“Dù là một nguồn cung cấp protein tốt, nhưng không có gì đặc biệt về thức ăn từ côn trùng trong cuốn sách của tôi”, giáo sư Allen Davis thuộc Đại học Auburn (Alabama, Hoa Kỳ) cho biết trong một cuộc thảo luận gần đây tại hội nghị The new green is blue. Đã có rất nhiều tranh luận quanh việc liệu protein từ côn trùng hay protein đơn bào sẽ là thành phần thức ăn thủy sản bền vững trong tương lai.
Thực tế hiện nay cho thấy, các công ty sản xuất protein côn trùng đang đạt được những tiến bộ đáng kinh ngạc và tận dụng tính bền vững và tiềm năng chuyển đổi chất thải. Tuy nhiên, ngành này phải đối mặt với những trở ngại đáng kể khi cố gắng mở rộng quy mô. Protein côn trùng cũng có một số hạn chế về mặt dinh dưỡng - gây khó khăn cho việc xác định khi nào thì protein côn trùng sẽ được đưa vào thức ăn thủy sản thương mại một cách rộng rãi.
Vì những yếu tố này, nhiều người tin rằng protein đơn bào (SCP) và protein vi sinh vật sẽ là cuộc chơi lâu dài của ngành công nghiệp thức ăn thủy sản. Mặc dù lĩnh vực này đang ở giai đoạn sơ khai, các công ty vi sinh có tiềm năng điều chỉnh các chất dinh dưỡng và cung cấp các thành phần chuyên dụng cho thức ăn thủy sản. Đây là một triển vọng hấp dẫn đối với ngày sản xuất thức ăn cho nuôi trồng thủy sản; nhưng trước hết thức ăn dựa trên vi khuẩn cần được sản xuất đủ quy mô lớn.
Protein từ côn trùng so với protein đơn bào
Thông thường người tiêu dùng thích ý tưởng sử dụng côn trùng để chuyển hóa sinh học các chất thải thành nguồn protein chất lượng cao cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nhưng các chuyên gia dinh dưỡng sẽ không chỉ sử dụng các thành phần dinh dưỡng có nguồn gốc từ côn trùng do khả năng xử lý chất thải của chúng mà phải tính toán tới các yếu tố khác.
Mặc dù một số hợp chất hoạt tính sinh học trong bột côn trùng khiến nó trở nên hấp dẫn đối với các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhưng ngành công nghiệp này tạo ra rất nhiều chất thải. Từ quan điểm dinh dưỡng, côn trùng cung cấp các loại protein tốt - nhưng khả năng tăng cường dinh dưỡng của chúng bị hạn chế.
Hơn nữa, việc mở rộng quy mô của ngành côn trùng cũng có vấn đề. Sản lượng sản xuất protein từ côn trùng hiện tại ở châu Âu và châu Á còn thấp. Các chuyên gia dinh dưỡng không biết khi nào các công ty côn trùng sẽ sẵn sàng sản xuất nguồn cung cấp nguyên liệu nhất quán.
Mục tiêu chuyển đổi sinh học của ngành côn trùng cũng bị hoài nghi. Trong một số trường hợp, mục tiêu này có nguy cơ biến thành một mánh lới quảng cáo. Khả năng biến thức ăn thừa và phế phẩm thành nguồn thức ăn là hữu ích, nhưng một số công ty khởi nghiệp nuôi côn trùng đang cho ruồi lính đen ăn các sản phẩm chất thải và sau đó ấu trùng ruồi trực tiếp thành thức ăn thủy sản. Khi điều này xảy ra, chuyển đổi sinh học không mang lại lợi ích rõ ràng.
Nhiều nhà nghiên cứu đều cảm thấy rằng ngành công nghiệp thức ăn thủy sản sẽ hướng tới protein đơn bào trong tương lai vì các thành phần thức ăn vi khuẩn có thể cung cấp cho các nhà dinh dưỡng sự linh hoạt và cho phép họ đáp ứng các yêu cầu dinh dưỡng cụ thể. Với sinh khối vi khuẩn, về cơ bản bạn không bị giới hạn về cách bạn có thể sử dụng chúng nhưng với những thức ăn từ côn trùng, bạn sẽ hạn chế hơn rất nhiều.
Tuy lĩnh vực côn trùng sẽ phát triển trong thập kỷ tới - nhưng rất khó để những người theo dõi ngành xác định nơi có các cơ sở tiềm năng sẽ được xây dựng hoặc công suất của chúng sẽ như thế nào. Những công ty đi đầu trong lĩnh vực nuôi côn trùng có xu hướng “trẻ, năng động, có khả năng tiếp cận vốn ở một mức độ nào đó và có một tương lai tuyệt vời để xây dựng”.
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, các nhà sản xuất côn trùng phương Tây có xu hướng giữ kín thông tin thời điểm khi nào các cơ sở của họ sẽ đi vào hoạt động.
Nhiều nhà máy nuôi ruồi đen sẽ được xây dựng ở phương Tây, nhưng các cơ sở này sẽ có công suất sản xuất khá nhỏ (1.000 - 5.000 tấn mỗi năm). Các nhà máy nuôi ruồi đen ở châu Á còn nhỏ hơn, chỉ sản xuất vài trăm tấn mỗi năm. Điều này phản ánh những khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất protein từ côn trùng.
Ở thời điểm hiện tại, các nhà máy sản xuất protein đơn bào và protein vi sinh vật tạo ra vài trăm tấn sản phẩm mỗi năm. Nhưng trên lý thuyết, phân khúc này có tiềm năng lớn. Các kế hoạch cho các cơ sở sản xuất protein vi sinh vật cho thấy các cấu trúc khổng lồ với công suất vô cùng lớn - chi phí từ 100 - 200 triệu USD cho mỗi địa điểm sản xuất. So về tiềm năng sản xuất thì nuôi côn trùng có năng suất thấp hơn hẳn.
Mặc dù cần có nhiều cấp độ mở rộng quy mô, nhưng có lý do để tin rằng các nhà máy vi sinh vật có thể sản xuất 100.000 tấn protein mỗi năm một khi quy trình được tối ưu hóa. Hơn nữa, ngành công nghiệp này có thể đáp ứng các tiêu chuẩn về tính nhất quán của sản phẩm và giữ cho chi phí sản xuất trên mỗi tấn ở mức thấp. Điều này sẽ làm cho protein đơn bào trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho các nhà tạo công thức thức ăn chăn nuôi và có thể thúc đẩy việc áp dụng nó.