.

Để đàn ong rừng không bỏ tổ thì cần bắt được ong chúa. Ảnh: Thanh Nga.

Để đàn ong rừng không bỏ tổ thì cần bắt được ong chúa. Ảnh: Thanh Nga.

Theo ông Thắng, muốn đưa được ong rừng về nuôi phải bắt được con ong tướng. Nếu bắt được cả đàn nhưng thiếu ong tướng, nuôi một thời gian đàn ong đó sẽ chết dần chết mòn. Đặc biệt, nuôi ong đòi hỏi sự cầu kỳ, tỉ mỉ, phải “hiểu con ong như hiểu chính mình”, tránh làm con ong hoảng sợ.

“Con ong rất khó tính, nếu không nhẹ tay để ong “cáu”, nó sẽ xù lên đốt chủ. Khó khăn nhất với người nuôi ong là làm sao để đàn ong không bỏ tổ. Có những người nuôi ong đã 6 - 7 năm vẫn thiếu kinh nghiệm, dẫn đến mất mùa, lượng mật thu về không đáng kể”, ông Thắng nói.

Nuôi ong không tốn thời gian chăm sóc nhưng lại đòi hỏi sự cẩn thận. Người nuôi ong không chỉ như người mẹ chăm sóc con nhỏ mà còn cần phải như một nhà dự báo thời tiết để lựa chọn thời điểm chia đàn, nhân đàn phù hợp.

Hơn nữa, ong có đặc tính bầy đàn rất cao và nhạy cảm với các tác động của ngoại cảnh như thời tiết, ánh sáng và nhiệt độ nên người nuôi cần có các biện pháp thích hợp trong việc chống rét, chống nóng; thường xuyên vệ sinh thùng đảm bảo khô ráo và sạch sẽ. Có như vậy, đàn ong mới khỏe mạnh và cho năng suất cao.

Với 20 đàn ong đang nuôi, mỗi mùa thu hoạch mật gia đình ông Phú thu khoảng 30 triệu đồng. Ảnh: Thanh Nga.

Với 20 đàn ong đang nuôi, mỗi mùa thu hoạch mật gia đình ông Phú thu khoảng 30 triệu đồng. Ảnh: Thanh Nga.

“Năm nay, 20 đàn ong của gia đình cho thu hoạch gần 2 tạ mật chất lượng cao, tổng doanh thu đạt gần 20 triệu đồng. Nói chung nuôi ong không khó, lợi nhuận lại cao nên gia đình tôi rất yên tâm khi gắn bó với loài vật nuôi này”, ông Thắng phấn khởi cho hay.

Hiện ông Thắng và các thành viên trong HTX Ân Phú đã xây dựng thành công thương hiệu “Mật ong Ân Phú” và đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020.

Toàn huyện Vũ Quang hiện có hơn 1.100 hộ nuôi ong với hơn 8.000 đàn. Để giúp người dân tăng thu nhập từ nghề nuôi ong lấy mật và bảo đảm tính bền vững, ngành chuyên môn và chính quyền huyện Vũ Quang đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đồng thời hướng dẫn bà con áp dụng KHKT vào quá trình nuôi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Triển khai các lớp tập huấn nâng cao kiến thức nuôi dưỡng, phòng trị bệnh, chăm sóc, nhân đàn, quản lý các đàn ong giống cho người dân.

Mật ong Vũ Quang đã xây dựng được thương hiệu và hiện đang được khách hàng trên cả nước tin dùng. Ảnh: Thanh Nga.

Mật ong Vũ Quang đã xây dựng được thương hiệu và hiện đang được khách hàng trên cả nước tin dùng. Ảnh: Thanh Nga.

“Năm nay, mật được mùa, giá ổn định nên bà con rất phấn khởi. Đặc biệt, sản phẩm mật ong Vũ Quang được tiêu thụ khắp cả nước đã tiếp thêm động lực cho người nuôi ong trong việc nhân đàn cũng như tuân thủ các quy trình kỹ thuật để tạo ra những dòng mật chất lượng và thơm ngon nhất đến tay người tiêu dùng”, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Liên hiệp HTX Ong và Dịch vụ nông nghiệp Vũ Quang nhấn mạnh thêm.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Đưa giống sắn mới HL-RS15 vào canh tác tại Tây Nguyên

Hội thảo giới thiệu giống sắn mới HL-RS15 và quy trình, kỹ thuật canh tác vừa được tổ chức tại vựa sắn huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai).

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.