| Hotline: 0983.970.780

Thủy lợi Ia Mơr đánh thức đại ngàn [Bài 3]: Chống hạn cho hàng vạn hecta

Thứ Sáu 09/02/2024 , 08:40 (GMT+7)

Đại công trình thủy lợi Ia Mơr ngày càng phát huy hiệu quả vùng tưới cho hàng ngàn ha đất nông nghiệp của hai tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk.

Hàng nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp được hưởng lợi

Khoảng 20 năm trước, Dự án hồ chứa nước Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư nhằm phát triển vùng trọng điểm nông nghiệp khu vực biên giới của 2 tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk, góp phần giải quyết vấn đề lương thực và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng biên giới Tây Nam. 

Đại công trình thủy lợi Ia Mơr đang phát huy hiệu quả vùng tưới cho hàng ngàn ha đất nông nghiệp. Ảnh: Đăng Lâm.

Đại công trình thủy lợi Ia Mơr đang phát huy hiệu quả vùng tưới cho hàng ngàn ha đất nông nghiệp. Ảnh: Đăng Lâm.

Sau đó, Dự án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định, Thủ tướng thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Năm 2005, Bộ NN-PTNT phê duyệt dự án hồ chứa nước Ia Mơr với tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Dự án được phân kỳ đầu tư trong 2 giai đoạn, gồm hợp phần công trình hồ chứa Plei Pai, đập dâng Ia Lốp và cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Ia Mơr.

Dự kiến, khi hoàn thành, hồ thủy lợi này sẽ tạo nguồn cấp tưới cho hơn 14.000ha đất nông nghiệp của tỉnh Gia Lai và 4.000ha đất nông nghiệp tỉnh Đăk Lăk. Với quy mô và tầm vóc đó, đây được ví là "đại thủy nông" giữa đại ngàn Tây Nguyên.

Theo Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 8 (Bộ NN-PTNT), giai đoạn 1, thủy lợi Ia Mơr đã hoàn thành các hạng mục hồ chứa nước Plei Pal, đập dâng Ia Lốp và cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Ia Mơr.

Trong đó, hồ chứa nước Plei Pal có dung tích chứa nước 20,9 triệu m3, với năng lực tưới 780ha và chống hạn cho 620ha của công trình thủy lợi Ia Lâu. Đập dâng Ia Lốp đang phục vụ nguồn nước tưới cho khoảng 970ha thuộc xã Ia Lâu và Ia Piơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).

Trong khi đó, phần hồ chứa Ia Mơr đã hoàn thành cụm đầu mối, có dung tích hồ chứa hơn 177 triệu m3, đáp ứng năng lực tưới cho hơn 12,5 nghìn ha. Hạng mục kênh chính dài 0,6km cấp nước cho hệ thồng kênh bơm, kênh chính đông, kênh chính tây. Hạng mục kênh bơm dài 5,8km đã hoàn thành đảm bảo năng lực tưới cho 620ha.

Giai đoạn 2 từ 2016-2020, hồ chứa nước Ia Mơr đã hoàn thành kênh chính đông dài hơn 35km, đủ năng lực tưới cho hơn 7.700ha. Kênh chính tây dài hơn 13km, đủ năng lực tưới cho gần 4.000ha. Cùng với đó là một số kênh nhánh dài 52km đến mặt ruộng, cấp nước trực tiếp cho hơn 4.700ha (gồm hơn 700ha trên địa bàn Gia Lai và 4.000 trên địa bàn Đăk Lăk).

Trong trung hạn 2021-2025, dự kiến dự án sẽ tiếp tục đầu tư các kênh nhánh đến mặt ruộng để phục vụ tưới cho gần 2.500ha trên địa bàn huyện Chư Prông.

Tuyến kênh dẫn nước vào đồng ruộng. Ảnh: Tuấn Anh.

Tuyến kênh dẫn nước vào đồng ruộng. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo UBND tỉnh Gia Lai, khu tưới của hồ thủy lợi Ia Mơr như phê duyệt ban đầu còn khoảng 4.757 ha là đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên cần phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng khu tưới và xây dựng hệ thống kênh cấp dưới.

Diện tích này phần lớn nằm phía cuối kênh chính tây và xen kẽ giữa kênh chính đông và kênh chính tây. Hiện trạng thực tế là rừng tự nhiên nghèo kiệt lâu năm. Tuy nhiên, diện tích này không chuyển mục đích sử dụng để làm khu tưới được, nguyên nhân là do cơ chế chính sách thay đổi.

Trong trường hợp không chuyển đổi được mục đích rừng thuộc khu tưới sẽ tiếp tục nghiên cứu báo cáo điều chỉnh khu tưới dự án, mở rộng ra 2 phía với gần 4.000ha thuộc xã Ia Mơr và đất nông nghiệp xã Ia Piơr. Đây là phần đất thuộc quản lý của các công ty cao su: Chư Sê, Chư Păh… trên đất chủ yếu là cây cao su kém phát triển và đất trống. Dự kiến sẽ xây dựng trạm bơm và đường ống đến khu tưới.

Ngoài ra, có thể rà soát tưới tối đa cho diện tích đất nông nghiệp hiện có của tỉnh Gia Lai, phần còn lại sẽ chuyển sang Đăk Lăk. Như vậy, nhu cầu cấp nước của dự án là rất lớn. Qua tính toán, tổng diện tích đất cần sử dụng lên hơn 16.000ha, chưa kể phần diện tích thuộc đất rừng.

Đảm bảo vùng tưới, không đụng đến rừng

Hiện nay, tuyến đường tỉnh lộ 665 đi vào khu vực công trình đã được đầu tư nâng cấp, kết hợp với hệ thống hồ chứa nước Ia Mơr từng bước thúc đẩy phát triển cho vùng Ia Mơ về sản xuất nông nghiệp, vận chuyển hàng hóa nông sản đến các vùng lân cận và thị trường trong nước. Bên cạnh đó, hồ thủy lợi Ia Mơr có tiềm năng phát triển về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, từ đó tạo đà phát triển của địa phương vượt bậc trong tương lai gần.

Tuy nhiên, theo thiết kế, diện tích vùng tưới của hồ thủy lợi Ia Mơr tại Gia Lai tổng cộng là 8.500ha, phần diện tích vùng tưới còn thiếu so với thiết kế hơn 4.800ha, trong đó hơn 4.700ha đất lâm nghiệp.

Chủ trương của tỉnh Gia Lai hiện nay là không chuyển đổi rừng sang làm vùng tưới. Tỉnh Gia Lai cũng đã đề nghị Bộ NN-PTNT trình cấp có thẩm quyền chuyển vùng tưới sang các diện tích khác không ảnh hưởng đến diện tích đất có rừng tự nhiên mà vẫn đảm bảo vùng tưới cho dự án.

Sừng sững thân đập hồ thủy lợi Ia Mơr. Ảnh: Tuấn Anh.

Sừng sững thân đập hồ thủy lợi Ia Mơr. Ảnh: Tuấn Anh.

Được biết, tỉnh Gia Lai đã đề nghị xin chuyển đổi 12.000ha rừng cao su (diện tích này trước đây nằm trong dự án chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo sang trồng cao su) kém phát triển, không phù hợp thổ nhưỡng ở quanh khu vực hồ chứa Ia Mơr thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Nếu được đồng ý, hồ thủy lợi Ia Mơr sẽ được thiết kế để phục vụ cho diện tích này.

Bên cạnh đó, hồ thủy lợi Ia Mơr cũng có thể phục vụ cho hàng ngàn ha đấy nông nghiệp của người dân ở khu vực xung quanh vùng tưới của dự án. Ngoài ra, tỉnh Đăk Lăk cũng đang xin cung cấp nước từ dự án thủy lợi Ia Mơr cho thêm khoảng 3.0000ha. Việc này chỉ cần đầu tư xây dựng thêm hệ thống kênh dẫn nước. Hiện Bộ NN-PTNN đang giao cho Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 8 và UBND tỉnh Đăk Lăk nghiên cứu vùng tưới này.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, đến thời điểm hiện tại, riêng xã Ia Mơ có gần 1.500ha cây trồng đang nhận nguồn nước từ công trình thủy lợi Ia Mơr. Đến khoảng cuối năm 2025 sẽ có thêm khoảng gần 2.500ha nữa được “ăn” nước từ công trình thủy lợi Ia Mơr.

Liên quan đến việc chuyển đổi đất rừng làm vùng tưới, ông Nghĩa cho biết, tỉnh đã thống nhất giữ lại toàn bộ diện tích hơn 4.700ha đất rừng để thực hiện tái sinh, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, công trình thủy lợi Ia Mơr vẫn phải triển khai theo thiết kế ban đầu để đảm bảo nguồn nước tưới cho 8.500ha.

Riêng hợp phần hồ chứa nước Plei Pal - Ia Lốp phục vụ nước tưới cho gần 2.400ha hiện đã khai thác rất hiệu quả về mặt kinh tế cũng như xã hội. Hợp phần hồ chứa nước này cũng tạo ra môi trường sinh thái rất tốt, biến vùng khô cằn trở nên tươi tốt hơn.

Còn hồ chứa nước Ia Mơr đã phục vụ vùng tưới với diện tích gần 1.500ha và sẽ mở rộng vùng tưới thêm 2.500ha vào giai đoạn 2021-2025.

Hiện nay, các vùng đất nông nghiệp không lên quan đến đất rừng có diện tích khoảng 1.500ha người dân đang sản xuất thì sẽ thực hiện làm hệ thống kênh tại đây. Như vậy, vùng tưới của công trình còn thiếu khoảng trên 3.000ha.

“Những vùng đất nông nghiệp gần khu vực lòng hồ thì chúng ta thực hiện tưới tạo nguồn sẽ rất có hiệu quả. Đồng thời, chúng ta thiết kế 7 cụm dân cư bám sát vùng tưới. Như vậy sẽ giải quyết được bài toán cánh đồng cho thủy lợi Ia Mơr, giúp phát triển kinh tế vùng biên giới, ổn định đời sống người dân khu vực vùng sâu, vùng xa”, ông Nghĩa nói và khẳng định, phương châm sống còn là đảm bảo đủ diện tích 8.500ha cho vùng tưới, nhưng tuyệt đối không đụng đến một cây rừng nào.

Mới đây, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản gửi Bộ NN-PTNT đề xuất điều chỉnh, xây dựng vùng tưới dự án hồ chứa nước Ia Mơr. Với phần diện tích vùng tưới còn thiếu so với thiết kế là 4.898ha, trong đó có 4.757ha đất lâm nghiệp, tỉnh Gia Lai đề xuất chuyển đổi vùng tưới. Theo đó, có trên 1.200ha đất nông nghiệp của người dân đang sản xuất lúa nước gồm 370ha (địa phận xã Ia Mơr); mở rộng vùng tưới sang diện tích 863ha đất nông nghiệp (thuộc địa phận các xã Ia Mơr và xã Ia Piơr). Diện tích còn lại khoảng hơn 3.660ha, tỉnh Gia Lai đề xuất đầu tư tạo nguồn đến sát khu tưới thuộc diện tích cây cao su kém phát triển để chuyển đổi cây trồng khác của các doanh nghiệp gồm: Diện tích của Công ty TNHH MTV Tổng Công ty 15 khoảng 1.000ha; Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh là 1.500ha và Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê là hơn 1.160 ha.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT tiếp nhận 25 tổ chức Đảng, gần 1.000 đảng viên

Chiều 5/12, Đảng ủy Khối và Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức lễ chuyển giao và tiếp nhận 25 tổ chức Đảng và 986 đảng viên về trực thuộc Đảng bộ.

Hợp tác báo chí - khoa học tăng cường an toàn thực phẩm

Những thách thức trong truyền thông về an toàn thực phẩm đã tạo ra không gian trao đổi sôi nổi giữa các nhà báo, nhà khoa học và đại diện cộng đồng.

Làng hoa An Lạc chong đèn phục vụ thị trường Tết

Quảng Trị Năm nay, làng hoa An Lạc tăng khoảng 20% diện tích. Những ngày đầu tháng 11 âm lịch, làng hoa đỏ đèn suốt đêm để điều tiết hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán.