| Hotline: 0983.970.780

Xuân Lộc – ‘Thủ phủ’ mới của chăn nuôi công nghiệp ở Đồng Nai

Chủ Nhật 27/11/2022 , 15:15 (GMT+7)

Từ nuôi bò chăn thả quy mô nhỏ lẻ, người dân huyện Xuân Lộc đã chuyển sang nuôi bò công nghiệp, bán công nghiệp tuần hoàn khép kín nâng cao chuỗi giá trị.

"Thiên đường" chăn nuôi bò

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, tuy Đồng Nai là “thủ phủ” chăn nuôi heo, gà, còn chăn nuôi đại gia súc chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong ngành chăn nuôi nhưng phát triển chăn nuôi bò đang được nhiều địa phương khuyến khích nhân rộng. Hiện tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh đạt hơn 87 ngàn con. Sản lượng thịt bò cung cấp ra thị trường đạt gần 4 ngàn tấn/năm. Trong đó, mô hình nuôi bò vỗ béo theo quy mô công nghiệp, bán công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn.

Trang trại bò quy mô lớn liên tục mọc lên tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Trần Trung.

Trang trại bò quy mô lớn liên tục mọc lên tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Trần Trung.

Mô hình chăn nuôi này chủ yếu tập trung tại huyện Xuân Lộc và Cẩm Mỹ. Theo đó, hầu hết các trang trại đã tận dụng tốt các phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm nguyên liệu chế biến thức ăn đại gia súc cung cấp cho các trang trại nuôi bò quy mô lớn, mang lại lợi nhuận cao, ổn định cho người chăn nuôi.

Bà Lê Thị Hiệp, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Xuân Lộc cho biết, địa phương có những vùng chuyên canh trồng bắp, trồng mì lớn nên dồi dào nguồn nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi... Ngoài ra, nuôi đại gia súc cho hiệu quả kinh tế tốt hơn so với phát triển trồng trọt.

Thị trường tiêu thụ của thịt bò lại khá ổn định, tình hình dịch bệnh cũng không phức tạp như chăn nuôi heo, gà nên một số nông dân nuôi heo bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi trên địa bàn huyện đã chuyển sang nuôi bò. Trong đó, nhiều nông dân nuôi bò thả đồng đã bỏ vốn lớn đầu tư chuồng trại theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp tận dụng nguồn phế thải từ trồng trọt sản xuất thức ăn chăn nuôi để giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Nuôi bò vỗ béo có hiệu quả kinh tế gấp 3 lần so với mô hình nuôi bò đẻ. Ảnh: Trần Trung.

Nuôi bò vỗ béo có hiệu quả kinh tế gấp 3 lần so với mô hình nuôi bò đẻ. Ảnh: Trần Trung.

Ông Thái Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc cho biết thêm: “Nuôi bò vỗ béo có hiệu quả kinh tế gấp 3 lần so với mô hình nuôi bò đẻ. Nhiều hộ chăn nuôi tại địa phương đã chuyển hướng theo mô hình này vì nó phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương. Xã đang vận động bà con thành lập tổ hợp tác chăn nuôi để cùng nhau nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả này”.

“Tổng đàn bò nuôi trên địa bàn huyện đạt gần 20 ngàn con. Địa phương đang khuyến khích nhân rộng mô hình nuôi bò tuần hoàn khéo kín, nhất là sau khi dịch tả heo châu Phi gây ảnh hưởng nặng nề đến chăn nuôi heo và dịch cúm gia cầm trên đàn gà”, bà Hiệp nhấn mạnh.

Chắp cánh nuôi bò tập trung

Theo Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở NN-PTNT Đồng Nai), huyện Xuân Lộc hiện đã “soán ngôi” huyện Thống Nhất và trở thành “thủ phủ” mới của chăn nuôi Đồng Nai. Ngành chăn nuôi của địa phương này đang phát triển theo hướng chăn nuôi hiện đại và mô hình công nghiệp quy mô lớn. Huyện cũng thu hút được nhiều dự án chăn nuôi bò ứng dụng công nghệ cao.

Cơ giới hóa cùng các trang thiết bị tiên tiến hiện đại được sử dụng nhiều trong các trang trại bò tập trung. Ảnh: Minh Sáng.

Cơ giới hóa cùng các trang thiết bị tiên tiến hiện đại được sử dụng nhiều trong các trang trại bò tập trung. Ảnh: Minh Sáng.

Để chắp cánh cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững, huyện Xuân Lộc cũng đã xây dựng dự án "Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững" gắn với NTM đến năm 2025. Theo đó,  tổng nhu cầu vốn thực hiện dự kiến khoảng 28.270 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách là 3.824 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển xã hội là 24.446 tỷ đồng.

Để thực hiện đề án trên, các sản phẩm nông nghiệp sẽ được sản xuất trên quy mô, khối lượng hàng hóa lớn, nằm trong quy hoạch, có các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đối với sản phẩm chủ lực.

Bò vỗ béo đang là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao tại Đồng Nai. Ảnh: Trần Trung.

Bò vỗ béo đang là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao tại Đồng Nai. Ảnh: Trần Trung.

Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đồng bộ, đáp ứng hiệu quả nhu cầu sản xuất, tiêu thụ và kết nối nội vùng, liên vùng; tổ chức sản xuất tốt, hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm giữa tổ chức của nông dân với doanh nghiệp.

Xem thêm
Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.