| Hotline: 0983.970.780

Thức dậy sau ác mộng: 'Covid-19 đã thay đổi chúng tôi mãi mãi'

Thứ Bảy 18/04/2020 , 05:45 (GMT+7)

Sau nhiều tuần bị phong tỏa, người dân Vũ Hán (Trung Quốc) mô tả giờ đây cuộc sống của họ không còn như xưa.

Nhiều người dân ở Vũ Hán thừa nhận họ vẫn cảm thấy bất lực. Ảnh: EPA-EFE.

Nhiều người dân ở Vũ Hán thừa nhận họ vẫn cảm thấy bất lực. Ảnh: EPA-EFE.

Ngày 22/1, không lâu sau khi xuất hiện thông tin về đợt bùng phát virus mới tại Vũ Hán, bố của Chen Wenlu bị sốt. Đó ngày 22/1 và tính đến thời điểm này, chỉ có vài trăm người nhiễm bệnh lạ. Chen không nghĩ bố, công chức 55 tuổi, nằm trong số trên.

“Bố nghĩ việc ông nhiễm virus mới là không thể”, Chen, kiến trúc sư 29 tuổi, kể với Financial Times. Cũng như hàng triệu người khác ở thành phố thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, gia đình Chen không hề biết họ sắp phải trải qua một thử thách dài 76 ngày.

Ngày 23/1, Vũ Hán bị phong tỏa để ngăn virus corona lây lan. Gia đình Chen bị sốc. Trong vài tuần, lệnh phong tỏa xuất hiện tại nhiều khu vực ở châu Á, châu Âu và Mỹ.

Tình trạng sức khỏe của gia đình Chen xấu đi nhanh chóng. Ban đầu, bố Chen sốt nhưng ông vẫn đi làm. Hôm sau, mẹ Chen sốt. Chen cũng rơi vào tình trạng tương tự, vào ngày kế tiếp, rồi đến chồng cô. Họ đến bệnh viện vài lần nhưng được kết luận không nhiễm virus corona. 10 ngày sau, một bác sĩ cho biết “có điều gì đó không đúng”.

Chen cùng chồng được nhập viện. Tiếp đó, nhiều người sống cùng khu với nhà Chen cũng bị nhiễm virus. Khu cách ly lập tức được thiết lập và họ bị cấm ra ngoài.

Sau 10 ngày ở bệnh viện, vợ chồng Chen cùng bố mẹ cô đều bình phục hoàn toàn và trở về nhà. Những người khác trong khu họ sống không may mắn như vậy. Một số người đã tử vong vì virus corona.

Tính đến ngày 12/4, thế giới ghi nhận hơn 1,7 triệu ca nhiễm virus corona, hơn 100.000 trường hợp tử vong. Vũ Hán, nơi virus xuất hiện đầu tiên, được dỡ phong tỏa hôm 8/4. Số liệu chính thức cho thấy hơn 3.200 người chết, hơn 67.000 người nhiễm virus corona ở tỉnh Hồ Bắc.

Cuộc sống ở Vũ Hán dần bình thường trở lại nhưng Chen cho biết họ vẫn còn một chặng đường dài nữa.

Nhà chức trách Vũ Hán khuyên người dân ở nhà nhiều nhất có thể. Ảnh: Shutterstock.

Nhà chức trách Vũ Hán khuyên người dân ở nhà nhiều nhất có thể. Ảnh: Shutterstock.

“Có thể phải cần thêm hai tháng nữa. Cuộc sống ở Vũ Hán đã bị thay đổi mãi mãi”, Chen nói. “76 ngày là khoảng thời gian dài. Trong thời gian đó, tôi cảm thấy tức giận… Không có điều gì đúng được làm ngay từ đầu. Việc ứng phó tình hình chung rất tệ nhưng mọi thứ cũng dần cải thiện”.

Lúc đỉnh dịch, các bệnh viện dã chiến, nhà xác đều quá tải. Nhiều người mô tả cảm giác bất lực từng bao trùm Vũ Hán vẫn đeo bám họ. Họ đang cố tìm lại cuộc sống thường nhật, vốn không tồn tại trong thời gian cách ly. Đợt phong tỏa tạo ra những hậu quả kinh tế lớn và nhiều người tự hỏi liệu Vũ Hán có thể phục hồi hoàn toàn.

Hình ảnh từ các kênh truyền thông quốc gia Trung Quốc cho thấy nhiều ôtô vội vàng rời Vũ Hán từ sáng sớm 8/4. Công ty đường sắt quốc gia Trung Quốc ước tính hơn 55.000 người sử dụng tàu hỏa trong cùng ngày.

Trong thành phố, các quy định nghiêm ngặt vẫn được áp dụng với người dân và doanh nghiệp để ngăn một đợt bùng phát dịch thứ hai. Chính quyền tiếp tục kêu gọi mọi người ở nhà nhiều nhất có thể. Trường học vẫn đóng cửa.

Nhiều người không cần được yêu cầu nhưng vẫn tự cách ly, không rời thành phố. Trải nghiệm cận tử đã để lại những vết thương tâm lý, với 2/3 số ca tử vong vì virus corona tại Trung Quốc là ở Vũ Hán.

“Người dân Vũ Hán trải qua ác mộng đầu tiên”, Yan Hui, giám đốc kinh doanh gốc Vũ Hán, trả lời New York Times. Bà hơn 50 tuổi, nhiễm virus corona hồi tháng 2 và đã bình phục.

“Bạn bè, người thân của họ bị ốm rồi lần lượt qua đời. Họ hiểu rõ thảm họa này hơn người dân ở nhiều thành phố khác”.

Vũ Hán không còn nhộn nhịp như trước. Thời gian ở đây như ngừng trôi. Nhiều cửa hàng mở cửa trở lại, lập quầy bán trên phố để người dân mua rau, rượu, thuốc lá cùng nhiều mặt hàng khác mà không phải vào trong.

Lệnh phong tỏa Vũ Hán được dỡ bỏ từ 0h ngày 8/4. Ảnh: Xinhua.

Lệnh phong tỏa Vũ Hán được dỡ bỏ từ 0h ngày 8/4. Ảnh: Xinhua.

Trong các công viên dọc sông Dương Tử, vài gia đình đi dạo để đón ánh nắng, hít thở không khí bên ngoài. Những người lớn tuổi tụ tập thành nhóm nhỏ để trò chuyện hoặc chơi cờ. Trẻ em ít xuất hiện hơn và luôn được bố mẹ chú ý nếu ra đường. Xe buýt, tàu điện ngầm tại thành phố hoạt động trở lại nhưng hành khách thưa thớt.

“Bạn không thể làm gì khác ngoài việc quan sát xung quanh từ cửa sổ”, Zhang Shixu, chủ một cửa hàng nhỏ bán mỹ phẩm, đồ chăm sóc tóc, chia sẻ. “Tôi là ông chủ nên phải dựa vào tiền tiết kiệm để trụ vững qua đợt dịch. Giờ đây, tôi không còn gì cả. Tôi không biết làm thế nào để duy trì cửa hàng”.

Khi Vũ Hán chính thức mở cửa trở lại, ông Zhang mong muốn đến thăm người thân ở miền tây Trung Quốc và thủ đô Bắc Kinh. Tuy nhiên, việc di chuyển tới những thành phố khác vẫn rất khó khăn.

Ví dụ, Bắc Kinh đã triển khai một hệ thống phức tạp, chỉ cho phép người dân Vũ Hán mua vé tàu đến thành phố này chỉ khi đã nộp đơn xin lên chính quyền địa phương. Quy trình mất vài ngày và không đảm bảo ai cũng được duyệt.

Trung Quốc từng triển khai một chiến dịch quy mô quốc gia trong thời gian dập dịch, mô tả người dân Vũ Hán là các anh hùng. Khẩu hiệu “Vũ Hán, cố lên!” xuất hiện trên các biển quảng cáo khắp Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Zhang vẫn cảm thấy giống người ngoài rìa xã hội.

“Ngày nào bạn cũng nghe những người xuất hiện trên truyền hình nói ‘Vũ Hán, cố lên!’, nhưng thực tế, họ không thích chúng tôi”, Zhang nói.

Hành khách mặc đồ bảo hộ tại sân bay quốc tế Thiên Hà Vũ Hán, thành phố Vũ Hán, sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Ảnh: Reuters.

Hành khách mặc đồ bảo hộ tại sân bay quốc tế Thiên Hà Vũ Hán, thành phố Vũ Hán, sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Ảnh: Reuters.

Huang Wei, chủ một cửa hàng thịt nướng ở Vũ Hán, phải ngừng kinh doanh từ khi xuất hiện thông tin về virus lây nhiễm từ người sang người hôm 20/1.

Huang bắt đầu bán đồ ăn mang đi từ ngày 5/4 nhưng để mở cửa hoàn toàn nhà hàng, ông cần ít nhất một tháng nữa. Thu nhập hiện tại chưa bằng 1/6 so với bình thường và Huang không được chính phủ hỗ trợ.

Bắc Kinh cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp được vay lãi suất thấp từ ngân hàng. Tuy nhiên, quy trình tiếp cận nguồn vốn này lại không mấy dễ dàng.

“Nhiều người nói về sự phục hồi tiêu dùng nhờ lực cầu được giải tỏa sau thời gian dài dồn nén. Tôi không cho là vậy”, Huang nói. “Làm thế nào để chi tiêu trong khi bạn có các khoản thế chấp, nhiều loại hóa đơn cần thanh toán và có nguy cơ mất việc? Đây sẽ là một năm khó khăn với Vũ Hán”.

Thời đỉnh dịch, Liu Dongzhou, 45 tuổi, từng nghĩ đến việc đóng cửa công ty sản xuất chả cá, gà xé cùng nhiều thực phẩm chế biến đông lạnh của ông. Giờ đây, ông hy vọng công ty có thể tái hoạt động trong một tuần nhưng phải sa thải khoảng 20% trong số 80 nhân viên. Tuy nhiên, với ông, ngày 8/4 có vẻ không giống một cột mốc đáng nhớ.

“Thành phố dỡ phong tỏa hay không cũng không tạo ra nhiều khác biệt”, Liu nói, cho biết thêm khu ông sống vẫn thắt chặt việc đi lại của người dân.

Với Yan, “trải nghiệm virus corona” đã thay đổi các ưu tiên của bà. Sức khỏe và gia đình được đặt lên trên hết, tiếp đó mới là công việc, sự nghiệp. Bà từng đề cập việc thay đổi cách sống “nhưng chưa bao giờ thực hiện”.

Hành khách tại một nhà ga lớn ở Vũ Hán hôm 8/4. Ảnh: Getty Images.

Hành khách tại một nhà ga lớn ở Vũ Hán hôm 8/4. Ảnh: Getty Images.

Khủng hoảng virus corona cũng giúp Yan có cái nhìn khác về Vũ Hán. Cây cối xanh tươi hơn, thậm chí có tiếng chim hót quanh khu bà sống.

“Trước đại dịch, Vũ Hán là thành phố nhiều sức sống. Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến đều đã lớn mạnh về kinh tế trong khi Vũ Hán mới chỉ bắt đầu”.

(Kiến thức gia đình số 16)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.