| Hotline: 0983.970.780

Thủy sản trước cơ hội và thách thức từ CPTPP

Thứ Hai 02/12/2019 , 15:25 (GMT+7)

Nguyên tắc tự do thương mại trong CPTPP là xóa bỏ hết thuế quan, gồm có xóa bỏ ngay và xóa bỏ có lộ trình.

16-39-06_2711191
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Trang.

Sáng 27/11, tại hội thảo “Ngành thủy sản – trái cây, rau củ - chăn nuôi, chế biến thịt trước cơ hội và thách thức từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Trang ở Trung tâm WTO thông tin cho biết. Cũng theo lời tiến sỹ Trang, "mặt hàng thủy sản được các nước cam kết xóa bỏ ngay phần lớn các dòng thuế, còn một số ít dòng thuế xóa bỏ theo lộ trình".

Thị trường những nước nào cam kết xóa bỏ ngay thuế quan với thủy sản và nước nào xóa bỏ có lộ trình?

Cam kết xóa bỏ ngay thuế quan với tất cả các dòng thuế thủy sản là 8 nước Australia, New Zealand, Canada, Brunei, Malaysia, Singapore, Chile, Peru. Còn Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế quan ngay 65% dòng thuế; còn lại lộ trình xóa bỏ từ 6-16 năm: 8 năm với cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, một số loại cá ngừ khác; 16 năm với cá nishin, saba, cơm, thu, Minh Thái, nục; 6 năm với 44 dòng thuê; 11 năm với 105 dòng thuế.

Cam kết thuế quan với thủy sản của Mexico là xóa bỏ ngay 41% số dòng thuế; xóa bỏ theo lộ trình 3 năm với cá rô phi, cá tuyết, minh, bơn, trích, ngừ…; 5 năm với cá hồi vân, chép, da trơn, song, Minh Thái, tuyết xanh, đuối, cua…; số khác có lộ trình 10, 12, 13, 15 và 16 năm.

Nước ta cam kết xóa bỏ thuế quan với thủy sản như thế nào?

Cam kết thuế quan của Việt Nam xóa bỏ ngay 83% số dòng thuế. Xóa bỏ thuế quan theo lộ trình từ 4-11 năm, trong đó đa số lộ trình 4 năm; 8 năm với cua chế biến, cá hồi, cá nục hoa chế biến; 11 năm với cá trích dầu bảo quản.

Để được hưởng ưu đãi thuế quan, thủy sản phải có chứng nhận xuất xứ theo những quy định cụ thể, thống nhất. Trong lúc, chứng nhận xuất xứ của nước ta theo cách truyền thống là do nhà nước cấp, còn các nước khác do doanh nghiệp tự chứng nhận. Vậy nước ta cam kết thế nào?

Cam kết thủ tục chứng nhận xuất xứ của Việt Nam từ tháng 1/2019 đến 1/2024, thủy sản vào nước ta duy trì song song chứng nhận xuất xứ theo cách truyền thống và do nhà xuất khẩu thủy sản tự chứng nhận xuất xứ. Từ tháng 1/2024 trở đi có thể duy trì cách trên thêm 5 năm nữa và sau đó tự chứng nhận xuất xứ hoàn toàn (bởi nhà xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất); hoặc sẽ thực hiện tự chứng nhận xuất xứ hoàn toàn. Cam kết chung là tiến tới nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ.

Các diễn giả tại buổi hội thảo.

Thủy sản nước ta vốn gặp khó khăn về các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và các rào cản kỹ thuật thương mại theo các hiệp định gọi tắt là SPS và TBT quy định trong WTO, ở CPTPP có gì khác không?

Hiệp định SPS quan tâm đến việc áp dụng các biện pháp vệ sinh động vật và thực vật hay nói một cách khác là  các quy định về an toàn thực phẩm và về thú y, bảo vệ thực vật. Hiệp định TBT là các quy chuẩn, tiêu chuẩn để bảo vệ sức khỏe con người, môi trường, an ninh.

Hiệp định CPTPP nhắc lại các nghĩa vụ của WTO, các quốc gia không buông bỏ quyền chủ động ban hành SPS, TBT; tuy nhiên, đảm bảo minh bạch – tham vấn khi ban hành và thực thi; có căn cứ khoa học, tham khảo các thông lệ quốc tế.

Các quốc gia không buông bỏ mà còn có một số cam kết bổ sung: Với SPS có quy trình áp dụng các biện pháp khẩn cấp, quy trình phê duyệt danh sách nhà xuất khẩu đủ điều kiện SPS, khuyến khích công nhận tương đương về SPS. Còn TBT, tổ chức chứng nhận sự phù hợp không bắt buộc phải có trụ sở tại nước nhập khẩu, giấy tờ chứng nhận sự phù hợp không bắt buộc phải hợp pháp hóa lãnh sự; có phụ lục riêng về thực phẩm đóng gói, phụ gia thực phẩm, sản phẩm hữu cơ.

Nói về thủy sản không thể quên vấn đề thời sự là chống đánh bắt IUU (bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) mà nước ta đang nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của EU, trong CPTPP được quy định như thế nào?

Riêng về thủy sản đánh bắt, có quy định hành động cụ thể để đấu tranh chống lại tình trạng đánh bắt quá mức, bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Phải tìm cách vận hành hệ thống quản lý nghề cá theo hướng ngăn ngừa đánh bắt quá mức, giảm đánh bắt ngẫu nhiên các loài không phải mục tiêu và chưa trưởng thành, thúc đẩy phục hồi các loài đã bị khai thác quá mức. Đặc biệt, không trợ cấp cho hoạt động đánh bắt góp phần gây ra tình trạng khai thác quá mức và quá năng lực (ví dụ trợ cấp cho tàu cá đã bị liệt vào danh mục IUU…).

Tóm lại, thúc đẩy hệ thống pháp luật và chính sách môi trường nói chung cũng như đánh bắt thủy sản là bảo vệ môi trường ở mức cao, tiếp tục tăng mức bảo vệ môi trường. Không khuyến khích thương mại hoặc đầu tư bằng cách hạ mức độ bảo vệ môi trường hoặc giảm nhẹ hiệu lực của các quy định về môi trường.

Qua những phân tích trên, cơ hội và thách thức của CPTPP với thủy sản nước ta là gì, thưa bà?

Thị trường CPTPP đang chiếm 25,7% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta và còn giàu tiềm năng. Đơn cử như Canada là đối tác rất quan trọng của thủy sản nước ta ở Bắc Mỹ sau Hoa Kỳ, hiện nay các dòng thuế thủy sản là 0,65% và với nhiều mã hàng là 4,28%, khi được xóa bỏ sẽ tạo thêm nhiều cơ hội. Hoặc thị trường Mexico, thủy sản tươi đang chịu thuế 13,51%, chế phẩm thuỷ sản chịu thuế đến 18%, khi được xóa bỏ cũng có nhiều thuận lợi.

Qua hội nhập, cơ hội môi trường kinh doanh ở nước ta sẽ được cải thiện; cơ hội việc làm và thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ tăng lên; cơ hội cắt giảm chi phí sản xuất, cải thiện năng lực cạnh tranh từ nhập khẩu nguyên liệu, con giống và tiếp cận các dịch vụ phục vụ sản xuất; cơ hội thu hút đầu tư vào chuỗi sản xuất để nâng cao chất lượng thủy sản và hiệu quả kinh tế.

Tôm nuôi dưới tán rừng Cà Mau có xuất xứ được các thị trường ưa chuộng

Tuy nhiên, hiện thực hóa cơ hội cũng có nhiều thách thức. Đó là việc đáp ứng quy tắc xuất xứ; vượt qua hàng rào SPS, TBT; tiếp cận hệ thống phân phối và khách hàng ở các thị trường như thế nào đây để vượt qua những khó khăn, hạn chế mà hiện nay đôi khi đã khá gay gắt, tiếp tục phát triển.

Thách thức CPTPP không chỉ tăng cạnh tranh ở thị trường các nước khác mà còn ở thị trường nội địa về giá, an toàn thực phẩm. Chi phí tuân thủ sẽ tăng đáng kể, đó là chi phí bảo vệ môi trường, đảm bảo cuộc sống của người lao động và cả sở hữu trí tuệ. Tất cả đang buộc ngành thủy sản nước ta phải không ngừng đổi mới, hiện đại.

Xem thêm
Nuôi tôm không xả thải, thành tựu lớn của ngành thủy sản

CÀ MAU Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn nước đã được đầu tư và thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau.

Địa phương phải rút kinh nghiệm về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản

Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại các địa phương.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cảng cá Trần Đề nhộn nhịp chuyến biển cuối năm

SÓC TRĂNG Cảng cá Trần Đề những ngày cuối năm tấp nập tàu cá quay về. Dù đối mặt nhiều khó khăn, ngư dân vẫn bền bỉ bám biển, mong năm mới đủ đầy, thuận lợi.