LTS: Đại ngàn Tây Nguyên là nơi khởi thủy của nhiều dòng sông, nhưng vẫn có những bản làng khô khát. Ở vùng đất màu mỡ này, cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám đồng bào. Nhắc đến Tây Nguyên là nhắc đến những chữ “khó”, và một trong những cái khó lớn nhất là chưa chủ động nguồn nước do mạng lưới công trình thủy lợi mới chỉ phục vụ tưới được khoảng 28% diện tích canh tác toàn vùng.
Có lẽ, niềm vui lớn nhất của bà con vùng biên giới thuộc huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) và huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) là được nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi Ia Mơ với tổng dung tích trữ (hai hồ chứa Ia Mơr và Plei Pai) lên tới gần 200 triệu m3 nước, cấp nguồn phục vụ tưới cho hàng chục ngàn ha.
Đó không chỉ là quyết tâm hồi sinh những vùng đất khát mà còn là khát vọng mang đến cuộc sống ấm no để cư dân vùng biên trụ vững trên cương thổ quốc gia. Những ngày cận tết, nhóm phóng viên của Báo Nông nghiệp Việt Nam, men theo dòng nước mát trong chảy từ hồ Ia Mơr để ghi chép về những “chuyện như không tưởng” từ khi nhà nước đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu.
Chuyện như... không tưởng
Tiếp và làm việc với chúng tôi những ngày giáp Tết là anh Nguyên Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã biên giới Ia Mơ (thuộc huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai). Hỏi về chuyện trong xã, Tuấn Anh nói cứ như... chuyện của nhà mình vậy, thậm chí nói đến từng con số lẻ mà chẳng cần sổ sách gì cả.
Với diện tích tự nhiên trên 43 ngàn ha, xã Ia Mơ được chia thành 6 thôn làng, gồm 5 làng người dân tộc J’rai bản địa và một làng thanh niên lập nghiệp. Cả xã có 738 hộ với 3.165 nhân khẩu (trên 500 hộ là người J’rai).
“Trước kia, khi chưa có công trình thủy lợi Ia Mơr thì xã Ia Mơ là vùng đất khô khát, nắng nóng về mùa khô và ngập ngụa sình lầy bùn đỏ vào mùa mưa. Hồi đó đi từ trung tâm huyện vào đến xã, có mấy chục cây số nhưng nếu là mùa mưa thì phải mất cả buổi”, Tuấn Anh nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch xã Nguyễn Tuấn Anh thì trước đây, cây trồng chủ lực của xã là điều, sắn và lúa rẫy, năng suất bấp bênh do gần như chỉ lệ thuộc vào thời tiết mỗi năm. Theo đó, miếng ăn cũng do... ông trời quyết định.
Còn bây giờ, từ thành phố Pleiku, vượt gần trăm cây số, chỉ mất độ tiếng rưỡi, trên con đường nhựa phẳng lỳ. Từ ngày có công trình thủy lợi Ia Mơr thì giao thông đi lại thuận tiện hơn, đồng ruộng được mở mang. Tính đến thời điểm hiện tại thì diện tích gieo trồng của toàn xã Ia Mơ có trên 1.000 ha. Trong đó lúa nước có 300 ha, cây điều 500 ha, còn trên 200 ha là các loại cây trồng khác như ngô, sắn, khoai đậu đỗ các loại...
Điều đáng nói là trên 1.000 ha này đều được “ăn” nước từ công trình thủy lợi Ia Mơr, chưa kể nhiều diện tích nương rẫy khác chưa thống kê hết. Nếu như trước kia, chỉ có vài mảnh ruộng tận dụng nước trời ở mấy cái thung sâu, còn lại là lúa rẫy bấp bênh thì bây giờ, cả 300 ha lúa ở đây đều được nhận nguồn nước dồi dào từ thủy lợi Ia Mơr...
Đến Ia Mơr hôm nay, không còn thấy cái cảnh từng đàn trâu bò chui vào trong rừng khộp tránh nắng, mồm ngáp dài bởi cơn đói và khát hành hạ vì ở ngoài kia, mênh mang đồng cỏ đang bị cái nắng của mùa khô Tây Nguyên thiêu rụi. Đàn bò trên 2 ngàn con toàn xã bây giờ, con nào cũng nung núc béo tốt nhờ có cỏ, có rơm rạ và có nước quanh năm.
Đến Ia Mơr hôm nay là chằng chịt những con kênh dẫn nước từ thủy lợi Ia Mơr, vào tưới cho những cánh đồng lúa nước ngát xanh đến ngút tầm mắt; là những con đường nhựa, đường bê tông ngay thẳng dẫn vào những buôn làng sầm uất, trù phú. Cảnh này, cứ như chuyện... không tưởng với khoảng dăm năm trước đây thôi.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, ông Từ Ngọc Thông, cho biết: Không thể phủ nhận hiệu quả to lớn từ công trình thủy lợi Ia Mơr mang đến cho bà con ở xã biên giới Ia Mơ này. Đó là ngút ngàn những cánh đồng lúa nước, là ngát xanh những cánh đồng sắn, cánh đồng ngô. “Đời sống khấm khá, bộ mặt nông thôn cũng đổi thay từng ngày, khái niệm ‘nông thôn mới’ không còn xa lạ với xã vùng biên Ia Mơ này nữa”, ông Thông chia sẻ.
Niềm vui mang tên... lúa 3 vụ
Phó Chủ tịch xã Nguyễn Tuấn Anh đưa chúng tôi đến cánh đồng lúa nước của làng Klăh. “Ở đây, bà con đang thu hoạch lúa, đông vui lắm!”, Tuấn Anh nói. Nhưng khi ra đến nơi, cánh đồng rộng mênh mông chỉ còn trơ lại... gốc rạ. Đang cắm cúi dọn bờ dưới ruộng, lão nông Rơ Mah Him ngẩng đầu lên giải thích: “Tranh thủ để còn kịp làm vụ ba nữa chứ”.
Ông Rơ Mah Him ở làng Klăh. Gia đình có 5 sào ruộng lúa nước. Mọi năm gia đình ông chỉ làm 2 vụ, mỗi vụ thu về gần 4 tấn lúa. Năm nay, ông quyết định làm thêm vụ thứ 3.
“Năm ngoái thấy có mấy nhà trong làng làm vụ ba hiệu quả cao, năm nay mình bắt chước làm theo. Tận dụng nguồn nước chứ, bỏ tiếc lắm!”, ông Him nói trong nụ cười móm mém.
Cũng ở làng Klăh này, gia đình Rơ Mah Tuyt có 7 sào lúa nước. “Vợ chồng mình không có con, làm hai vụ lúa mỗi năm đã ăn không hết. Nhưng mình vẫn tranh thủ nguồn nước để làm thêm vụ thứ ba. Không ăn hết thì bán lúa, lấy tiền làm việc khác”, Rơ Mah Tuyt nói.
Sil Thọ là Bí thư chi bộ, kiêm thôn trưởng của làng Klăh. Còn rất trẻ tuổi, nhưng niềm đam mê đồng ruộng của Thọ cũng không hề kém những lão nông trong làng. Bằng chứng là tuy đã hết việc đồng áng, nhưng Thọ vẫn bám đồng cùng người dân trong làng. Thọ cho biết: Làng Klăh có 184 hộ với 688 nhân khẩu, toàn bộ là người J’rai.
“Từ khi có nước từ công trình thủy lợi Ia Mơr, đời sống vật chất của dân làng khá lên trông thấy nhờ làm được lúa nước hai vụ, chưa kể các loại cây trồng khác, chưa kể phát triển chăn nuôi. Hai năm trở lại đây, một số bà con đã tận dụng nguồn nước dồi dào, làm thêm lúa vụ thứ ba”, Thọ cho biết.
Cũng theo trưởng thôn Sil Thọ thì, do đất mới được khai hoang nên rất tốt. Thêm vào đó là ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật canh tác, rồi giúp bà con tuyển chọn giống tốt nên cây lúa cắm xuống, cứ vươn lên xanh tốt bời bời.
Còn Phó Chủ tịch xã Nguyễn Tuấn Anh thì không giấu nổi niềm vui: “Đời sống kinh tế của bà con trong xã khá hẳn lên nhờ nguồn nước từ thủy lợi Ia Mơr. Từ ngày có nước, đã thỏa mong đợi của địa phương trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Cánh đồng lúa mẫu 10 ha ở làng Klăh vụ vừa rồi cho năng suất 9 tấn lúa tươi/ha, ngoài sự mong đợi của bà con. Mô hình 10 ha lúa mẫu của làng Klăh đã lan tỏa ra toàn xã, hiện 70 ha lúa nước của làng Klăh đang được bà con canh tác hai đến ba vụ mỗi năm”.
Tuấn Anh đưa chúng tôi đi một vòng quanh xã. Tuy đang là mùa khô Tây Nguyên, nhưng đâu đâu cũng ngút ngàn những đồng lúa, ruộng ngô xanh tốt, đâu đâu cũng có thể bắt gặp những gương mặt hoan hỷ bởi ruộng lúa nước 2- 3 vụ đã thực sự làm thay đổi cuộc sống, thay đổi diện mạo cho người dân vùng biên này.
Trên kia, thân đập của công trình thủy lợi Ia Mơr sừng sững. Đang là mùa khô, nhưng lòng hồ vẫn luôn đầy nước mà từ đây, nước theo những tuyến kênh như những cánh tay nối dài, dạt dào tuôn chảy vào đồng ruộng.
Dự án hồ chứa nước Ia Mơr có mục tiêu đảm bảo sản xuất, ổn định đời sống nhân dân khu vực 3 xã biên giới giáp Campuchia thuộc 2 tỉnh Gia Lai (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) và Đăk Lăk (xã Ia lốp và xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp). Qua đó, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai vùng dự án, biến nơi đây thành vùng trọng điểm nông nghiệp, góp phần giải quyết vấn đề lương thực cho Gia Lai, Đăk Lăk nói riêng và Tây Nguyên nói chung và ổn định an ninh, quốc phòng vùng biên giới Tây Nam.
Cấp nước tưới 14.347 ha đất canh tác gồm: hồ chứa Ia Mơr tưới 8.500 ha (khu vực Gia Lai), 4000 ha (khu vực Đăk Lăk); Hồ Plei Pai 877 ha (đất lúa 2 vụ 450ha, đất màu và cây công nghiệp 427ha); đập Ia Lốp 970ha (đất lúa 2 vụ 720ha, đất màu và cây công nghiệp 250 ha); Cấp nước sinh hoạt cho 50.000 người, kết hợp giảm lũ cho hạ du, phát điện, giao thông nông thôn và nuôi trồng thủy sản.
Quy mô xây dựng: Hồ chứa Ia Mơr dung tích 177,8 triệu m3, hồ chứa Plei Pai dung tích 20,9 triệu m3, đập dâng Ia Lốp và hệ thống kênh với tổng chiều dài 110 km để cấp nước tưới và các yêu cầu dùng nước vùng dự án.