| Hotline: 0983.970.780

Thủy sản tận dụng cơ hội gì trước CPTPP

Thứ Hai 18/11/2019 , 14:37 (GMT+7)

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của nước ta nhưng cũng dựng lên nhiều thách thức.

Bộ Công thương đưa ra một số giải pháp để tận dụng cơ hội đối với mặt hàng thủy sản có nhiều lợi thế.

Cơ hội và thách thức

Cơ hội lớn nhất của CPTPP, theo Bộ Công Thương là có tác động tích cực đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh và công tác phát triển thị trường xuất khẩu. Đây là khu vực thị trường có dân số khoảng 490 triệu người, chiếm 13% GDP toàn cầu, với thu nhập bình quân đầu người trên 19.000 USD.

10-54-41_1211191
Ao có thiết kiểm tra chất lượng nước thường xuyên đảm bảo tôm nuôi an toàn thực phẩm, tận dụng được nhiều cơ hội xuất khẩu.

Hiệp định có ý nghĩa quan trọng vì đây là một sự nâng cấp so với các thỏa thuận tự do thương mại (FTA) hiện có, thúc đẩy tạo các mối quan hệ FTA mới và thiết lập mạng lưới mới, bao gồm chuỗi cung ứng giữa châu Á và châu Mỹ.

Hiệp định CPTPP mở ra cơ hội để một số nhóm hàng phát triển bởi những cam kết rất mở, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu ở nhóm hàng nông, lâm thủy sản. Nhiều ngành dự kiến có mức tăng trưởng lớn và hàng đầu trong đó là thực phẩm.

Doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước thành viên CPTPP được hưởng những cam kết cắt giảm thuế quan ở mức cao. Cụ thể như: Với Nhật Bản, cam kết cắt giảm thuế tốt hơn nhiều so với trong Hiệp định FTA song phương giữa 2 nước (như cam kết xóa bỏ ngay 86% số dòng thuế, tương đương 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản và gần 90% số dòng thuế sau 5 năm). Đây là lần đầu tiên, Nhật Bản cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho đại đa số nông, thủy sản xuất khẩu của ta. Với Australia là trên 93% số dòng thuế (tương đương 95,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này); cam kết cắt giảm thuế ngay của Canada lên đến 94,9% số dòng thuế (tương đương 77,9% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam).

Nhưng cũng có nhiều thách thức mà thách thức lớn nhất để được hưởng các ưu đãi thuế quan là hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chí về xuất xứ hàng hóa. .

Thách thức thấy rất rõ ở mặt hàng thủy sản, mặt hàng chủ lực và cũng là lợi thế của nước ta. Hạn chế, yếu kém nội tại về sản xuất nhỏ, phân tán, mặc dù đã được khắc phục nhiều, nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế, do đó, chưa đáp ứng được hoàn toàn những nhu cầu của thị trường.

Quy định tiêu chuẩn tại các thị trường nhập khẩu rất cao, như quy định kỹ thuật khắt khe để bảo vệ sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Các quy định mới về kiểm nghiệm kiểm dịch và thực hiện kiểm tra chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm mà hàng thủy sản của Việt Nam chưa dễ vượt qua.
 

Một số thị trường cần quan tâm

Với thị trường Nhật Bản, theo Bộ Công Thương, cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và quy định mới về bảo vệ môi trường của Nhật Bản. Đa dạng hóa cơ cấu thủy sản chế biến, phát triển một số loại thủy sản chủ lực mang tính đặc trưng của Việt Nam, có giá trị và sức cạnh tranh cao. Đáp ứng các yêu cầu về bao bì và đóng gói để các nhà nhập khẩu Nhật Bản chấp nhận và tạo lập quan hệ kinh doanh lâu dài. Cần thiết xây dựng danh mục sản phẩm thủy sản gắn liền với thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu.

Với thị trường Australia, khó khăn lớn nhất để thâm nhập vào thị trường này là các quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm và an toàn sinh học, trong khi đó, thủy sản Việt Nam vẫn còn một số trường hợp dư lượng kháng sinh và dư lượng thuốc diệt nấm bị phát hiện. Để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang Australia, cần kiên quyết xóa bỏ tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm, kiểm tra nghiêm các lô hàng thủy sản xuất khẩu.

Với thị trường New Zealand, mặt hàng thủy sản nhập khẩu vào thị trường này đều được áp thuế 0% và không gặp khó khăn về rào cản kỹ thuật. Tuy nhiên, hàng thủy sản trên thị trường thường không được mang tên hiệu của nhà xuất khẩu Việt Nam, mà chỉ có xuất xứ và thương hiệu của nhà nhập khẩu trên bao bì nên khả năng nhận biết thương hiệu tại thị trường tương đối thấp. Do vậy, cần chú trọng công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm để sản phẩm xuất khẩu Việt Nam được biết đến trên thị trường New Zealand.

Với thị trường Malaysia và Brunei, các quốc gia Hồi giáo nên hàng thủy sản xuất khẩu sang đây phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chứng nhận sản phẩm Halal. Để thúc đẩy xuất khẩu, cộng đồng doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao nhận thức về các quy định này bởi chứng chỉ Halal là một trong những yêu cầu tiên quyết đối với nông sản, thực phẩm nói chung và thủy sản nói riêng vào các thị trường Hồi giáo.
 

Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp

Bộ Công Thương cho rằng, giải pháp chung để vượt qua thách thức là “thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu và đáp ứng tiêu chí xuất xứ để được hưởng ưu đãi”. Trước tiên, chú trọng và thúc đẩy tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Cá tra vận chuyển bằng ghe đang đặt ra một số vấn đề về giám sát chất lượng để truy xuất nguồn gốc.

Nội dung lớn trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp là tăng cường kiểm soát nguồn cung và định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường; từng bước nâng cao và ổn định chất lượng nông sản, thủy sản xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng các quy định ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Tăng cường công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông, thủy sản thông qua các biện pháp quản lý theo hệ thống từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến xuất khẩu như áp dụng GAP, CoC, HACCP. Rà soát, bổ sung hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp theo hướng hài hòa với các tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước nhập khẩu. Xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, vi phạm qui định về chất lượng, an toàn thực phẩm, cạnh tranh không lành mạnh làm mất uy tín nông, lâm, thủy sản Việt Nam.

Áp dụng các giải pháp đồng bộ nhằm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; kiểm soát tốt việc lạm dụng kháng sinh, hóa chất công nghiệp và chất cấm trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm.

Xem thêm
Hướng đến nuôi trồng thủy sản bền vững: [Bài 3] Sắp xếp lại lồng bè

Các tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa sẽ bố trí, sắp xếp lại lồng bè, lập đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản để người dân yên tâm sản xuất.

Cảng cá sửa chữa kéo dài, ngư dân Quảng Bình đôn đáo tìm nơi cập bến

QUẢNG BÌNH Hiện chỉ còn cảng cá Nhật Lệ phục vụ nên tàu của cá ngư dân Quảng Bình phải ‘tăng bo’ đến các cảng cá tỉnh bạn để bốc dỡ hàng…

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển