Trên 28.000ha cây ăn trái khát khô
Hiện nay, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra trên địa bàn tỉnh Tiền Giang rất gay gắt. Do độ mặn tại các tuyến sông trên địa bàn tỉnh không giảm nên không thể lấy nước vào các tuyến kênh nội đồng. Dẫn đến mực nước nhiều tuyến kênh nội đồng của tỉnh đã khô kiệt. Nhiều nơi trơ đáy, nứt nẻ.
Mặn xâm nhập sâu vào nội đồng tỉnh Tiền Giang theo 3 hướng: cửa sông Tiền, sông Vàm Cỏ và sông Hàm Luông. Mặn lấn sâu vào đến kênh Nguyễn Văn Tiếp, nghiêm trọng nhất là kênh Nguyễn Tấn Thành đến Vàm Trà Lọt.
Ngày 25/3, độ mặn tại các nhánh sông tại Tiền Giang vẫn ở mức cao, tăng so với các ngày trước đó. Tại Vàm Tân Mỹ Chánh độ mặn đo được là 7,5‰ (tăng 0,47‰). Cầu Đồng Tâm là 5,6‰ (tăng 0,14‰). Phà Ngũ Hiệp là 4,72‰ (tăng 0,33‰). Vàm Ba Rài là 3,46‰(tăng 0,28‰). Vàm Cái Bè là 3,27‰ (tăng 0,12‰). Vàm Trà Lọt là 2,13‰ (tăng 0,23‰).
Theo dự báo của Bộ NN-PTNT từ ngày 26/3-6/4, mặn có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức tương đối cao. Từ ngày 8-15/4, mặn sẽ tăng theo chu kỳ triều cường giữa tháng 3 âm lịch. Ranh mặn 4‰ sẽ xuất hiện cách các cửa sông như: cửa Tiểu, cửa Đại từ 50-55km thấp hơn; sông Hàm Luông từ 70-75km; thấp hơn từ 2-8km so với thời điểm cao nhất của tháng 3/2020.
Do độ mặn quá cao, người dân trồng cây ăn trái phía Nam Quốc lộ 1A của các huyện phía Tây của tỉnh không có nguồn nước ngọt để tưới cho cây ăn trái. Chủ yếu là cây sầu riêng, rất mẫn cảm với mặn. Theo khảo sát, đánh giá của Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, vùng phía Tây hiện nay có 25.843ha cây ăn trái đang bị thiếu nước tưới, suy kiệt cần hỗ trợ kịp thời. Trong đó, chủ yếu là sầu riêng với diện tích là 13.043ha. Còn lại là cây mít (6.337ha), bưởi, chôm chôm, vú sữa.
Riêng tại các huyện phía Đông, trong vùng dự án ngọt hoá Gò Công, hiện có 2.222ha cây ăn trái như thanh long, mít, bưởi,..đang cần ưu tiên cung cấp nước tưới do bị suy kiệt.
Thuê sà lan chở trên 2,4 triệu khối nước
Theo ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang: UBND tỉnh Tiền Giang đã có các phương án nhằm giúp nhân dân ổn định sản xuất, giảm bớt chi phí và chăm sóc phục hồi vườn cây suy kiệt do thiếu nước. UBND tỉnh giao cho Sở NN-PTNT phối hợp với các huyện, thị xã vận chuyển nước ngọt từ thượng nguồn sông Tiền về cung cấp khẩn cấp cứu khát cho vườn cây ăn trái của tỉnh.
Trước đó, đối với cây sầu riêng, tỉnh Tiền Giang đã thuê sà lan chở nước về cung cấp tại 37 điểm của 4 huyện, thị xã phía Tây. Dự kiến sẽ có khoảng 1,375 triệu mét khối nước ngọt cho người dân đến lấy từ ngày 12/3-30/4.
Mới đây, các ngày: 23, 25/3 UBND Tiền Giang tiếp tục có các phương án thuê sà lan chở nước ngọt cung cấp cho các vườn cây ăn trái đang trong vòng suy kiệt do hạn mặn. Tại các huyện phía Tây, đối với các loại cây ăn trái khác, Tiền Giang tiếp tục thuê sà lan cung cấp gần 849.000 mét khối để kịp thời hỗ trợ cho các vườn cây như mít, bưởi,… vượt qua giai đoạn khó khăn này. Thực hiện cung cấp cho người dân đến lấy từ ngày 24/3.
Tại các huyện phía Đông, Tiền Giang cũng đã có phương án thuê sà lan chở khoảng 230.000 nghìn mét khối để hỗ trợ khẩn cấp cho 2.222ha diện tích cây ăn trái đang giai đoạn suy kiệt. Sáng ngày 26/3, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức đợt cung cấp nước ngọt đầu tiên cho các hộ dân ở vùng phía Đông đến lấy.
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Tiền Giang, trước mắt tỉnh sẽ chở nước ngọt cho các địa phương trên trong thời gian 1 tháng. Tuy nhiên căn cứ tình hình diễn biến của hạn mặn Sở NN-PTNT Tiền Giang sẽ có phương án đề xuất UBND tỉnh kéo dài thời gian hỗ trợ người dân.