| Hotline: 0983.970.780

Sớm tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc thương thảo trực tiếp

Thứ Tư 08/03/2023 , 07:50 (GMT+7)

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan của Trung Quốc phối hợp sớm tạo điều kiện để doanh nghiệp 2 nước giao thương.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì Diễn đàn.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì Diễn đàn.

Ngày 8/3, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ NN-PTNT) tổ chức Diễn đàn "Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây)”.

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp với 3 điểm cầu chính tại Bộ NN-PTNT, Văn phòng Bộ NN-PTNT phía Nam và tỉnh Quảng Ninh; kết hợp trực tuyến trên các nền tảng của Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Hình ảnh tại điểm cầu Thành phố Móng Cái (Quảng Ninh).

Hình ảnh tại điểm cầu Thành phố Móng Cái (Quảng Ninh).

Diễn đàn lần này được tổ chức nhằm trao đổi về tình hình xuất nhập khẩu nông sản, thủy sản, thực phẩm; nhu cầu giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây), đồng thời tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu nông sản, thủy sản, thực phẩm thủy sản sang thị trường Trung Quốc thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam dự và chủ trì Diễn đàn. Chương trình còn có sự tham dự của đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, các Sở NN-PTNT, Sở Công thương, Sở Ngoại vụ, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố trong cả nước, các hiệp hội, doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc.

Đặc biệt, Diễn đàn còn có sự tham dự của đại diện Tổng Lãnh sự quán nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại TP. HCM và đại diện một số đơn vị chức năng của TP. Đông Hưng tại điểm cầu Trung Quốc.

Tất cảTổng thuật

11 giờ 00 phút

Sớm tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc thương thảo trực tiếp

thu truong ket luan

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan của Trung Quốc phối hợp tạo điều kiện để doanh nghiệp 2 nước giao thương.

Kết luận Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhận định, tuy chưa thể giải quyết hết được những thắc mắc của các đơn vị và doanh nghiệp nhưng Diễn đàn ngày hôm nay đã cung cấp nhiều thông tin về kỹ thuật, kiểm dịch, an toàn thực phẩm, phát triển thị trường tới các doanh nghiệp 2 nước.

“Đó cũng là cơ hội để cơ quan 2 bên thấy được tầm quan trọng của việc thúc đẩy nhanh các thủ tục, tạo điều kiện giao thương, mua bán cho các doanh nghiệp tại cửa khẩu Móng Cái”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan của Trung Quốc phối hợp tạo điều kiện để doanh nghiệp 2 nước giao thương. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cần chỉ đạo TP. Móng Cái phối hợp với các đơn vị bên phía Quảng Tây (Trung Quốc) để tổ chức 1 Diễn đàn xúc tiến thương mại ở TP. Đông Hưng trong thời gian sớm nhất, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp 2 nước có thể thương thảo trực tiếp với nhau, xây dựng các chuỗi cung ứng, xuất khẩu nông sản 2 nước.

Thứ trưởng cũng đề nghị các hiệp hội ngành hàng có nhu cầu xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu Móng Cái cần tập hợp lại các vướng mắc và gửi về Cục Chất lượng, Chế biến và Thị trường nông sản để Bộ NN-PTNT làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Tây trong thời gian tới. Các cơ quan chức năng 2 nước cũng cần phối hợp, tạo điều kiện, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc về thủ tục hồ sơ cho các doanh nghiệp.

Trước những nhu cầu giao thương các sản phẩm nông sản của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam cần sớm nghiên cứu đề xuất thành lập câu lạc bộ doanh nghiệp nông sản Việt Nam - Trung Quốc, là thành viên của Diễn đàn kết nối nông sản 970 của Bộ NN-PTNT nhằm kết nối, thông tin về thị trường nông sản.

Theo Thứ trưởng, vừa qua, các sản phẩm nông sản có rủi ro thấp, đặc biệt là các sản phẩm chế biến sâu đã được đăng kí trực tiếp với cơ quan hải quan Trung Quốc mà không đăng kí qua cơ quan chức năng Việt Nam.

“Thế nên khi hải quan Trung Quốc yêu cầu Bộ NN-PTNT thẩm tra lại các hồ sơ này, Bộ NN-PTNT không nắm được địa chỉ các doanh nghiệp đó ở đâu. Đó chính là một kẽ hở dẫn đến việc tiến độ hồ sơ bị chậm lại”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT phân tích.

Để giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu nông sản chế biến sâu sang Trung Quốc cần cùng một lúc gửi 2 hồ sơ tới các cơ quan chức năng của Bộ NN-PTNT và các cơ quan chức năng phía bạn.

10 giờ 50 phút

Sunwah: Việt Nam gặp phải sự cạnh tranh mạnh từ Thái Lan, Malaysia

sau-rieng

Sầu riêng Việt Nam gặp phải sự cạnh tranh mạnh từ Thái Lan, Malaysia trên thị trường Trung Quốc.

Đại diện Công ty Thương mại Quốc tế Sunwah (Quảng Châu), cho biết: Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc muộn hơn so với Thái Lan, Malaysia. Hai nước này có nền tảng sản xuất, đóng gói, quy trình xuất khẩu quy mô hơn Việt Nam. Thương hiệu của họ tại thị trường Trung Quốc cũng đang mạnh hơn, đây là cản trở với sầu riêng Việt Nam. Sunwah đề xuất Bộ NN-PTNT nâng cao hạn mức xuất khẩu bằng cách cho doanh nghiệp này phối hợp với các doanh nghiệp đóng gói của phía Việt Nam, góp phần tiêu chuẩn hóa nguồn hàng, làm lạnh, vận chuyển...

“Để thắng trên thị trường, phải có thương hiệu. Từ sầu riêng, sẽ kéo theo các loại hoa quả khác của Việt Nam đi theo con đường tạo thương hiệu lành mạnh”, đại diện Sunwah nói.

Bên cạnh đó, Sunwah dẫn kết quả nghiên cứu thị trường, cho rằng Việt Nam có nhu cầu xuất khẩu khoai tây, cam quýt vào Vân Nam. Tuy nhiên, trong quá trình giao dịch, có nhiều thương vụ vi phạm điều kiện hợp đồng. Điều này ảnh hưởng xấu đến uy tín xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.

Sunwah đề xuất cùng doanh nghiệp Việt Nam tạo sàn giao dịch, cải thiện quá trình thương mại giữa doanh nghiệp hai nước. “Nhìn nhận khách quan, nông sản Việt Nam vào Trung Quốc nhiều, ngược lại thì ít. Tuy vậy, dù thế nào thì hàng hóa chất lượng cao mới là điều khiến nông sản Việt Nam tạo nên vị thế”.

10 giờ 45 phút

Trả lời thắc mắc của ông Trần Văn Út, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết do doanh nghiệp trong quá trình kê khai thủ tục hải quan điện tử thì hệ thống tự phân luồng trên Tổng cục Hải quan đã xếp vào luồng đỏ, thứ hai là lô hàng xuất khẩu qua đường hàng không, không phải qua cửa khẩu Quốc tế Móng Cái.

"Theo Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái, các lô hàng xuất khẩu nói trên được doanh nghiệp là thủ tục hải quan và xuất khẩu cho các lô hàng tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, không phải tại Móng Cái.

Hiện tại chúng tôi chưa thể tra cứu được thông tin để tìm rõ nguyên nhân. Sau khi chúng tôi có thông tin chính xác, chúng tôi sẽ thông tin với doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất", bà Ngọc nói.

10 giờ 42 phút

Doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ hồ sơ, đặc biệt là HS code

ong nguyen nhu tiep

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường trả lời thắc mắc của doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp sản xuất nước mắm tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận cho biết đang gặp khó khăn về HS code khi đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc. Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường trả lời, rằng doanh nghiệp thủy sản muốn xuất khẩu sang Trung Quốc thì phải có tên trong 805 doanh nghiệp đã được phía Trung Quốc cấp. Bằng không, doanh nghiệp phải bổ sung hồ sơ và chờ cấp phép. Hiện Trung Quốc cấp 128 mã sản phẩm liên quan tới thủy sản.

Ông Tiệp đề nghị doanh nghiệp kiểm tra kỹ hồ sơ, đặc biệt là HS code, nhằm đảm bảo tương thích trước khi thông quan.

Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường thông tin thêm, rằng Việt Nam đang đàm phán nhằm đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu. Hiện mặt hàng hàu sống đã cơ bản hoàn thành thủ tục, còn mặt hàng tôm ướp đá, sứa muối tiếp tục được đánh giá nguy cơ.

10 giờ 40 phút

Cách thức quản lý và quyền sử dụng mã số vùng trồng tại địa phương

ong nguyen quy duong

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV trả lời thắc mắc về cách thức quản lý và quyền sử dụng mã số vùng trồng tại địa phương.

Chị Duyên, một HTX tại tỉnh Sóc Trăng hỏi về cách thức quản lý và quyền sử dụng mã số vùng trồng tại địa phương. Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, trước hết cần xác định rõ mã số vùng trồng do HTX hay doanh nghiệp đứng tên. Nếu là HTX, quyền sử dụng thuộc về người dân, còn Chi cục Trồng trọt – BVTV có trách nhiệm quản lý, đảm bảo cho giá trị ngành hàng. Ngược lại, nếu chủ doanh nghiệp đứng tên, quyền sử dụng mã số thuộc về họ.

Ông Dương cho rằng, khi đó doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp người dân để hài hòa các quan hệ lợi ích, đảm bảo phát huy hiệu quả mã số vùng trồng.

10 giờ 35 phút

Đề nghị nhập khẩu sứa chính ngạch vào Trung Quốc

sua

Đại diện Công ty xuất nhập khẩu Đồng Thái, Đông Hưng, Trung Quốc, đề xuất với chính quyền hai nước cho phép nhập khẩu chính ngạch thí điểm sứa Việt Nam vào Trung Quốc. Doanh nghiệp này cho rằng có thể thí điểm gia công tại Đông Hưng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Trung Quốc đề xuất hai bên tập trung phát triển ưu thế đặc biệt của hai thành phố vùng biên Đông Hưng – Móng Cái. Khuyến khích doanh nghiệp chế biến của Trung Quốc hợp tác lâu dài với các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam để lập thành chuỗi sản xuất an toàn, ổn định.

10 giờ 30 phút

Tổng cục Hải quan Trung Quốc chưa thay đổi nội dung các quy định đăng kí trên hệ thống CIFER

ong ngo xuan nam

Tại Diễn đàn, có ý kiến phản ánh rằng thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm vào thị trường Trung Quốc đã thực hiện đăng kí theo Lệnh 248 , nhưng phía Trung Quốc có sự thay đổi cách thức đăng kí trên hệ thống CIFER, khiến cho thời gian đăng kí và phê duyệt mã số của doanh nghiệp bị chậm trễ.

Phản hồi về vấn đề này, ông Ngô Xuân Nam (ảnh), Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, nhấn mạnh, sau khi ban hành Lệnh 248, đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc chưa thay đổi nội dung các quy định.

“Theo thông lệ quốc tế, nếu muốn thay đổi các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm và đăng kí doanh nghiệp, bên phía Trung Quốc bắt buộc phải lấy ý kiến các thành viên của WTO”, ông Ngô Xuân Nam thông tin.

Về ý kiến Trung Quốc chậm phê duyệt hồ sơ, ông Nam cho biết Văn phòng SPS Việt Nam đã nhận được thông tin phản ánh của các doanh nghiệp. Theo đó, từ ngày 13/2, Văn phòng SPS Việt Nam đã có văn bản gửi các cơ quan thẩm quyền và có những trao đổi để đẩy nhanh tốc độ phê duyệt hồ sơ của các doanh nghiệp.

10 giờ 20 phút

Khó khăn khi xuất thủy sản tươi sống sang Trung Quốc

ong tran van ut

Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Văn Út (ảnh) – Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vĩ Tuyến - cho biết: Chúng tôi đã và đang xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tươi sống, chủ yếu là qua cảng ICD Thành Đạt – Km3 + Km4, tại cặp chợ Biên Mậu Móng Cái – Đông Hưng, thủ tục xuất khẩu dưới dạng cư dân biên giới.

Chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc thanh toán của khách hàng vì đây không phải hoạt động xuất khẩu chính ngạch nên không thể thanh toán qua hệ thống ngân hàng, dẫn đến việc gặp khó khăn báo tài chính với cơ quan Thuế.

Ông Út giải thích, theo yêu cầu của phía Hải Quan Trung Quốc thì cư dân biên giới phía Việt Nam khi xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc phải có chứng thư kiểm dịch do Cục quản lý chất lượng Thủy sản cấp, nhưng giấy chứng thư thì phải là doanh nghiệp có cơ sở đủ điều kiện được Cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản cấp phép mới được sản xuất, sơ chế, chế biến hoặc bao gói.

Nhưng đối với hầu hết thủy sản sống thì phía Trung Quốc chưa cho nhập khẩu chính ngạch tại Đông Hưng, mà chỉ cho nhập khẩu tại cặp chợ Móng Cái - Đông Hưng dưới hình thức xuất khẩu cư dân biên giới. Mà doanh nghiệp lại không được trực tiếp xuất khẩu theo quy định của phía Trung Quốc và cũng không được ủy thác xuất khẩu cho cá nhân là cư dân biên giới cũng như không thể xuất hoá đơn kinh doanh điện tử cho cá nhân theo quy định của cơ quan thuế. Như vậy thì doanh nghiệp không thể làm báo cáo tài chính đối với cơ quan Thuế.

Do đó, đại diện doanh nghiệp đề xuất Bộ NN-PTNT có giải pháp và hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp xuất khẩu dưới dạng cư dân biên giới để tránh việc sau này cơ quan thuế kiểm tra truy thu thuế thu nhập, doanh nghiệp không thể giải trình được.

"Nếu được, tôi mong muốn các bộ ngành xem xét có giải pháp xin miễn trừ báo cáo tài chính hình thức làm thủ tục xuất khẩu dưới dạng cư dân biên giới đối với các doanh nghiệp", ông Trần Văn Út nêu kiến nghị.

Dẫn chứng thêm về khó khăn doanh nghiệp gặp phải, ông Út nói: Về việc thông quan hàng hóa xuất khẩu chính ngạch tại các cửa khẩu, chúng tôi vẫn thường xuyên có hoạt động xuất khẩu thủy sản tươi sống bằng đường chính ngạch đi các thị trường tại các cửa khẩu quốc tế, doanh nghiệp chúng tôi chưa vi phạm về vấn đề thông quan hàng hóa, nhưng trong thời gian gần đây chúng tôi đăng ký thủ tục Hải quan điện tử cho các lô hàng xuất khẩu thì liên tiếp 11 lô hàng bị phân luồng đỏ tính đến ngày hôm qua (7/3/2023).

Vì đặc thù là hàng tươi sống nên việc khi các lô hang bị phân luồng đỏ sẽ dẫn tới việc kéo dài thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hàng hóa cũng như uy tín với khách hàng nước ngoài. Và thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp và uy tín của ngành hàng thủy sản Việt Nam.

"Đề xuất các bộ ngành có chính sách đặc thù cho các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tươi sống", ông Út nhấn mạnh.

10 giờ 10 phút

Khuyến khích xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường biển

xk duong bien

Nông sản Việt có nhiều lợi thế khi xuất đường biển (Ảnh minh họa).

Với kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực logistics, ông Đặng Đình Long, CEO Công ty CP Đầu tư Thương mại Mega A nêu một số ưu điểm khi vận chuyển nông, thủy sản bằng đường biển như khối lượng lớn, thúc đẩy xuất khẩu theo đường chính ngạch…

Đặc biệt, nếu doanh nghiệp trong nước xuất đơn hàng tới khu vực Đông Bắc Trung Quốc, hệ thống cảng biển tại đây rất nhiều như Thiên Tân, Đại Liên, Thanh Đảo, giúp đẩy nhanh thời gian vận chuyển.

Trong thời điểm kinh tế thế giới còn chịu những bất ổn như lạm phát, xung đột địa chính trị, dịch bệnh, việc vận chuyển bằng đường biển sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện giao dịch một cách ổn định. Bộ hồ sơ thuế, lịch sử xuất khẩu cũng được hoàn thiện, đầy đủ, tạo tiền đề hấp dẫn với các nhà mua mới.

Mega A cho biết, công ty đang hợp tác với 20 hãng tàu quốc tế, có năng lực hơn 303 container lạnh xuất trực tiếp Trung Quốc, với thời gian xấp xỉ 10 ngày tới các cảng chính Nam Sa, Hạ Môn, Thượng Hải, Đại Liên, Thiên Tân…

“Tùy vào nhu cầu xuất khẩu nông sản như chuối, thanh long, mít, xoài, sầu riêng hay thủy sản, chúng tôi sẽ bố trí container có kích thước phù hợp”, ông Long cam kết.

10 giờ 05 phút

Nhu cầu mua hàng chục nghìn tấn nông sản Việt Nam

ong to van quang

Ông Tô Vạn Quang (ảnh), Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc tại Quảng Tây, đến từ Công ty TNHH đầu tư Công nghiệp Đông Đằng cho biết rất vinh dự nhận được lời mời của Bộ NN-PTNT để tham dự diễn đàn.

"Tháng 3 mùa xuân, trời ấm hoa nở, với việc dịch Covid-19 dần bị đẩy lùi, cánh cổng thương mại Trung Quốc được mở ra, tôi tin rằng nông nghiệp, thủy sản Trung – Việt sẽ phát triển rực rỡ. Do đó, tôi vô cùng háo hức, vô cùng tự hào, cùng bàn về câu chuyện phát triển với các vị lãnh đạo, các vị khách quý, trên mảnh đất Việt Nam tràn đầy sức sống", ông Tô Vạn Quang mở đầu tham luận.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Tô Vạn Quang xin giới thiệu đôi nét về Công ty TNHH đầu tư Công nghiệp Đông Đằng: Công ty có trụ sở ở Khâm Châu, Quảng Tây, Trung Quốc. Thành phố Khâm Châu có khu thương mại tự do, khu ưu đãi thuế quan và nền tảng giao dịch, thanh toán mở cấp quốc gia. Khâm Châu cũng là thành phố hướng biển mới ở tây nam Trung Quốc, là điểm giao thông quan trọng có đường sắt kết hợp đường thủy nối Trung Quốc với châu Âu. Khâm Châu cũng là thành phố cảng kết nối với Đông Nam Á, là nơi có ưu thế về giao thông.

Công ty đưa ra mô hình hoạt động 'thương mại Trung Việt', chủ yếu phục vụ hoạt động đầu tư, thương mại hai nước, phục vụ cho cả hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân, trên cơ sở các cơ chế của cơ quan có thẩm quyền.

Hiện tại, công ty có văn phòng tại nhiều thành phố từ Quảng Tây đến Trùng Khánh, Thành Đô, Thượng Hải. Trong đó, có nhiều thành phố giáp với Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh.

"Chúng tôi cũng có văn phòng tại Hà Nội, Lạng Sơn, cửa khẩu Lào Cai. Chiến lược của công ty chúng tôi sắp tới sẽ là lập các văn phòng phủ khắp các thành phố ở Trung Quốc và Việt Nam. Thúc đẩy toàn diện hợp tác thương mại và đầu tư hai nước, thiết lập nên sàn thương mại nghìn tỷ NDT", đại diện Công ty TNHH đầu tư Công nghiệp Đông Đằng khẳng định.

Cũng theo lời ông Tô Vạn Quang, trong năm 2023, Công ty TNHH đầu tư Công nghiệp Đông Đằng dự kiến mua 35.000 tấn sầu riêng, trong đó mua từ Việt Nam là 15.000 tấn. Ngoài ra, công ty còn có nhu cầu mua 120.000 tấn khoai lang tím, ký hợp đồng mua cá basa, cá hố, và các loại hải sản khác.

"Chúng tôi rất mong kết nối với các vị đối tác tham dự online hoặc trực tiếp ở diễn đàn", ông Tô Vạn Quang nói.

Cũng tại diễn đàn, đại diện Công ty TNHH đầu tư Công nghiệp Đông Đằng chia sẻ tin vui. Hiện tại, với sự giúp đỡ to lớn từ các doanh nghiệp quốc doanh tầm cỡ ở Trung Quốc, các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam, công ty đang xúc tiến thành lập Trung tâm Giao dịch Thủy sản Việt Nam tại TP. Phòng Thành Cảng.

Chính quyền TP. Phòng Thành Cảng đã khởi công xây dựng kho lạnh thủy sản giai đoạn một cỡ lớn, diện tích 600 mẫu, khả năng lưu trữ 200.000 tấn thủy hải sản. Kho lạnh giai đoạn 2 diện tích 1.000 mẫu, có thể lưu trữ 600.000 tấn thủy hải sản cũng đã khởi công.

Sắp tới, thủy hải sản Việt Nam có thể vào thị trường Trung Quốc với số lượng lớn, thời gian nhanh chóng. Trung tâm Giao dịch Thủy sản Việt Nam tại TP. Phòng Thành Cảng cũng sẽ là nơi các bên mua-bán có thể trực tiếp gặp gỡ, giao dịch, tăng mức độ yên tâm.

10 giờ 00 phút

Cần thống nhất quy định về mẫu mã, bao bì trong thương mại sản phẩm sắn

Nhập chú thích ảnh

Hằng năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 3 triệu tấn mặt hàng tinh bột sắn sang thị trường Trung Quốc (Ảnh minh họa).

Thông tin về thương mại sản phẩm sắn giữa Việt Nam - Trung Quốc, ông Nghiêm Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội sắn Việt Nam, cho biết, hằng năm Việt Nam xuất khẩu hơn 3 triệu tấn mặt hàng tinh bột sắn sang thị trường Trung Quốc, trong đó khoảng 40% xuất khẩu chính ngạch, 60% xuất khẩu theo tiểu ngạch.

Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu hơn 3,2 triệu tấn, kim ngạch đạt khoảng 1,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu theo đường tiểu ngạch qua các cửa khẩu Móng Cái, Lạng Sơn, Lào Cai khoảng 1,8 triệu tấn.

Để việc xuất khẩu thuận tiện và giảm thiểu rủi ro, chi phí của doanh nghiệp 2 nước, ông Nghiêm Minh Tiến đưa ra kiến nghị: “Đối với chính sách biên mậu cần được ổn định. Chúng ta không nên thay đổi quá nhiều. Nếu có thay đổi cùng cần thời gian điều chỉnh hợp lý để các doanh nghiệp có sự chuẩn bị, tránh việc thay đổi đột ngột gây tổn thất lớn tới việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp”.

Đồng thời, ông Tiến cho rằng mẫu mã bao bì, thông tin sản phẩm cần được thống nhất theo thông lệ quốc tế hoặc theo quy định của nước sở tại, tránh mỗi địa phương, mỗi cửa khẩu có quy định, thông tin khác nhau dẫn đến khó khăn trong tổ chức sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, hải quan 2 nước cần có sự thống nhất trong quy định về trọng tải phương tiện, phương thức giao nhận, tránh để tăng chi phí bán hàng của các bên.

9 giờ 50 phút

Phú Yên mong muốn xuất chính ngạch tôm hùm nuôi sang Trung Quốc bằng đường bộ

tom hum

Phú Yên định hướng tôm hùm nuôi là sản phẩm xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc (Ảnh minh họa).

Theo ông Nguyễn Trí Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, khoảng 70% sản phẩm tôm hùm của địa phương xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn về việc xuất khẩu tôm hùm theo đường hàng không gây tốn nhiều chi phí vận chuyển dẫn đến lãi suất thấp.

Theo đó, đại diện tỉnh Phú Yên đề nghị Quảng Ninh và phía Quảng Tây (Trung Quốc) tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vận chuyển và thông quan nhanh chóng theo đường bộ.

Ông Phương cho biết, Phú Yên đang chỉ đạo thực hiện một số giải pháp hướng đến tôm hùm nuôi là sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Trong đó, rà soát, tích hợp vào quy hoạch tỉnh một số vùng nuôi tôm hùm công nghệ cao trong bể trên bờ để đa dạng hình thức nuôi, cơ cấu lại vùng nuôi, giảm áp lực nuôi trên vịnh Xuân Đài, đảm bảo phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững;

Xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ ngành hàng tôm hùm để tăng năng lực sản xuất và tiêu thụ; Ưu tiên giao đất, cho thuê đất cho tổ chức, cá nhân nuôi tôm hùm trên biển, trên bờ; Cấp mã số vùng nuôi, giám sát truy xuất nguồn gốc tôm hùm nuôi để xuất khẩu sản phẩm chính ngạch đến thị trường Trung Quốc mang lại nguồn thu ngoại tệ và lợi nhuận cao.

Đối với Bộ NN-PTNT, đại diện tỉnh Phú Yên đề xuất Bộ sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn nuôi tôm hùm trong bể trên bờ và trên biển; xét cấp Code cho “HTX dịch vụ tổng hợp tôm hùm Sông Cầu”, hướng dẫn các điều kiện kỹ thuật từ đầu vào đến đầu ra nhằm đảm bảo sản phẩm tôm hùm nuôi đáp ứng yêu cầu nhập khẩu phía Quảng Tây.

Về phía doanh nghiệp Quảng Tây và chính quyền phía Trung Quốc, ông Phương đề nghị phía bạn thông tin minh bạch về tiêu chuẩn chất lượng, cỡ loại, mùa vụ, giá cả tôm hùm để người nuôi chủ động nuôi và xuất bán đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng, giá cả, đảm bảo đôi bên cùng có lợi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu chính ngạch tôm hùm nuôi qua đường bộ.

9 giờ 40 phút

Khánh Hòa chưa có nhiều mặt hàng chế biến sâu

sau rieng

Sầu riêng là đặc sản của huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa (Ảnh minh họa).

Ông Chu Đức Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Khánh Hòa cho biết, bên cạnh thế mạnh về thủy sản sẵn có, tỉnh đã đẩy mạnh phát triển cây ăn quả thời gian qua. Hiện Khánh Hòa có khoảng 17.000 ha cây ăn quả, trong đó chủ yếu là xoài khoảng 8.000 ha.

Thời gian gần đây, Khánh Hòa phát triển mạnh cây sầu riêng, với diện tích trồng hiện khoảng 2.000 ha. Tuy nhiên, sản phẩm xuất khẩu của tỉnh chủ yếu dừng ở mức thô, chưa có nhiều mặt hàng chế biến sâu.

Về định hướng phát triển, ông Hùng thông tin, Khánh Hòa sẽ phát triển nông nghiệp trên cả hai trụ cột. Với thủy sản, tỉnh chú trọng nuôi biển công nghệ cao để phục vụ xuất khẩu. Với trồng trọt, địa phương sẽ đẩy mạnh xây dựng các vùng sản xuất tập trung, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Qua Diễn đàn sáng 8/3, Chi cục Trồng trọt – BVTV Khánh Hòa kiến nghị Bộ NN-PTNT cùng các bộ, ngành liên quan giới thiệu các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu các mặt hàng nông, thủy sản để tỉnh nâng cao giá trị sản phẩm. “Khánh Hòa mong muốn được kết nối nhiều hơn với các doanh nghiệp xuất khẩu, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững”, ông Hùng bày tỏ.

9 giờ 30 phút

Thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) phối hợp xây dựng 'Cửa khẩu trí tuệ' và 'Hai thành phố trí tuệ'

dong-hung-7

Thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) nhìn từ trên cao.

Phó Cục trưởng Cục quản lý thương mại và cửa khẩu Đông Hưng, ông Hoàng Vệ, cho biết: Sắp tới, thành phố Đông Hưng sẽ thực hiện chính sách “Vành đai – Con đường”, trở thành điểm xuất phát từ vùng biển phía tây của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy nhập khẩu nông sản, tối ưu các công tác ở cửa khẩu, xây dựng môi trường kinh doanh tốt giữa thành phố Đông Hưng và thành phố Móng Cái. Chúng tôi sẽ phối hợp phía Việt Nam xây dựng “Cửa khẩu trí tuệ” và “Hai thành phố trí tuệ”.

Năm 2023, chúng tôi sẽ xây dựng các cơ sở kiểm dịch động vật, thực vật, động vật thủy sinh, thủy hải sản tại cửa khẩu. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với TP. Móng Cái xây dựng Phòng Kiểm nghiệm tại Km3+4. Các tiêu chuẩn này sẽ do chi nhánh Quảng Tây của Tập đoàn Kiểm nghiệm Trung Quốc (CCICGX) xây dựng.

9 giờ 20 phút

Việt Nam là nguồn cung thủy sản số 1 cho Quảng Tây

ong nguyen hoai nam

Chia sẻ về thương mại thủy sản Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh mới, ông Nguyễn Hoài Nam (ảnh), Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết giai đoạn 2018 - 2022, thương mại thủy sản Việt Nam - Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh nhất trong các thị trường chính. Từ vị trí số 3, Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ.

“7 sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất gồm tôm, cua, cá hồi, mực, cá minh thái, cá tuyết, cá tra. Trong đó, tôm là sản phẩm được Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất với tỉ lệ 24% khối lượng, 41% giá trị. Sản phẩm thủy sản đông lạnh chiếm 93% khối lượng và 89% giá trị nhập khẩu”, ông Nguyễn Hoài Nam cho hay.

Thông tin thêm về thương mại thủy sản Việt Nam - Quảng Tây, đại diện VASEP cho biết, Quảng Tây là địa phương lớn thứ 3 ở Trung Quốc về nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Quảng Đông và Trạm Giang. Cụ thể, Quảng Tây chiếm 6% khối lượng và 11% giá trị nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vào Trung Quốc. Năm 2022, nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vào Quảng Tây đạt 28.400 tấn, trị giá gần 190 triệu USD. Việt Nam là nguồn cung thủy sản số 1 cho Quảng Tây khi chiếm 69% khối lượng và 75% giá trị của tỉnh bạn.

Từ những tiềm năng, thuận lợi đó, ông Nguyễn Hoàng Nam đã đưa ra đề xuất phía Việt Nam cần tăng cường xúc tiến thương mại, giao thương giữa các doanh nghiệp với các địa phương Trung Quốc.

“Đồng thời, chúng ta cũng cần hỗ trợ, thúc đẩy tiến độ duyệt hồ sơ cho các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Đặc biệt, các cơ quan cần cập nhật, cung cấp thông tin về nhu cầu, quy định của thị trường và các địa phương của Trung Quốc cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị.

9 giờ 10 phút

Các doanh nghiệp cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa

ba tran thi bich ngoc

Bà Trần Thị Bích Ngọc (ảnh), Trưởng ban Quản lý cửa khẩu Quốc tế Móng Cái cho biết, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam, là thị trường XK lớn nhất đối với nhóm hàng rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su; thị trường XK lớn thứ ba đối với nhóm hàng thủy sản, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản.

Một số nhóm mặt hàng như thủy sản, trái cây, cà phê của Việt Nam đều năm trong số 10 quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào Trung Quốc; nhiều mặt hàng như cá tra, cá basa, cá mực, quả thanh long, quả vải, hạt điều chiếm thị phần gần như tuyệt đối về khối lượng cũng như kim ngạch nhập khẩu.

Đối với Thành phố Móng Cái hiện nay, hoạt động thông quan hàng nông sản, thủy sản và các sản phẩm nông thủy sản được triển khai tại tất cả các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn và có triển vọng ngày càng gia tăng cả về chủng loại, sản phẩm hàng hóa cùng như số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK.

Thời gian qua, lượng hàng nông sản, thủy sản và các sản phẩm nông thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc qua lối thông quan này đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 60%/năm. Riêng năm 2021 lượng hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu đạt xấp xỉ 1 triệu tấn, tăng 157% so cùng kỳ năm 2020; 02 tháng đầu năm 2023 đạt 116.275 tấn tăng 122% so cùng kỳ 2022.

Theo bà Ngọc, để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa trong cách nghĩ, cách quản lý, quy hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng "chủ động nắm bắt cơ hội, tích cực tham gia hội nhập";

Tập trung khai thác, tận dụng tối đa công nghệ số, công nghệ thông tin, tận dụng tối đa tính ưu việt của các sàn giao dịch thương mại điện tử để tăng cường quảng bá sản phẩm; không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa từ khâu nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, đóng gói, vận chuyển xuất khẩu;

Đẩy nhanh thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn, có các tiêu chuẩn cụ thể, quản lý quy trình canh tác, đáp ứng yêu cầu quy định của nước bạn.

Mặt khác, cần chủ động, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp xuất khẩu trên nguyên tắc cùng nắm bắt, cùng khai thác thị trường theo câu châm ngôn “Muốn đi Nhanh thì đi 1 mình; Muốn đi Xa hãy đi cùng nhau”.

9 giờ 00 phút

Doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý đăng ký gia hạn xuất khẩu sang Trung Quốc

Nhập chú thích ảnh

Đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường hướng dẫn thủ tục đăng ký bổ sung sản phẩm và đăng ký doanh nghiệp để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Về tình hình xuất khẩu và đăng ký doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu vào Trung Quốc, đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thông tin, đăng ký xuất khẩu sản phẩm thủy sản được thực hiện hoàn toàn trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC).

Cơ sở đăng ký xuất khẩu sản phẩm thủy sản sống như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, tôm hùm sống cần được NAFIQAD thẩm định, chứng nhận điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định của Việt Nam và Trung Quốc. Các cơ sở nuôi, cơ sở bao gói cần phải được cơ quan quản lý nông lâm thủy sản địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện ATTP/điều kiện vệ sinh thú y và được cấp mã số.

Đại diện này cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc và lưu ý trong đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Theo đó, việc xử lý, phê duyệt hồ sơ đăng ký trên CIFER và phê duyệt hồ sơ đăng ký bổ sung cơ sở bao gói thủy sản sống của phía Trung Quốc thường chậm. Phía Trung Quốc cũng chậm phản hồi đối với hồ sơ đăng ký bổ sung sản phẩm của phía Việt Nam.

Trong đó, một số doanh nghiệp chưa kịp thời bố trí nguồn lực để triển khai việc đăng ký trên CIFER, đặc biệt là đăng ký gia hạn. Trong thời hạn từ 3-6 tháng trước khi hết thời hạn đăng ký, DN phải nộp hồ sơ gia hạn đăng ký trên CIFER.

Đại diện Cục lưu ý các doanh nghiệp khẩn trương thực hiện đăng ký gia hạn theo quy định của GACC để không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, hạn chế các ách tắc thương mại.

Để tháo gỡ các khó khăn, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường khuyến nghị phía Trung Quốc đẩy nhanh việc phê duyệt các hồ sơ đăng ký trên CIFER; phê duyệt hồ sơ đăng ký cơ sở bao gói thủy sản sống và hồ sơ đăng ký bổ sung sản phẩm.

Đối với các doanh nghiệp, Cục đề nghị ưu tiên nguồn lực để triển khai việc đăng ký trên CIFER, đặc biệt là đăng ký gia hạn.

Đối với cơ quan quản lý cần tích cực liên hệ với GACC để bố trí họp trực tuyến nhằm trao đổi, giải đáp kịp thời các vướng mắc trong quá trình đăng ký trên CIFER; tích cực liên hệ, đôn đốc phía Trung Quốc xử lý kiến nghị của phía Việt Nam.

8 giờ 50 phút

Đẩy mạnh các hàng hóa mang tính bổ sung cho thị trường

dai dien cuc chat luong

Đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường phát biểu tại đầu cầu Hà Nội.

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc tháng 1/ 2023 đạt hơn 11 tỷ USD, giảm 24,3% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu 7,22 tỷ USD (giảm 24,33%); xuất khẩu 3,87 tỷ USD (giảm 0,96%); nhập siêu 3,35 tỷ USD (giảm 51%).

Hai nguyên nhân dẫn đến đà giảm này là do: Tết Nguyên đán kéo dài làm giảm đơn hàng xuất khẩu của một số ngành hàng lớn; Lạm phát cao tại nhiều nền kinh tế lớn, giá cả nguyên liệu và hàng hóa tăng dẫn đến nhu cầu mua sắm hàng hóa giảm.

Một số mặt hàng thế mạnh, có truyền thống được Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc là: gỗ và sản phẩm từ gỗ, cao su, rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, hạt điều. Ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu mạnh rau quả, phân bón các loại và gỗ.

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đặc biệt nhấn mạnh vai trò của tỉnh Quảng Ninh với Quảng Tây trong quan hệ thương mại nông lâm thủy sản Việt Nam – Trung Quốc. Cụ thể, Quảng Ninh là cửa ngõ giao thương của Trung Quốc không chỉ với Việt Nam mà là cả khối ASEAN. Còn Quảng Tây là thị trường nhập khẩu nông lâm thủy sản chính của Việt Nam, chiếm gần 50% giá trị nhập khẩu.

“Đây là khu vực có lượng hàng hóa nhập khẩu lớn, chiếm tới 47,5% tổng nhập khẩu từ Trung Quốc. Về xuất khẩu qua Quảng Ninh sang Quảng Tây Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa, chiếm 15,4% kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc”, đại diện Cục cho biết.

Thời gian tới, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề nghị địa phương và doanh nghiệp thúc đẩy hợp tác thương mại với Quảng Tây, Trung Quốc theo hướng đẩy mạnh các hàng hóa mang tính bổ sung cho thị trường của nhau, nhằm khai thác các tiềm năng, mở rộng thương mại cả hai chiều, cân bằng lợi ích.

8 giờ 40 phút

Quảng Ninh có vai trò quan trọng thúc đẩy, kết nối giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa

ong bui van khang

Tại diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây)” qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái - Đông Hưng, ông Bùi Văn Khắng (ảnh) – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, diễn đàn này có ý nghĩa rất thiết thực, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hoạt động giao thương giữa Việt Nam – Trung Quốc nói chung và thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thực phẩm nói riêng sau thời gian diễn ra đại dịch Covid-19. Đồng thời, cụ thể hóa “Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc”.

Tỉnh Quảng Ninh nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, cửa ngõ giao thương quan trọng và sôi động nhất giữa Việt Nam với ASEAN với vị trí địa kinh tế, nằm trong khu vực phát triển năng động của cả nước và toàn thế giới. Quảng Ninh là điểm đầu khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai”, là cầu nối trung chuyển, giao lưu hàng hóa, khoa học công nghệ, đầu tư giữa Đông Bắc Á - Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh là địa phương có hạ tầng giao thông cơ bản hoàn chỉnh, tạo thuận lợi cho cả 5 phương thức vận tải: đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển, hàng không hiện đại - thuận lợi - hiệu quả và an toàn, đảm bảo kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của mình trong việc thúc đẩy, kết nối giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và các nước thứ 3 với thị trường Trung Quốc, trong đó có một lượng lớn hàng hóa nông, lâm, thủy sản.

Cụ thể, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh đạt trên 5,6 tỷ USD, trong đó các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu đạt gần 1,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 20% trong kim ngạch xuất khẩu. 2 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu đạt 663 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022; Kim ngạch nhập khẩu qua địa bàn tỉnh năm 2022 đạt trên 10,4 tỷ USD.

Ngoài việc tỉnh Quảng Ninh cùng Bộ NN-PTNT tổ chức Diễn đàn hôm nay, thời gian tới, tỉnh sẽ có trách nhiệm lớn đối với các địa phương, các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

8 giờ 30 phút

Móng Cái - Đông Hưng: Cặp cửa khẩu quan trọng trong xuất khẩu nông sản, đặc biệt là mặt hàng thủy sản

Nhập chú thích ảnh

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu mở đầu diễn đàn.

Phát biểu mở đầu Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng việc cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng mở cửa thời gian qua là tin vui cho doanh nghiệp và các cơ quan 2 nước Việt Nam - Trung Quốc. Do đó, Bộ NN-PTNT và Đại sứ quán Trung Quốc đã tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây)” nhằm thông tin kịp thời tình hình mở cửa xuất khẩu giao thương giữa 2 nước.

“Gần đây, các doanh nghiệp 2 nước đã tập trung ở cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng để tìm bạn hàng vì đây là cửa khẩu quan trọng trong xuất khẩu nông sản, đặc biệt là mặt hàng thủy sản của cả Việt Nam và Trung Quốc”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ.

Từ đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT bày tỏ mong muốn Diễn đàn sẽ giải quyết được thắc mắc của các đơn vị, doanh nghiệp, đồng thời là động lực thúc đẩy giao thương nông sản Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian tới.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cầm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ ký giao ước thi đua năm 2025

Ninh Thuận Khối thi đua Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…