| Hotline: 0983.970.780

Thuyền trưởng bị giết ngay dưới họng súng cướp biển, con tin bị đánh đập, hành hạ

Thứ Năm 27/10/2016 , 09:03 (GMT+7)

Ba thủy thủ Việt Nam vừa được trả tự do và về tới quê nhà sau hơn 4 năm bị cướp biển Somalia giam giữ đòi tiền chuộc. Nạn cướp ở vùng biển Somalia đã giảm nhiệt, họ là những người bị giam cầm tù những vụ bắt cóc từ trước. Hiện nay, điểm nóng về cướp biển đã chuyển từ biển Somalia sang một số vùng biển ở Đông Nam Á.

16-43-11_cuop-1
Các thủy thủ được đưa tới Kenya sau khi thoát khỏi bàn tay bọn cướp biển (Ảnh: Guardian)
 

Thủy thủ đoàn của tàu giã cào Naham 3, mang cờ Oman nhưng do người Đài Loan làm chủ, sẽ không bao giờ quên một ngày năm 2012. Hôm đó là 26/3, tàu đang đánh bắt cá ngừ ở một nơi nào đó ở vùng biển nước sâu gần quần đảo Seychelles, phía tây Ấn Độ Dương. Lúc đó trời còn tờ mờ sáng.
 

Cướp biển tệ hơn cả súc vật

Tờ New York Times (Mỹ) tường thuật: “Một chiếc xuồng nhỏ bỗng xuất hiện, tiến đến tàu Naham 3 và nổ súng”.

“Cướp biển! Cướp biển”!, thuyền trưởng gào to.

Rồi sau đó là bốn năm rưỡi bị giam cầm, thời gian lâu thứ hai so với các vụ bắt giữ người khác của bọn cướp biển (chỉ có một vụ khác, nhóm thủy thủ bị giam 5 năm trước khi được giải cứu).

Nhóm thủy thủ 26 người đến từ nhiều nước châu Á, như Philippines, Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia và Campuchia, đã mắc kẹt trong nhà giam nằm sâu trong sa mạc ở Somalia trong khi bọn cướp biển hy vọng sẽ thu được hàng triệu USD tiền chuộc.

Sau khi được tự do tuần vừa rồi, Libref, người Philippines, một trong số 26 thủy thủ bị giam cầm, nói vẫn không thể tưởng tượng được những kẻ giam cầm anh lại “cầm thú” đến thế. “Bọn cướp biển còn tệ hơn thú vật”, anh nói. “Các bạn không thể hiểu được loại người đó đâu”.

Các công ty tàu biển, đứng trước nạn cướp biển Somalia, đã phải ra tay: họ thuê các đội vệ sỹ chuyên nghiệp có vũ trang để đánh lại cướp biển. Biện pháp này cộng với sự tăng cường các hoạt động tuần tra giám sát của tàu hải quân nhiều quốc gia, đã đẩy lùi nạn cướp biển. Theo Chương trình Phòng chống cướp biển của Liên minh châu Âu, trong năm 2015, không có vụ cướp biển Somalia tấn công tàu thương mại nào được ghi nhận và từ đầu năm 2016 đến nay cũng chưa xảy ra vụ nào, trong khi có tới 176 vụ trong năm 2011.

Tuy nhiên, vẫn còn hàng chục thủy thủ bị giam cầm từ những vụ tấn công trước đây. Các nhà thương thuyết đã làm việc nhiều năm ròng để giải thoát số thủy thủ của tàu Naham 3 còn mắc kẹt.

“Bọn cướp đều là những kẻ thất học và không thực tế”, Leslie Edwards, nhà thương thuyết chủ chốt của vụ tàu Naham 3 nói với New York Times. “Chúng bắt những thủy thủ nghèo đến từ các nước nghèo, từ những gia đình nghèo. Và chúng mơ về những số tiền lớn không bao giờ có được”.

Cuối cùng, các nhà thương thuyết đã làm việc với những người già trong bộ lạc của bọn cướp để thuyết phục bọn chúng một số tiền tương đối nhỏ để trả “chi phí giam giữ” con tin trong 1.672 ngày. Các nhà thương thuyết không tiết lộ số tiền, dù họ nói nó “không là gì” nếu so sánh với số tiền mà bọn cướp biển đòi hỏi lúc đầu. Theo New York Times, một hãng luật của Anh đã đứng ra quyên tiền và nhiệm vụ giải cứu được Ocean Beyond Piracy (OBP), dự án thuộc một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, điều phối.
 

“Chúng tôi phải ăn chuột để sống sót”

Vào thứ Hai tuần trước, Antonio Libref thủy thủ 32 tuổi người Philippines mới được ăn bữa ăn đầu tiên đúng nghĩa sau khi được bọn cướp biển thả tự do. Hai ngày trước đó, anh cũng các đồng nghiệp người Việt Nam, Đài Loan, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia trở thành người tự do sau khi bọn cướp nhận được một khoản tiền.

16-43-11_cuop-2
Tàu Naham 3 bị neo buộc với một con tàu chìm. Sau đó, tàu cũng bị chìm (Ảnh: gcaptain.com)
 

Bile Hussein, đại diện của nhóm cướp biển, được một hãng tin trích lời, nói số tiền chuộc được chi trả là 1,5 triệu USD, một con số chưa được kiểm chứng độc lập, theo tờ Guardian.

“Chúng tôi bị đối xử như súc vật, vì thế thật cảm động khi lại được làm người lần nữa”, Libref nói.

Tuy nhiên, trong số các thủy thủ của tàu Naham 3 có những người không gặp may như thế. Tàu lúc đầu có 29 thành viên thủy thủ đoàn, nhưng thuyền trưởng bị giết ngay ngày đầu tiên tàu bị bắt cóc và hai thuyền viên khác “chết vì bệnh tật trong thời gian bị giam giữ” theo OBP.

John Steed, một nhà thương thuyết người Anh, cho biết con tin bị đánh đập, hành hạ. Thi thể hai thủy thủ bị chết được giữ trong tủ đá.

Sau khi bị bắt, Libref và các thủy thủ khác bị giam trên tàu Naham 3 trong một năm rưỡi rồi được đưa lên bờ.

Libref kể: Ở trong rừng, các thủy thủ quá đói và họ bắt đầu ăn cả chuột. “Chúng tôi quá thiếu chất, vì vậy chúng tôi phải ăn chuột để sống sót”. Họ tách dây thừng làm lưới để bắt chuột, chim, sử dụng gạo làm mồi nhử.

Khi họ được thả ra và đưa về Nairobi, thủ đô Kenya, có nhiều người ra chào đón các thủy thủ. Nhưng người gây ngạc nhiên nhất là Michael Scott Moore, nhà báo người Mỹ đã ở cùng họ 5 tháng trên tàu Naham 3. Moore bị bắt ở Somalia khi đang đọc một cuốn sách về… cướp biển. Anh được thả ra năm 2014. Anh nói anh nhanh chóng thân thiết với các thủy thủ bị giam cầm, đặc biệt là 5 người Philippines vì họ nói được tiếng Anh. “Tôi cực kỳ đói khát. Tôi sụt cân kinh khủng nhưng chưa tuyệt vọng đến mức phải đi bắt chuột, chim”, Moore nói. “Hai người chết vì bệnh”. Theo Moore, anh được đối xử bớt tệ hơn so với các thủy thủ.

Vấn đề cướp biển Somalia lúc này trở nên lắng dịu hơn nếu so với 5 năm trước, khi một loạt tàu bè bị bắt cóc đòi tiền chuộc. Người ta nói cái chúng mơ ước là những cục tiền từ trên trời rơi xuống, đúng nghĩa đen. Bởi khi trả tiền cho bọn cướp, thường người ta dùng máy bay bay tới địa điểm hẹn trước, thả dù mang theo cục tiền mặt được bọc bằng túi ni lông xuống.

 

Xem thêm
Ninh Dương Lan Ngọc rời Việt Nam sang Úc du học

Ninh Dương Lan Ngọc xác nhận với Tiền Phong thông tin nữ diễn viên du học Australia trong vài ngày tới. Cô sẽ trở lại Việt Nam sau hai tháng nữa.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

Alexandre Polking - ứng viên sáng giá cạnh tranh vị trí HLV đội tuyển Việt Nam

HLV Kim Sang-sik đang được đồn thổi là tân HLV đội tuyển Việt Nam, nhưng theo thông tin mới nhất cựu HLV trưởng Thái Lan ông Polking cũng đang nằm trong tầm ngắm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất