Nhắc đến cây nho, mọi người sẽ nghĩ ngay đến “thủ phủ” Ninh Thuận, Bình Thuận, bởi đây được xem là đặc sản của vùng đất này. Thế nhưng, với đam mê trồng trọt, nhất là mang những giống cây mới về trồng trên mảnh đất quê hương nên chị Hồ Thị Phùng Hân, Chủ tịch HĐQT Donasa Farm đã mạnh dạn đầu tư vào trồng nho. Điểm đặc biệt giống nho chị đang trồng là những giống nho Nhật đang thịnh hành tại Việt Nam như mẫu đơn, ngọc trai đen, nho xanh, nho hồng ngọc…
Đến thăm Donasa Farm những ngày này, chúng tôi thỏa mắt với vườn nho xanh mướt được tưới mát từ nguồn nước hồ thủy lợi Cầu Mới. Trang trại của chị Hân rộng hơn 45 ha, được chia làm nhiều khu vực, trong đó có hai khu vực rộng gần 1 ha, chị dành riêng để trồng giống nho Nhật Bản. Một bên là khu trồng nho thực nghiệm, nhân giống và bên còn lại trồng nho thu thành phẩm. Hiện vườn nho thực nghiệm đang đến thời vụ thu hoạch còn vườn nho thành phẩm đã có quả sai trĩu cành, dự kiến sẽ thu hoạch trong khoảng 1 tháng tới đúng thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Chia sẻ ý tưởng trồng nho Nhật Bản, chị Hân cho biết, trong một chuyến du lịch sang Nhật Bản, chị vô tình được thưởng thức trái nho có hương vị rất đặc biệt. Giống nho Nhật Bản có vị thơm, ngọt thanh, giòn, dẻo rất khác biệt với nho nội địa chị từng ăn. Tìm hiểu trên các thông tin mạng, chị Hân thấy có chương trình nói về phát triển cây nho theo hướng hiện đại ở vùng đất Bình Thuận nên đã nhanh chóng nhờ người kết nối, liên hệ với Sở NN-PTNT tỉnh này để học hỏi cách chăm sóc, nghiên cứu sâu hơn về cây nho.
Sau khi có kiến thức, chị Hân bay sang Nhật để tìm hiểu thêm về giống nho này và mua 6 loại nho “đặc sản” gồm mẫu đơn, ngọc trai đen, nho xanh, nho hồng ngọc,… đưa về trồng thử nghiệm tại Đồng Nai. “Tôi thấy thị trường đang rất ưa chuộng loại nho này vì nó có hương thơm, độ dẻo và có vị ngọt đặc biệt nên nhiều người rất thích. Hơn nữa, phân khúc nho Nhật Bản tại thị trường Việt Nam còn tương đối ít nên đầu ra ổn định và có giá thành cao hơn các loại nho khác từ đó tôi mạnh dạn đầu tư”, chị Hân chia sẻ.
Tuy nhiên, do thổ nhưỡng và khí hậu khác biệt với Nhật Bản nên bước đầu trồng nho rất khó khăn, cây yếu, dễ bị bệnh. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu tiên cây chậm phát triển, chết dần khiến chị Hân rất trăn trở và lo lắng. Tuy nhiên, không chịu khuất phục, quyết tâm đầu tư nghiên cứu để nho phát triển, thích ứng với thổ nhưỡng ở Việt Nam, chị đã “đặt hàng” các kỹ sư, chuyên gia hỗ trợ khảo sát tìm kiếm vùng trồng. Sau khi thực địa nhiều vùng đất, thấy chỉ có khu đất ở xã Long Phước, huyện Long Thành khá tương thích với nho Nhật Bản và qua tham khảo ý kiến của các chuyên gia, chị quyết định xây dựng Donasa Farm tại đây.
Anh Nại Thanh Nhàn, nguyên cán bộ Viện nghiên cứu cây bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố, hiện là phụ trách kỹ thuật Donasa Farm cũng cho rằng, lợi thế lớn nhất ở đây là nguồn nước sạch, chưa kể nhờ thừa hưởng hơi nước từ hồ tạo nên tiểu khí hậu mát mẻ quanh năm rất thích hợp để trồng nho Nhật. “Nhằm giữ an toàn sản phẩm và không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh cho mặt nước, Farm được đầu tư theo hướng hữu cơ nhằm phát triển nông nghiệp xanh bền vững. Chúng tôi không sử dụng phân thuốc hóa học mà chỉ sử dụng phân hữu cơ để giúp rễ cây phát triển khỏe mạnh và sử những dòng nấm cùng một số dòng chế phẩm sinh học để kìm chế sâu bệnh phát triển”, anh Nhàn chia sẻ.
Hiện vườn nho của Donasa Farm đang trong giai đoạn đầu phát triển ổn định, cây không chênh lệch nhiều so với nho bản địa, ước tính vườn cho năng suất trung bình khoảng từ 1,5 tấn – 2 tấn/1.000m2. Mỗi kg nho Nhật Bản bán ra có giá dao động từ 300.000– gần 500.000 đồng hứa hẹn sẽ đem lại doanh thu cho Farm hàng tỷ đồng trong thời gian tới.
“Diện tích xung quanh hồ Cầu Mới khá lớn, nhiều bà con quanh khu vực sản xuất này đều có kiến thức về nông nghiệp, bước đầu chúng tôi thuê bà con làm công nhân để họ tiếp cận về kỹ thuật canh tác nho.Tiếp đó Farm sẽ cùng bà con phát triển vùng nguyên liệu, từng bước xây dựng thành mô hình điểm về cây đặc sản Đồng Nai”, chị Hân chia sẻ.
Đánh giá về vườn nho Nhật Bản, ông Trương Tấn Lộc, chuyên viên phòng NN-PTNT huyện Long Thành cho biết: Ở huyện Long Thành nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung, nhiều năm qua bà con nông dân ngoài trồng các giống cây nội địa còn thường xuyên thử sức với cây ăn trái ngoại nhập như nho Nhật Bản, táo Úc, mận Úc… Trong đó, vườn nho Nhật Bản nằm cạnh hồ thủy lợi Cầu Mới của Donasa Farm do chị Hồ Thị Phùng Hân đầu tư được xem là mô hình trồng cây ăn trái ngoại nhập điển hình, cho hiệu quả kinh tế cao; đồng thời cũng mở ra những hướng mới về liên kết phát triển kinh tế bền vững…
“UBND huyện Long Thành cùng các đơn vị chức năng đã tích cực hỗ trợ cho vườn nho của Donasa Farm về kỹ thuật canh tác, quy trình phòng chống sâu bệnh hại cũng như những cảnh báo về thời tiết khí hậu, mực nước hồ. Chúng tôi đánh giá đây là một mô hình có nhiều tiềm năng và mang lại hiệu quả kinh tế, địa phương cũng có chủ trương hỗ trợ nhân rộng mô hình nếu người dân có nhu cầu”, ông Trương Tấn Lộc cho biết.