Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ nêu thực trạng việc liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người dân tại địa phương không nhiều, đa phần doanh nghiệp sẽ thu mua thông qua bên trung gian như thương lái.
Thời gian gần đây, trên địa bàn TP. Cần Thơ xuất hiện tình trạng thương lái thu mua lúa gạo số lượng ít, nhưng với giá cao hơn hẳn so với thị trường, tạo ra sự nhiễu loạn thị trường và gây nhiều khó khăn trong việc liên kết thu mua giữa doanh nghiệp và nông dân.
Do đó, ông Nghiêm đề xuất Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương định kỳ công bố giá lúa tươi, lúa khô trong vụ thu hoạch để các đơn vị thu mua và nông dân tham khảo. Qua đó, tránh được sự nhiễu loạn trong thị trường, cũng như tạo dựng niềm tin giữa doanh nghiệp và nông dân.
Một trong những giải pháp được đề cập tại nhiều hội nghị, hội thảo là thúc đẩy phát triển giống chất lượng cao, giống thơm đặc sản với chuẩn hóa tiêu chuẩn chất lượng theo mã số vùng trồng và ghi nhật ký sản xuất để tăng giá trị xuất khẩu. Qua đó, tạo điều kiện để liên kết thu mua, bao tiêu giữa nông dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, lại cho rằng, câu chuyện liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo là khó nhất trong sản xuất lúa hiện nay ở ĐBSCL.
Về kỹ thuật canh tác và giống lúa chúng ta đang đi đầu, có sự tiến bộ rất nhanh, đạt được nhiều kết quả. Tại An Giang, hiện nay đang có các đơn vị thực hiện liên kết chuỗi giá trị lúa gạo tốt như: Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Tân Long… Hiện nay, riêng diện tích của Lộc Trời đã tăng lên trên 40.000 ha và dự kiến sẽ tăng lên hơn 100.000 ha, chiếm hơn 50% diện tích sản xuất lúa của tỉnh.
Để chuỗi liên kết đạt kết quả, sau mỗi mùa vụ, ngành nông nghiệp An Giang đều mời cac bên liên quan ngồi lại vơi nhau, cùng kết nối, lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tham gia cần thực hiện đúng những gì đã cam kết. Ngoài ra, cũng cần tận dụng tốt các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để tăng thêm thu nhập, gia tăng chuỗi giá trị bền vững.
Có một khó khăn nữa là trong khâu thanh toán thu mua lúa nguyên liệu. Doanh nghiệp có tiền, có tài khoản nhưng không thanh toán được cho nông dân vì họ chưa quen với ngân hàng số. Nông dân vẫn có tâm lý muốn nhận tiền mặt ngay sau khi bán lúa, buộc doanh nghiệp phải mang theo số tiền lớn, dễ gặp phải rủi ro…
Để niềm vui của bà con trồng lúa tỷ lệ thuận với giá xuất khẩu gạo, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, rất cần sự điều tiết giữa giá lúa nội địa và giá gạo xuất khẩu. Qua đó, cân đối lợi ích giữa doanh nghiệp xuất khẩu và bàn con nông dân, tạo thuận lợi cho việc tái sản xuất ở những mùa vụ tiếp theo.
Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giá lúa duy trì ổn định. Cụ thể, nếp tươi Long An đang được thương lái thu mua tại ruộng ở mức 7.900 - 8.000 đồng/kg; OM 18 mức 6.700 - 7.000 đồng/kg; Đài thơm 8 mức 6.700 - 6.800 đồng/kg; lúa OM 5451 mức 6.500 - 6.650 đồng/kg;...
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm chững lại sau phiên điều chỉnh giảm. Hiện giá gạo nguyên liệu ở mức 8.900 - 9.100 đồng/kg; gạo thành phẩm ở mức 9.500 - 9.700 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam - VFA, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 428 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 408 USD/tấn, so với thời điểm trước khi Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế xuất khẩu gạo thì giá xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam tăng trung bình khoảng 30 USD/tấn.
Số liệu của Bộ NN-PTNT cho thấy, tính đến hết tháng 10, xuất khẩu gạo đạt trên 6 triệu tấn, với giá trị đạt gần 3 tỉ USD, tăng 17% về khối lượng và tăng 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng ước đạt 484 USD/tấn, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2021.