| Hotline: 0983.970.780

Tiềm năng phát triển cá nước lạnh

Thứ Năm 21/02/2013 , 10:26 (GMT+7)

Cũng vì có nhiều đặc điểm giống Sa Pa (Lào Cai) và Đà Lạt, nên cách đây 3 năm nhiều nhà đầu tư đã tìm đến Kon Plông để đầu tư các dự án nuôi cá tầm, cá hồi...

“Đà Lạt thứ hai ở Tây Nguyên” là cách nói ví von của dân du lịch khi đến nghỉ ngơi, vui chơi giải trí tại khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), bởi nơi đây có đặc điểm địa lý, khí hậu thời tiết, thổ nhưỡng... gần như ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng).

Cũng vì có nhiều đặc điểm giống Sa Pa (Lào Cai) và Đà Lạt, nên cách đây 3 năm nhiều nhà đầu tư đã tìm đến Kon Plông để đầu tư các dự án nuôi cá tầm, cá hồi - loài cá chỉ quen thích nghi với vùng nước lạnh. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông Đào Duy Thế, trên địa bàn huyện có rất nhiều suối, nước rất sạch, khí hậu mát mẻ và có nhiều lòng hồ thủy điện như thủy điện Đăk Đring, Thượng Kon Tum...

Vì thế hàng cá tầm, cá hồi được sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh trên vùng nước lạnh Kon Plông thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư lẫn du khách tham quan. Trung bình cá tầm nuôi khoảng 8 - 9 tháng đạt 1 kg, cá hồi sau 6 tháng nuôi đạt khoảng 1 kg, với chi phí đầu tư để nuôi được 1 kg cá tầm từ 100.000 - 150.000 đồng, giá bán cá tầm thương phẩm từ 340.000 - 600.000 đồng/kg, cá hồi từ 150.000 - 200.000 đồng/kg.


Một mô hình nuôi cá hồi ở Tây Nguyên

Điều đáng nói là nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia thủy sản đến từ Ukraine, Công ty CP Thủy sản Măng Đen (Kon Tum) đã tiến hành ấp trứng hai lần đều thành công với tỷ lệ nở trên 80%. Sự thành công này mở ra triển vọng vào một ngày gần đây huyện Kon Plông sẽ chủ động được nguồn trứng để ấp, để chủ động về con giống.

Với những lợi thế ban đầu đó, cùng với những thế mạnh vốn có của Kon Plông, một Đà Lạt thứ hai ở Tây Nguyên, nên giữa năm 2011, Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-TU về xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực, cụ thể phấn đấu đến năm 2015 sản lượng cá tầm, cá hồi đạt khoảng 500 tấn, đến năm 2020 đạt khoảng 1.000 tấn.

UBND tỉnh Kon Tum đã thống nhất chủ trương lập quy hoạch vùng nuôi cá nước lạnh huyện Kon Plông đến năm 2020. Đồng thời, đã được Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ, TB- XH) phê duyệt kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện khóa đào tạo nuôi cá tầm để hướng tới việc thành lập 4 HTX nuôi cá tầm, cá hồi tại xã Hiếu, Pờ Ê, Đăk Long, Măng Cành, sau đó hướng đến hộ gia đình.

Từ năm 2011, Trung tâm Kỹ thuật Teknia (Phần Lan) và Viện Nghiên cứu NTTS 1 đã tiến hành hợp tác phát triển nuôi các đối tượng cá nước lạnh. Trước đó, Viện Nghiên cứu NTTS 1 đã nhập 50.000 trứng cá hồi vân từ Phần Lan khảo nghiệm tại trại cá Sa Pa, tỷ lệ trứng nở đạt 95%. Lâm Đồng là địa phương thứ hai được Viện 1 lựa chọn triển khai chương trình nuôi thử nghiệm 20.000 con cá hồi. Và Kon Plông (Kon Tum) là địa phương thứ ba thích nghi nuôi hai loài cá này.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông Đào Duy Thế cho biết thêm, giải pháp thực hiện trong thời gian tới của huyện nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản là chú trọng mở rộng diện tích nuôi cá nước lạnh; xây dựng chương trình xúc tiến quảng bá thương hiệu cá tầm, cá hồi để thu hút du lịch, dịch vụ là sản phẩm đặc hữu trên thị trường.

Quảng bá thông tin, nội dung quy hoạch để kêu gọi các nhà đầu tư, lập dự án nuôi cá nước lạnh. Tranh thủ nguồn vốn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, có kế hoạch lồng ghép với các chương trình, dự án khác trên địa bàn để thực hiện quy hoạch thủy sản.

Tập trung công tác nghiên cứu thức ăn và cho sinh sản nhân tạo cá để giải quyết nguồn con giống tại chỗ, hạ giá thành SX. Đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ kỹ thuật, đẩy mạnh các hoạt động khuyến ngư, chuyển giao công nghệ nhằm giúp cho các cá nhân, tổ chức nắm bắt đầy đủ về quy trình kỹ thuật nuôi các đối tượng cá nước lạnh...

Cũng theo ông Thế, trong giai đoạn 2015 - 2020, Nghị quyết của HĐND tỉnh Kon Tum, khóa X xác định du lịch Măng Đen trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và cá tầm, cá hồi là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Mưa dông khiến nhiều diện tích sầu riêng bị gãy đổ, rụng quả la liệt

Những cơn mưa dông đầu mùa đã khiến nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị gãy đổ, quả rụng la liệt trước sự bất lực của người dân.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.