| Hotline: 0983.970.780

Tiêm vacxin diện rộng, nguy cơ dịch bệnh càng thu hẹp

Thứ Tư 17/08/2022 , 06:45 (GMT+7)

Để phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, ngành chăn nuôi, thú y Phú Yên chủ động tiêm phòng vacxin kịp thời đầy đủ trên diện rộng.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Phú Yên không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn heo. Ảnh: KS.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Phú Yên không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn heo. Ảnh: KS.

Đàn gia súc, gia cầm chưa xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm

Từ đầu năm đến nay, đàn nái 20 con và heo thịt 120 con của đình chị Nguyễn Thị Nguyệt, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa vẫn duy trì được sự an toàn với bệnh như heo tai xanh, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả heo Châu Phi... Nhờ đó, đàn heo nái vẫn đẻ đều còn heo thịt từ đầu năm đã xuất bán được 150 con.

Theo chị Nguyệt, từ nhiều năm nay, đàn heo nhà chị đều vượt qua dịch bệnh, kể cả dịch tả heo Châu Phi hoành hành năm 2019, bởi gia đình chị chăn nuôi bàn bản. Cụ thể, từ năm 2018, gia đình chị chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ sang nuôi quy mô công nghiệp, áp dụng quy trình an toàn sinh học, đặc biệt tuân thủ nghiêm ngoặt tiêm vacxin phòng ngừa dịch bệnh đầy đủ.

“Từ năm 2020 đến nay gia đình chăn nuôi heo không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn, kể cả dịch tả heo Châu Phi. Bởi gia đình cho đàn heo nuôi tiêm vacxin phòng ngừa đầy đủ, chỉ riêng vacxin dịch tả lợn Châu Phi hiện chưa có nên chưa triển khai tiêm. Còn nay mai có vacxin rồi chắc chắn gia đình sẽ cho tiêm đàn heo để phòng ngừa, tránh thiệt hại kinh tế”, chị Nguyệt nói.

Ngoài tiêm vacxin đầy đủ, chị Nguyệt còn chủ động vệ sinh, tiêu độc khử trùng toàn bộ chuồng trại thường xuyên để tiêu diệt mầm bệnh và giữ nguyên tắc: Chuồng trại luôn mát về mùa hè, ấm vào đông. Vì vậy đàn heo luôn sinh trưởng và phát triển tốt. Đặc biệt, với cách nuôi chủ động hoàn toàn con giống nên chi phí đầu vào giảm, gia đình chị chăn nuôi có hiệu quả kinh tế hơn là mua con giống từ bên ngoài.

“Nếu giá heo hơi khoảng 65.000 đồng/kg, gia đình lãi khoảng 1 triệu đồng/con. Còn với giá heo hiện nay từ 53.000 - 54.000 đồng/kg, gia đình chỉ lãi ít, nếu mua con giống bên ngoài có thể còn lỗ vì chi phí thức ăn tăng cao”, chị Nguyệt chia sẻ.

Để phòng, chống dịch bệnh người chăn nuôi cần chủ động tiêm vacxin đầy đủ cho đàn gà. Ảnh: KS.

Để phòng, chống dịch bệnh người chăn nuôi cần chủ động tiêm vacxin đầy đủ cho đàn gà. Ảnh: KS.

Tương tự chị Nguyệt, trại gà Mười Nghiệp của gia đình bà Trần Thị My, ở phường Hòa Hiệp Bắc, thị xã Đông Hòa, với số lượng xuất chuồng từ 15.000 - 17.000 con/năm luôn trong tình trạng đảm bảo an toàn dịch bệnh từ năm 2014 đến nay.

Bà Trần Thị My cho biết, sở dĩ việc chăn nuôi của gia đình bà thuận lợi, tỷ lệ hao hụt thấp (tỷ lệ nuôi đạt 95%) là nhờ chủ động phòng bệnh bằng tiêm vacxin cho gà.

“Hầu hết đàn gà nhà tôi đều tiêm phòng vacxin đầy đủ như dịch tả, gumboro, đậu gà, cúm gia cầm…Chuồng trại nuôi sử dụng men vi sinh và khu vực thả gà đi rông, phơi nắng luôn phun thuốc sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh.

Đặc biệt lưu ý là khi trời nắng nóng gia đình dùng quạt để làm dịu mát, còn khi trời lạnh thì phủ bạt để giữ ấm cho đàn gà không bị nhiễm lạnh, gây thiệt hại. Trong quá trình nuôi, gia đình bà My theo dõi đàn gà chặt chẽ nhằm phát hiện sớm gia cầm bị bệnh, từ đó tiến hành cách ly điều trị xử lý kịp thời tránh lây lan ra toàn đàn.

Bà Trần Thị My cho biết, gia đình bà chăn nuôi gà từ năm 1998, tuy nhiên nuôi quy mô lớn từ năm 2004 đến nay. Trước đây, việc chăn nuôi gà của gia đình bà thường xuyên không thuận lợi, nhất là năm 2013 khoảng 8.000 con gà lớn, nhỏ bị thiệt hại hoàn toàn bởi cúm gia cầm, nguyên nhân do chưa tiêm vacxin phòng bệnh. Rút bài học từ thiệt hại lớn này, sau này gia đình bà đã tuân thủ tiêm vacxin đầy đủ đàn gà theo đúng khuyến cao.

Vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại trong chăn nuôi rất quan trọng, giúp hạn chế dịch bệnh. Ảnh: KS.

Vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại trong chăn nuôi rất quan trọng, giúp hạn chế dịch bệnh. Ảnh: KS.

Thời tiết phức tạp, nguy cơ dịch bệnh ở mức cao

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, từ đầu năm đến nay tình hình dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm như lở mồm long móng, cúm gia cầm, dịch tả heo Châu Phi, viêm da nổi cục… trên địa bàn không xảy ra.

Các dịch bệnh thông thường trên gia súc, gia cầm như: dịch tả lợn cổ điển, tụ huyết trùng, phó thương hàn, Niu-cát-xơn (bệnh gà rù), gumboro... được cơ quan thú ý phát hiện sớm và kiểm soát tốt.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, cho biết, nhờ hệ thống thú y trên địa bàn hoạt động thống nhất theo ngành dọc xuyên suốt từ tỉnh đến huyện, nên tạo điều kiện thuận lợi trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Cùng với đó, Chi cục đã tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh Phú Yên ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh hằng năm, cấp hóa chất sát trùng cho các địa phương tổ chức phun thuốc tiêu độc, sát trùng toàn bộ các khu vực chăn nuôi.  

Triển khai tiêm phòng vacxin đợt 1/2022 với kết quả đạt 87% (105.000 con/120.000 con) đối với phòng bệnh lở mồm long móng và đạt 98% đối với tiêm vacxin phòng bệnh cúm gia cầm... Hiện nay, ngành thú y Phú Yên tiếp tục triển khai tiêm phòng đợt 2/2022 từ tháng 9 đến tháng 11/2022.

Chăn nuôi heo quy mô công nghiệp ở tỉnh Phú Yên. Ảnh: KS.

Chăn nuôi heo quy mô công nghiệp ở tỉnh Phú Yên. Ảnh: KS.

Chi cục đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các địa phương chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm nhất là tại các khu vực từng xảy ra dịch bệnh, khu vực chăn nuôi mật độ cao, các khu giết mổ, mua bán động vật. Đồng thời tăng cường kiểm tra kiểm soát giết mổ, kiểm tra tình hình vệ sinh thú y, công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào tỉnh và quá cảnh qua địa phận tỉnh.

Tuy nhiên, điều ông Lâm lo lắng hiện nay hình thời tiết trên địa bàn diễn biến phức tạp, ban ngày nắng nóng, buổi chiều hay mưa dông làm nhiệt độ thấp, còn ban đêm ẩm độ cao. Điều này sẽ làm sức đề kháng của vật nuôi giảm, tạo điều kiện các loại dịch bệnh xâm nhập vào vật nuôi, kể cả thủy sản.

Bên cạnh đó, hoạt động giao thương, vận chuyển hàng hóa tăng cao những tháng cuối năm khiến khả năng lây lan dịch bệnh giữa các tỉnh thành với nhau là rất lớn, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục, lở mồm long móng, cúm gia cầm.

Do đó, để ứng phó, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên khuyến cáo, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chú ý việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi định kỳ 2 lần/tuần.

Cơ quan thú y tiêm phòng vacxin cho đàn bò ở huyện Đồng Xuân. Ảnh: KS.

Cơ quan thú y tiêm phòng vacxin cho đàn bò ở huyện Đồng Xuân. Ảnh: KS.

Cùng với đó cần cung cấp đầy đủ thức ăn cho vật nuôi, tăng cường bổ sung vitamin, khoáng chất, nhất là tiêm vacxin đầy đủ phòng các bệnh như cúm gia cầm, dịch tả vịt, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục... Ngoài ra, người chăn nuôi cần vệ sinh, sát trùng diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve... và có biện pháp giữ ấm cho vật nuôi để tăng sức đề kháng, hạn chế dịch bệnh.

Người chăn nuôi tuyệt đối không mua, vận chuyển động vật, các sản phẩm động vật từ các địa phương đang có dịch bệnh.

Khi nhập giống, người chăn nuôi cần phải thực hiện đúng quy định như: con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan nhà nước kiểm dịch về địa phương phải nuôi nhốt cách ly 15 ngày để theo dõi sức khỏe trước khi cho nhập đàn và phải khai báo cho chính quyền địa phương theo quy định của Luật Chăn nuôi.

Trường hợp nếu phát hiện gia súc, gia cầm có triệu chứng nhiễm bệnh hoặc chết phải báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất, không bán chạy gia súc, gia cầm bị bệnh, chết.

Theo Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên, địa phương đang tiếp tục triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên lĩnh vực chăn nuôi và chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Theo đó, tỉnh sẽ phát triển chăn nuôi tại các vùng chăn nuôi tập trung theo hướng hiện đại, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời duy trì phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng công nghiệp.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.