Cân bằng giữa khai thác và bảo tồn
Hiện, tổng số tàu cá của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 4.345, trong đó tàu hoạt động vùng khơi là 2.623 tàu, vùng lộng 610 tàu và vùng ven bờ là 1.112 tàu. Thời gian gần đây, sản lượng đánh bắt đang giảm đi trông thấy. Nguyên nhân được cho là khu vực đánh bắt bị hạn chế hơn và nguồn thủy sản đang cạn kiệt.
Có thể nói, "thẻ vàng" IUU là dịp để các địa phương có biển như Bà Rịa - Vũng Tàu kịp nhìn nhận lại hướng phát triển thủy sản của mình. Đó là minh chứng rõ ràng nhất của việc phát triển không hài hòa nếu chỉ đặt nặng vào khai thác.
Ông Huỳnh Sơn Thái, Giám đốc Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, tỉnh đã thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển đội tàu khai thác xa bờ, thực hiện cơ cấu, tổ chức sắp xếp lại tàu thuyền theo hướng giảm nghề lưới kéo theo quy hoạch.
“Ngành nông nghiệp cũng đã chủ động tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho ngư dân khi đánh bắt thủy sản và theo hướng bền vững. Ngư dân cũng được đào tạo nghề, hỗ trợ, khuyến khích để chuyển đổi nghề từ giã cào sang lưới rê, lưới vây, câu mực…”, ông Thái trao đổi.
Để bảo đảm nguồn hải sản khai thác hợp pháp, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho bà con ngư dân trong công tác chống khai thác IUU được cả hệ thống chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chú trọng đẩy mạnh. Từ năm 2022 đến nay, không có tàu cá nào của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài. Tỷ lệ tàu cá gắn thiết bị giám sát hành trình và ghi nhật ký khai thác đạt trên 97%.
Trung tá Hoàng Minh Đức, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bến Đá, cho hay, các ngư dân buộc phải chấp hành mệnh lệnh của các lực lượng Biên phòng, Kiểm ngư về giấy tờ đầy đủ, chỉ được đánh bắt vùng biển của mình, tuân thủ các quy định của Nhà nước đưa ra.
“Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với làm tốt công tác vận động quần chúng, công tác kiểm soát tàu cá, thì nhận thức của bà con ngư dân khi khai thác trên biển không vi phạm vùng biển nước ngoài đã được nâng cao rõ rệt”, Trung tá Hoàng Minh Đức chia sẻ.
Hiệp hội Thủy sản tỉnh đang kiến nghị sẽ áp dụng thời gian cấm biển theo từng khu vực để nguồn lợi thủy sản được bảo vệ và kịp hồi sinh.
“Xoay trục” sang nuôi trồng
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, tỉnh đang phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia và ngành thủy sản đóng vai trò quan trọng.
Mục tiêu của tỉnh là tái cơ cấu khai thác và nuôi trồng thủy sản, không đặt mục tiêu về tăng sản lượng mà chủ yếu nâng cao chất lượng sản phẩm. Tỉnh tập trung vào nuôi trồng thủy sản, nhất là theo hướng nuôi trồng hữu cơ, sinh thái bền vững, hiệu quả và phát triển mạnh nuôi biển…
Do đó, có thể nói, Bà Rịa - Vũng Tàu đang "xoay trục" sang nuôi trồng thủy sản, không chỉ giúp cân bằng lại mảng khai thác mà còn giúp ngành được phát triển bền vững hơn.
Ông Nguyễn Hữu Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết, Bà Rịa - Vũng Tàu có diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 5.623,8ha, trong đó đa số là nuôi nước mặn, lợ và theo hình thức quảng canh cải tiến.
“Những năm qua, ngành nuôi trồng thủy sản không chỉ góp phần tạo nguồn cung nguyên liệu ổn định cho xuất khẩu thủy sản, mà còn giúp giảm áp lực trong khai thác thủy sản xa bờ”, ông Thi cho hay.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng vận động, hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kĩ thuật, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường… vào quá trình sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện, toàn tỉnh có 23 tổ chức, cá nhân nuôi và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ với tổng diện tích hơn 429,31ha. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao đạt 46,54%, dự kiến sẽ tăng mạnh trong những năm tới.
Định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao của Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ giúp người dân giảm được rủi ro khi nuôi. Vì thế lợi nhuận sẽ tăng lên và năng suất cao hơn nuôi truyền thống.