| Hotline: 0983.970.780

Thủy điện Tà Lơi 1: Ảnh hưởng nặng nề đến Khu bảo tồn thiên nhiên

Thứ Năm 18/05/2023 , 16:09 (GMT+7)

Thủy điện Tà Lơi 1 của Shark Việt chiếm dụng nhiều diện tích rừng tự nhiên, sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái...

Intracom sẽ chặn đầu nguồn của thác Rồng để xây đập thủy điện Tà Lơi 1. Ảnh: Hải Đăng.

Intracom sẽ chặn đầu nguồn của thác Rồng để xây đập thủy điện Tà Lơi 1. Ảnh: Hải Đăng.

Dự án kéo dài hàng chục năm, cư dân chưa đồng thuận

Dự án thủy điện Tà Lơi 1 được UBND tỉnh Lào Cai cấp chứng nhận đầu tư lần đầu từ năm 2015, sau đó tiếp tục được điều chỉnh lần đầu và đến ngày 21/12/2022 được Sở Kế hoạch và Đầu tư chứng nhận thay đổi lần thứ 2. Mấu chốt, trong lần điều chỉnh này là thời gian hoàn thành dự án kéo dài từ quý 4/2018 sang quý 4/2023. 

Chủ đầu tư của dự án thủy điện Tà Lơi 1 tại xã Trung Lèng Hồ (huyện Bát Xát, Lào Cai) không phải ai xa lạ bởi Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Intracom) đã xây dựng nhiều thủy điện tại huyện này. Intracom có trụ sở tại toà nhà Intracom 2 thuộc phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội).

Trong đó, ông Nguyễn Thanh Việt là người đại diện pháp luật của Intracom. Ông Nguyễn Thanh Việt gần đây được biết đến với vai trò là “cá mập” trong chương trình Shark Tank Việt Nam.

Dự án thủy điện Tà Lơi 1 có tổng công suất 15MW với 3 tổ máy, mức đầu tư gần 600 tỷ đồng sẽ chặn dòng chính của thác Rồng để xây đập thủy điện và việc xây thủy điện ảnh hưởng không nhỏ đến bộ phận người dân trong khu vực.

Trong khi, ở nơi "thâm sơn cùng cốc” này, bà con dân tộc thiểu số đang kỳ vọng vào cơ hội phát triển kinh tế nếu được đầu tư vào du lịch. Thế nhưng, thủy điện Tà Lơi 1 có thể lấy mất tất cả của họ.

Phản ánh của Báo Nông nghiệp Việt Nam về dự án thủy điện Tà Lơi 1: "Lo ngại Intracom làm thủy điện, bức tử thác Rồng; Intracom chặn 'yết hầu' thác Rồng: Đánh đổi môi trường tự nhiên?" trong đó có nêu tâm tư, nguyện vọng của người dân và lo ngại đối với dự án này. 

Ông Phan Trung Sỹ, đại diện Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Bát Xát (Lào Cai) cho biết, hiện cộng đồng dân cư chưa đồng ý nhà đầu tư triển khai xây dựng, huyện rất quan tâm nội dung đầu tư dự án thủy điện Tà Lơi 1 vì liên quan nhiều đến vấn đề phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Do đó, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, UBND xã Trung Lèng Hồ lấy ý kiến người dân. Cùng với việc tham vấn ý kiến các cơ quan chuyên môn, phụ trách từng lĩnh vực, huyện tổng hợp và đề xuất ý kiến đối với các sở ngành về việc triển khai dự án thủy điện Tà Lơi 1 này.

Người dân Trung Lèng Hồ (huyện Bát Xát, Lào Cai) lo lắng trước dự án thủy điện Tà Lơi 1 làm mất cơ hội làm du lịch của họ. Ảnh: Hải Đăng.

Người dân Trung Lèng Hồ (huyện Bát Xát, Lào Cai) lo lắng trước dự án thủy điện Tà Lơi 1 làm mất cơ hội làm du lịch của họ. Ảnh: Hải Đăng.

Tác động trực tiếp vào Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát

Ảnh hưởng rõ ràng nhất đối với dự án thủy điện Tà Lơi 1 đó là việc đầu tư dự án sẽ chiếm dụng khá lớn diện tích rừng tự nhiên tại đầu nguồn các dòng sông suối và nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên rừng quốc gia tại huyện Bát Xát.

Cụ thể, diện tích rừng theo quy hoạch là 22,92ha, hiện đang có rừng là 16,95ha (trong đó 2,38ha rừng đặc dụng và 13,96ha rừng tự nhiên phòng hộ).

Hiện diện tích rừng này đang được UBND tỉnh Lào Cai giao cho Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt.

Do dự án ảnh hưởng đến đất rừng như nêu trên. Theo Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, vì vậy khi các dự án triển khai có ảnh hưởng đến đất rừng phải xin ý kiến và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, ông Phan Trung Sỹ cho hay. 

Theo ông Phạm Năng Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát (Lào Cai), do địa hình trong khu vực dự án thủy điện Tà Lơi 1 có độ dốc rất cao, khi triển khai dự án đặc biệt là thi công đường công vụ sẽ ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác của người dân và môi trường xung quanh khu vực dự án, đặc biệt phía taluy âm.

Đối với việc sẽ ngăn dòng chảy tại khu vực đập chính, phía khu vực hạ lưu sau đập có một số công trình cấp nước để phục vụ cho việc canh tác sản xuất của nhân dân, khi thực hiện sẽ ảnh hưởng đến nước sản xuất của người dân.

Cuộc sống của người dân Trung Lèng Hồ (huyện Bát Xát, Lào Cai) còn rất khó khăn. Intracom đã xây dựng một số thủy điện ở khu vực này nhưng cuộc sống của họ không thay đổi, vẫn phải bỏ tiền mua điện. Ảnh: Hải Đăng.

Cuộc sống của người dân Trung Lèng Hồ (huyện Bát Xát, Lào Cai) còn rất khó khăn. Intracom đã xây dựng một số thủy điện ở khu vực này nhưng cuộc sống của họ không thay đổi, vẫn phải bỏ tiền mua điện. Ảnh: Hải Đăng.

Ngoài ra, dự án thủy điện khi đi vào hoạt động phần đập chính và đập phụ do thực hiện ngăn đập giữ nước ngang dòng chảy suối, do đó có tác động ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung cấp nước cho thác Rồng. Việc ngăn đập sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy tự nhiên của các suối và hệ thủy sinh phía hạ du.

Trong khu vực dự kiến đầu tư dự án thủy điện của Intracom còn có các công trình thủy lợi tưới tiêu cho khoảng 40ha lúa nước 1 vụ của người dân thôn Trung Hồ (xã Trung Lèng Hồ). Việc ngăn đập cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích lúa của dân phía hạ lưu đập; hiện tại phía hạ lưu đã có 2 công trình thủy lợi đã được bê tông hóa.

Được biết, Intracom có báo cáo đánh giá ảnh hưởng và các giải pháp khắc phục của dự án thủy điện Tà Lơi 1 đến môi trường và xã hội tại địa bàn huyện Bát Xát (Lào Cai) gửi đến các sở, ngành và UBND huyện Bát Xát. Bản báo cáo đánh giá này do chính Intracom tự thực hiện, không phải đơn vị thứ 3 độc lập. 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.