Thạch hộc tía có tên khoa học Dendrobium officinale Kimura et Migo, thuộc chi Thạch hộc, họ Lan (Orchidaceae) phân bố tự nhiên chủ yếu ở vùng rừng có độ cao 1.000 - 3.400 m so với mực nước biển, thường phụ sinh vào cây gỗ hoặc vách đá có mọc rêu dưới tán rừng.
Trong điều kiện môi trường tự nhiên độ ẩm 70%, nhiệt độ không khí bình quân năm 12 - 18 độ C, lượng mưa 900 - 1.500 mm, thường tập trung sống ở phần dốc núi râm mát, độ ẩm cao và vách núi đá.
Cây thạch hộc tía phân bố ở Việt Nam, Lào, Trung Quốc, Myanmar và nhiều nước nhiệt đới, cận nhiệt đới.
Thạch hộc tía vừa là cây làm cảnh vừa là cây làm thuốc quý hiếm, đã có lịch sử làm thuốc cách đây trên 2.000 năm, được ghi trong “Thần nông bản thảo” của Trung Quốc.
Nguồn tài nguyên này có nguy cơ tuyệt chủng được quốc tế đưa vào Công ước buôn án quốc tế về động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng.
Triển vọng cây thạch hộc tía có khả năng trồng rộng rãi ở các vùng miền của nước ta, đem lại thu nhập cao cho nông dân, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, xuất khẩu tạo nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước. |
Thạch hộc tía làm thuốc có nhiều hoạt chất có hoạt tính sinh học quý, giàu polysacarit thạch hộc, alkaloit thạch hộc, các acid amine và nhiều chất khoáng kali, canxi, magie, mangan, đồng, titan và nhiều nguyên tố vi lượng, trong đó polysacarit thạch hộc tới 22%, hàm lượng các acid amine như glutamic, asparagic, glucin chiếm tới 35% tổng lượng acid amin.
Ngoài ra, thạch hộc tía còn có những hợp chất đặc thù như phenanthryn, bibenzyl , keton, ester và các chất nhầy, hợp chất amidon.
Trong thân cây thạch hộc tía có hàm lượng alkaloit sinh học chiếm tới 0,3%, trong đó những chất amine đã được giám định cấu trúc gồm dendrobine, dendramine, nobilonine, dendrin, 6-hydroxy-dendroxine, shiunin, shihunidine và muối amoniac N-methyl-dendrobium, 8-epidendrobine, các chất này có vị hơi đắng.
Thân cây thạch hộc tía có dầu bay hơi, trong đó có chất manool của hợp chất ditecpen chiếm hơn 50%.
Hiện nay chỉ có Trung Quốc đang phát triển rộng cây thạch hộc tía (khoảng 7 năm qua), sản lượng đưa ra thị trường còn rất khiêm tốn, sau mấy năm nữa sản lượng có thể tăng lên nhiều, giá bán có thể giảm xuống, nhưng hiệu quả vẫn cao hơn nhiều so với nhiều cây trồng khác. |
Trong cổ thư đông y Trung Quốc cách đây hơn 1.000 năm đã xác định ở Trung Quốc có 9 loại tiên dược được xếp theo thứ tự như sau: Thạch hộc, tuyết liên, nhân sâm, thủ ô, phục linh, tùng dung, linh chi, ngọc trai, đông trùng hạ thảo, trong đó thạch hộc tía xếp đầu bảng.
Thạch hộc trồng một lần có thể thu hoạch 6 năm, đầu tư ban đầu có thể tốn kém, nhưng năm thứ 2 có thể thu hồi vốn, từ năm thứ 3 có lãi.
Trong điều kiện thâm canh, năng suất tươi khoảng 5 tấn/ha/năm với giá bán khoảng 3 triệu đồng/kg, doanh thu 15 tỷ đồng/ha/năm.
Thị trường tiêu thụ là khả quan, nếu chế biến sâu, thị trường càng lớn và hiệu quả càng cao, bao gồm thị trường nội địa, Đông Nam Á, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu, châu Mỹ.
Trên thị trường, thân cây tươi thạch hộc tía có giá bán khoảng 150 USD/kg.
Viện Nghiên cứu & phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây (Trường Đại học Thành Tây) là cơ quan nghiên cứu khoa học đầu tiên của nước ta đã triển khai nhân giống và trồng khảo nghiệm cây thạch hộc tía tại Hà Nội và Lâm Đồng từ năm 2012.
Đến nay Viện đã thu được kết quả ban đầu về công nghệ nhân giống và thâm canh. Tại các điểm khảo nghiệm, cây thạch hộc tía sinh trưởng nhanh, thân to mập, sau khi trồng 1,5 năm đến 2 năm có khả năng thu hái sản phẩm đạt năng suất cao chất lượng tốt.