Dòng sông huyền thoại
Lâu lắm, tôi mới lại đến làng Nú (xã Ia Khai, huyện Ia Grai, Gia Lai), đến thăm ông già Rah Lan Pêng - một trong số rất ít người còn biết đẽo thuyền độc mộc ở đất này, một trong những người là đồng đội với Anh hùng A Sanh (tên thật là Puih San - "Người lái đò trên sông PôKô").
Nhẹ nhàng thuyền độc mộc lướt dòng PôKô |
Đã hơn bảy mươi mùa rẫy, già Pêng không còn tráng kiện như trước nữa, nhưng ông già J'rai này vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn lắm. Cũng như những lần trước, ông lại dắt tôi ra bến sông.
Từ nhà ông ở làng Nú ra bến sông khoảng hai cây số. Qua khỏi những vườn điều đang mùa thu hoạch, dòng PôKô đã hiện ra trước mắt. Dòng sông xanh ngắt, hiền hoà xuôi chảy. Hai bên bờ là mơn mởn cỏ xanh, là những vườn cây trái sum suê, là những cánh rừng chứa đầy huyền thoại…
Bến sông là một bãi đất tương đối bằng phẳng. Dăm chiếc thuyền độc mộc thanh thản gối đầu lên bờ. Kéo tôi ngồi xuống vệ cỏ, già Pêng kể lại thời trai trẻ của mình gắn với dòng PôKô. Năm 1963, chàng trai Rah Lan Pêng (cũng như nhiều thanh niên khác trong làng) tình nguyện tham gia du kích (sau A Sanh 2 năm). Anh hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà tổ chức giao. Nhắc lại cái câu mà tôi hỏi ông, cách đây gần mười năm:
- Ngày ấy, công việc tổ chức giao mà ông thích làm nhất là việc gì?
Ông móm mém cười, nụ cười khoáng đạt như ngọn gió lướt trên sông, trả lời cũng cái câu cách đây gần mười năm ấy:
- Việc gì cũng thích, bởi việc gì cũng phục vụ cho cách mạng mà. Nhưng được chèo thuyền độc mộc đưa bộ đội qua sông vẫn thích hơn, nhất là... “bộ đội gái”...
Bên dòng sông huyền thoại |
Anh hùng A Sanh cũng sinh ra ở làng Nú (sau này lấy vợ, về ở làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai). A Sanh vào du kích năm 1961. Hai năm sau (1963), Rah Lan Pêng cùng nhiều trai làng khác cũng tự nguyện tham gia du kích. Riêng làng Nú đã có khoảng mười người chuyên làm nhiệm vụ chèo thuyền độc mộc đưa bộ đội sang sông. Già Pêng nhớ: Năm 1967, ông chở bộ đội vượt sông PôKô sang phía Sa Thầy. Đêm đó, riêng mình ông đã thực hiện năm mươi chuyến đò ngang, đưa 500 bộ đội sang sông. Từ mười giờ đêm đến năm giờ sáng, chở năm mươi chuyến đò vượt sông trong mưa bom bão đạn, trong dòng nước xiết! Chỉ có tình yêu quê hương cháy bỏng, lòng căm thù giặc sâu sắc mới tạo nên một sức mạnh phi thường đến vậy...
Giải đua ý nghĩa
Anh Phan Trung Tường - Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, cho biết, đây là lần đầu tiên huyện tổ chức giải đua thuyền độc mộc trên sông PôKô. Sau lần này, sẽ rút kinh nghiệm và giải sẽ được tổ chức thường niên vào ngày 30/4 và 1/5, với mục đích bảo tồn các giá trị văn hoá độc đáo riêng của địa phương, góp phần phát triển du lịch trên dòng sông huyền thoại này.
Nơi sẽ diễn ra giải đua thuyền độc mộc |
Theo kế hoạch, giải đua thuyền độc mộc trên sông PôKô lần thứ nhất năm 2019 sẽ diễn ra trong buổi sáng 1/5, tại bãi bồi ven hồ Sê San 4 (thuộc làng Jăng, xã Ia O). 3 xã giáp biên với Campuchia là Ia Khai, Ia Krái, Ia O sẽ cử 12 đội tham gia. Cụ thể, xã Ia O có 5 đội, xã Ia Khai có 5 đội, xã Ia Krai có 2 đội tham gia. Mỗi đội đua tham dự giải sẽ có 2 vận động viên. Chiều dài chặng đua là 500m.
Cũng trong khuôn khổ giải đua thuyền, sẽ có thêm chương trình trình diễn cồng chiêng và các tiết mục văn hoá văn nghệ do nghệ nhân đến từ các xã của huyện Ia Grai biểu diễn vào tối 30/4.
Ông Lưu Văn Biên - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thông tin và Thể thao huyện Ia Grai, cho biết, hiện toàn huyện có khoảng trên dưới 50 chiếc thuyền độc mộc, tập trung chủ yếu ở 3 xã biên giới như Ia Khai 15 chiếc, Ia O 10 chiếc và 15 chiếc ở xã Ia K'rái. Thuyền độc mộc ngày càng hiếm, bởi đẽo thuyền độc mộc phải dùng đến cây gỗ sao lâu năm tuổi trong rừng già (gỗ sao là loại cây chịu nước). Tuy nhiên để tìm được một cây gỗ sao bây giờ, còn khó hơn... hái sao trên trời! Hơn nữa, những người biết đẽo thuyền độc mộc ở đây, có lẽ chỉ còn lại ba ông lão người J'rai là già Pêng, già Juit và già Mơnh - cả ba ông đều đã già yếu. |