| Hotline: 0983.970.780

Tiến sĩ Trần Hữu Đức lý giải hạnh phúc không mọc trên cây

Thứ Ba 08/11/2022 , 17:21 (GMT+7)

Tiến sĩ Trần Hữu Đức thông qua cuốn sách ‘Hạnh phúc không mọc trên cây’ giúp công chúng nhận diện ‘nghiện khổ’ để nỗ lực ‘ngưng khổ’ và thực hành ‘tạo phúc’

Tiến sĩ Trần Hữu Đức.

Tiến sĩ Trần Hữu Đức.

Tiến sĩ Trần Hữu Đức được đào tạo lĩnh vực Quản trị Giáo dục tại Ifugao State University, Philippines. Tiến sĩ Trần Hữu Đức có kinh nghiệm 30 năm cung cấp giải pháp quản trị nguồn nhân lực. Hiện tại, tiến sĩ Trần Hữu Đức được đánh giá là một chuyên gia tham vấn kỹ năng sống và trị liệu tâm lý.

Với quan niệm “hạnh phúc là trạng thái mặc định của tâm trí. Thế nên, một tâm tĩnh lặng và một trí minh mẫn sẽ cho ta cảm nhận được hạnh phúc vốn vẫn luôn ở trong ta”, tiến sĩ Trần Hữu Đức biên soạn cuốn sách “Hạnh phúc không mọc trên cây” vừa được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.

“Hạnh phúc không mọc trên cây” là cụm từ lấy ý tứ từ một câu chuyện xưa. Người ta tin rằng trên đời có một “cây hạnh phúc” mọc ở hòn đảo xa, chỉ cần vượt qua muôn ngàn gian khó, đi đến hái được quả cây ấy là sẽ có hạnh phúc. Có thật vậy chăng? Không, hạnh phúc không mọc trên cây.

 Hạnh phúc của mỗi người không có cùng một hình hài. Coi hạnh phúc là “quả mọc trên cây” chẳng khác nào tự ràng buộc mình rằng phải đạt đến những điều kiện về tiền tài, danh vọng, gia đình, con cái, sức khỏe, sắc đẹp… thì mới được hạnh phúc. Cuộc đời nhiều thăng trầm như vậy, liệu có thể đạt hết được chăng, và liệu khi đó có hạnh phúc thật chăng?

Tiến sĩ Trần Hữu Đức gợi mở hạnh phúc là một dạng kỹ năng, có thể rèn luyện và bồi đắp. Nghĩa là, bất kỳ ai đang ở vị trí và hoàn cảnh nào, vẫn có thể khả năng chạm vào hạnh phúc. Cuốn sách “Hạnh phúc không ở trên cây” được chia làm 3 phần.

Phần thứ nhất: Nghiện khổ và cai nghiện khổ. Vận dụng khoa học thần kinh để xác định những phản ứng sinh hóa trong não bộ sẽ quyết định cảm xúc hạnh phúc hay đau khổ của chúng ta. Khi lo sợ, căng thẳng, tức giận…cơ thể tiết ra adrenaline; còn oxytocin và endorphin sẽ cho ta cảm giác an lạc (bình tĩnh, vui vẻ). Vấn đề là adrenaline là chất gây nghiện, hai chất kia thì không. Khi ta khổ đau, ta muốn thoát khỏi, nhưng có gì đó khiến ta luôn lặp lại chuyện khiến mình đau khổ, như là nghiện.

Phần thứ hai Ngưng khổ. Phân tích những trường hợp mà con người thường phạm vào và dẫn đến nỗi khổ. Những điều này lại thường rơi vào nhưng người giỏi giang, có địa vị, chịu trách nhiệm cao. Khi cho rằng mình biết tuốt, cô lập bản thân, đổ lỗi, kiểm soát, chỉ trích, cố gây ấn tượng… thì sẽ “tự tạo khổ” cho bản thân và người xung quanh.

Phần thứ ba: Tạo phúc. Phần này là những khơi gợi sâu và hướng dẫn cụ thể để hình thành nhiều thói quen dẫn đến lối sống hạnh phúc, hay nói cách khác, đây là phần bồi dưỡng “kỹ năng hạnh phúc” trong từng việc: Ăn uống, suy nghĩ, thiền, ngủ, thể dục, học tập… thậm chí là việc vệ sinh.

Cuốn sách 'Hạnh phúc không mọc trên cây'

Cuốn sách "Hạnh phúc không mọc trên cây"

Cuốn sách “Hạnh phúc không mọc trên cây” đưa ra ba nhóm tác nhân ảnh hưởng đến hạnh phúc con người. Nhóm tác nhân thứ nhất là kết cấu gien, và tất cả những gì ta có thể gọi là “bẩm sinh”, như sức khỏe, trí não, năng khiếu, ngoại hình...

Nhóm tác nhân thứ hai ảnh hưởng đến hạnh phúc con người là môi trường sống. Một quốc gia hòa bình, thịnh vượng hay một quốc gia chiến tranh, nghèo đói, một khu phố lịch thiệp, lương thiện hay một khu ổ chuột, xóm tệ nạn, một gia đình yêu thương, đề huề, hay một gia đình bạo lực, rời rạc... sẽ tạo ra chất lượng cuộc sống khác nhau.

Nhóm tác nhân thứ ba ảnh hưởng đến hạnh phúc con người là chính ta. Thống kê đã chứng minh rằng thực ra ta quyết định một phần đáng kể, 40%, đến mức độ hạnh phúc của ta thông qua những thói quen, thái độ, và quan điểm của ta về cuộc sống.

Tiến sĩ Trần Hữu Đức nhấn mạnh: “Ai cũng cho rằng sống là để mưu cầu hạnh phúc, và không khéo, đây lại là căn nguyên của sự bất hạnh trong cõi đời này. Hạnh phúc không phải là đích đến, hạnh phúc cũng chẳng phải cái để đi tìm. Hạnh phúc không mọc trên cây. Sinh ra là đã có hạnh phúc, chính quá trình lớn lên làm cho ta bất hạnh. Học hành làm cho ta ngộ nhận. Quảng cáo làm cho ta lạc đường. Giống như gió làm cho biển dậy sóng. Gió lặng thì biển trở về thành nước, trong veo, hiền hòa. Cũng nước ấy khi gió bão sẽ là sóng cao gầm thét, có thể nhấn chìm mọi thứ!

Hạnh phúc ví như nước, bất hạnh ví như sóng. Sóng chính là nước bị gió bão làm biến dạng. Bất hạnh chính là biến dạng của hạnh phúc. Hạnh phúc đã nằm trong cái bất hạnh của ta rồi! Có mất bao giờ đâu mà đi tìm!? Vì đề bài toán đã sai, nên càng cố giải bài toán ta càng sai! Và vì thế mà cuộc sống này vẫn còn quá ít những người thật sự hạnh phúc”

Xem thêm
Đàn ông toan tính không thể có hạnh phúc hôn nhân

Đàn ông toan tính chạy theo nhan sắc và tiền bạc, thì dù có khéo léo đến mấy cũng lộ ra khuôn mặt bội bạc và khó giữ mái ấm đích thực.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?