| Hotline: 0983.970.780

Thủy đậu vào mùa - Làm gì để phòng bệnh?

Thứ Bảy 30/03/2024 , 14:54 (GMT+7)

Bệnh thủy đậu có xu hướng gia tăng vào các tháng mùa đông - xuân. Trẻ em là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh vì sức đề kháng còn yếu.

Thời tiết thay đổi thất thường làm gia tăng số ca mắc thủy đậu tại Hà Nội.

Thời tiết thay đổi thất thường làm gia tăng số ca mắc thủy đậu tại Hà Nội.

Nhiều địa phương ghi nhận các chùm ca bệnh thủy đậu

Thời gian gần đây, Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội, Đắk Lắk, cùng một số địa phương xuất hiện nhiều ổ dịch thủy đậu. Đáng lưu ý, ổ dịch tập trung chủ yếu tại trường học khiến nhiều trẻ phải nghỉ học.

Đầu tháng 3/2024, trên địa bàn tỉnh Lào Cai ghi nhận nhiều chùm ca bệnh thủy đậu trong trường học. Theo đó, ngày 6/3, tại trường tiểu học thôn Làng Kim, xã Quang Kim, huyện Bát Xát xuất hiện một em học sinh mắc bệnh thủy đậu. Những ngày sau liên tiếp ghi nhận các trường hợp mắc bệnh thủy đậu trong nhà trường. Tính đến hết ngày 12/3 có tổng số 28 ca mắc. Cùng thời điểm này, các huyện Bắc Hà và Bảo Yên cũng ghi nhận về những ca mắc thủy đậu là học sinh và giáo viên.

Còn tại tỉnh Yên Bái, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2024 đến giữa tháng 3, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 69 ca mắc bệnh thủy đậu.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2024, thành phố ghi nhận gần 200 trường hợp mắc thủy đậu.

Theo ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk tính đến ngày 22/2, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 81 trường hợp thủy đậu, số mắc tăng 44,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Thủy đậu là bệnh do virus Varicella Zoster gây ra, bệnh diễn ra quanh năm và tăng cao từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm. Thủy đậu thường gặp ở cả trẻ em và người lớn, đa số là lành tính, hồi phục trong khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc, theo dõi và điều trị đúng cách, một số trường hợp có thể dẫn đến các biến chứng nặng. Đặc biệt là ở các nhóm đối tượng có hệ miễn dịch yếu như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người có bệnh lý nền (tim mạch, đái tháo đường, suy thận…) có khả năng gặp biến chứng và tử vong cao hơn nếu mắc bệnh.

Thủy đậu có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không có biện pháp chữa trị đúng. Ảnh minh họa

Thủy đậu có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không có biện pháp chữa trị đúng. Ảnh minh họa

Các giai đoạn phát triển của bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu có 4 giai đoạn phát triển, mỗi giai đoạn có dấu hiệu khác nhau. Cụ thể:

Giai đoạn ủ bệnh: Đây là giai đoạn nhiễm virus, thời kỳ virus trong người và phát bệnh. Giai đoạn này kéo dài từ 10 - 20 ngày. Người mắc bệnh lúc này không có bất kỳ dấu hiệu gì, rất khó để nhận biết.

Giai đoạn khởi phát: Thời điểm phát bệnh với những triệu chứng như người bệnh sốt nhẹ, nhức đầu, cơ thể mệt mỏi. Bắt đầu xuất hiện phát ban đỏ với đường kính vài milimet trong 24 - 48 giờ đầu. Một số bệnh nhân còn có hạch sau tai, kèm viêm họng.

Giai đoạn toàn phát: Bệnh nhân bắt đầu sốt cao, chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu và đau cơ. Các nốt ban đỏ bắt đầu có những nốt phỏng nước hình tròn, đường kính từ 1 - 3mm. Các mụn nước gây ngứa và rát, rất khó chịu. Những nốt mụn nước này xuất hiện toàn thân, mọc kín trên cơ thể bệnh nhân. Mọc cả vào niêm mạc miệng gây khó khăn trong việc ăn uống. Một số trường hợp bị nhiễm trùng mụn nước sẽ có kích thước lớn hơn, dịch bên trong mụn nước màu đục do chứa mủ.

Giai đoạn hồi phục: Sau từ 7 - 10 ngày phát bệnh, các mụn nước sẽ tự vỡ ra, khô lại và bong vảy dần hồi phục trở lại. Trong giai đoạn này cần vệ sinh các vết thủy đậu cẩn thận, tránh để nhiễm trùng. Kết hợp sử dụng các loại thuốc trị sẹo, thuốc trị thâm. Bởi thủy đậu sẽ để lại sẹo rỗ (lõm) sau khi chúng biến mất.

Thủy đậu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Nếu không có biện pháp chữa trị đúng cách, thủy đậu có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường như:

Nhiễm trùng gây lở loét:  Các vết mụn nước sau khi vỡ, gây chảy máu bên trong. Đây là biến chứng thường gặp ở trẻ nhỏ do dùng tay để gãi ngứa.

Gây viêm não, viêm màng não:  Biến chứng thường xảy ra sau 1 tuần mọc mụn nước. Đây là biến chứng có thể xảy ra ở cả trẻ nhỏ và người lớn, tuy nhiên người lớn dễ gặp phải biến chứng này hơn. Các triệu chứng đi kèm gồm sốt cao, hôn mê, co giật, rối loạn tri giác, rung giật nhãn cầu. Biến chứng này có thể gây tử vong nếu không chữa trị kịp thời.

Viêm phổi thủy đậu: Biến chứng thường xảy ra ở người trưởng thành, vào ngày thứ 3 - 5 sau khi phát bệnh. Biểu hiện như ho nhiều, ho ra máu, khó thở và tức ngực.

Gây viêm thận, viêm cầu thận cấp: Các triệu chứng của biến chứng này là tiểu ra máu và suy thận.

Gây viêm tai giữa, viêm thanh quản: Do các nốt mụn thủy đậu mọc ở khu vực này gây lở loét, nhiễm trùng gây sưng tấy.

Phụ nữ mang thai: Nhiễm thủy đậu trong giai đoạn mang thai có thể ảnh hưởng đến mẹ như viêm phổi, sinh non… và thai nhi (hội chứng thủy đậu bẩm sinh hoặc thủy đậu sơ sinh). Trẻ sinh ra có thể có sẹo da, kém phát triển của chi, não, mô mắt… cũng như mắc thủy đậu lan tỏa dẫn đến tỉ lệ tử vong lên đến 20% trẻ mắc thủy đậu sơ sinh.

Tiêm chủng vaccine ngừa thủy đậu là biện pháp phòng tránh thủy đậu hiệu quả và lâu dài nhất. Ảnh minh họa

Tiêm chủng vaccine ngừa thủy đậu là biện pháp phòng tránh thủy đậu hiệu quả và lâu dài nhất. Ảnh minh họa

Phòng ngừa bệnh thủy đậu bằng cách nào?

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, người dân cần thực hiện các biện pháp: Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan. Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu, cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh, để tránh lây lan cho những người xung quanh. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường. Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu.

Trong đó, tiêm chủng vaccine ngừa thủy đậu là biện pháp phòng tránh thủy đậu hiệu quả và lâu dài nhất. Người đã tiêm chủng vaccine thủy đậu có khả năng miễn dịch tuyệt đối với bệnh. Khoảng 10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, không bị biến chứng.

Với trẻ em, việc tiêm ngừa vaccine thủy đậu rất quan trọng. Hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế uy tín để tiêm theo đúng liều lượng quy định. Lịch tiêm vaccine thủy dậu cho trẻ gồm: Mũi 1: Tiêm khi trẻ trên 1 tuổi. Mũi 2: Trẻ từ 1 - 13 tuổi (tiêm cách mũi 1 tối thiểu 3 tháng).

Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào thì nên tiêm 2 lần, nhắc lại cách nhau từ 4 - 8 tuần.

Phụ nữ có kế hoạch sinh con cần tiêm phòng vaccine thủy đậu trước khi dự định mang thai 3 - 5 tháng.

Các bác sĩ lưu ý, khi mắc thủy đậu, người bệnh tuyệt đối không nên tự điều trị tại nhà, tránh bệnh tiến triển nặng.

Xem thêm
Phẫu thuật robot điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ

TP.HCM Bệnh viện Bình Dân vừa thực hiện phẫu thuật robot cắt khối tá tụy điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ cho nam bệnh nhân 43 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.