Thực hiện công văn số 1778/BNN-TT ngày 23/3/2023 của Bộ NN-PTNT về việc đăng ký diện tích sản xuất lúa đảm bảo chi trả tín chỉ carbon trong năm 2024, đồng thời dựa trên những kết quả đạt được từ việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến khi tham gia Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) giai đoạn 2016 - 2022, mới đây, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành các phiên tham vấn với phòng NN-PTNT các huyện, phòng kinh tế các thị xã trong tỉnh rà soát thực trạng và điều kiện sản xuất thực tế làm cơ sở đăng ký tham gia Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.
Theo đó, qua rà soát, các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng đã đề xuất tham gia Đề án với diện tích 77.000ha đến năm 2030, trong đó, phần diện tích đăng ký tham gia phấn đấu đủ điều kiện chi trả tín chỉ carbon trong năm 2024 là 22.000ha thuộc vùng sản xuất lúa tập trung của các huyện Châu Thành, Mỹ Tú, Thạnh Trị, Mỹ Xuyên, Long Phú và Kế Sách.
Ông Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh: Hiện nay, việc áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", tưới ngập - khô xen kẽ tại các HTX trong tỉnh đã được triển khai khá tốt, nhất là ở các khâu giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, việc thu gom rơm rạ sau thu hoạch để phục vụ chăn nuôi, trồng nấm, rau màu hoặc che phủ vườn cây cũng được thực hiện tốt ở những khu vực canh tác lúa 2 vụ/năm, đáp ứng tốt điều kiện khi tham gia mô hình trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính.
Tuy nhiên, hạn chế hiện nay của các HTX khi tiến đến mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính là lượng lúa giống sử dụng trong gieo sạ còn cao, chưa đạt tiêu chí về mức 80kg/ha. Thực trạng đốt rơm rạ vẫn còn diễn ra ở những vùng canh tác lúa 3 vụ/năm, nhất là thời điểm thu hoạch lúa vào mùa mưa. Hơn nữa, sau khi Dự án VnSAT kết thúc vào năm 2022, việc ghi chép nhật ký sản xuất đã không còn được bà con nông dân duy trì, điều này gây khó khăn trong việc kiểm chứng thực hành sản xuất.
Đặc biệt, ông Phương cho rằng, hiện một bộ phận cán bộ khuyến nông cơ sở, cộng tác viên mảng trồng trọt, bảo vệ thực vật, HTX và bà con nông dân trong tỉnh vẫn chưa nắm vững cũng như tiếp cận thông tin, lợi ích khi tham gia Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.
Vì thế, để Đề án thật sự tạo sự lan tỏa mạnh tới bà con nông dân trong tỉnh Sóc Trăng, ông Phương đề nghị ngành nông nghiệp các địa phương trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, khắc phục những hạn chế ngay từ vụ hè thu 2023, đặc biệt, hỗ trợ nông dân thực hành ghi chép sổ nhật ký sản xuất, giúp tỉnh Sóc Trăng cùng với các địa phương trong vùng hướng đến nền sản xuất lúa giảm phát thải trong thời gian tới.
Dự thảo Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” đã trải qua nhiều hội thảo tham vấn ý kiến của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL.
Với mục tiêu tổng quát là hình thành và phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa tập trung quy mô lớn, chất lượng cao. Qua đó, góp phần chuyển đổi toàn diện ngành hàng lúa gạo, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính theo đúng cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.