| Hotline: 0983.970.780

Tiền tỷ treo trên những cánh rừng già: [Bài 2] Lúng túng khi ‘tiêu’ tiền bán tín chỉ carbon

Thứ Tư 10/04/2024 , 06:00 (GMT+7)

Quảng Bình Số tiền bán tín chỉ carbon được phân bổ cho các đơn vị chủ rừng ở Quảng Bình khá lớn. Tuy nhiên, để chi trả số tiền này không phải là dễ…

Với số tiền được nhận bán tín chỉ carbon của Ban Quản lý rừng phòng hộ Quảng Ninh (BQL RPH), trên 8,2 tỷ đồng, ông Đoàn Minh Cừ, Giám đốc  BQL RPH Quảng Ninh cho hay: “Đơn vị đã chi trả được khoảng 10% tổng số tiền là hơn 800 triệu đồng. Số tiền còn lại thì thực sự lúng túng khi phân bổ kế hoạch chi tiêu. Những khó khăn này đã như “bó” tay chúng tôi lại. Hiện đơn vị đang gửi tiền ở kho bạc và đang chờ hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền thì mới sử dụng được nguồn kinh phí này”.

Lực lượng bảo vệ rừng Quảng Ninh thực hiện tuần rừng sát vùng biên giới. Ảnh: T. Đức.

Lực lượng bảo vệ rừng Quảng Ninh thực hiện tuần rừng sát vùng biên giới. Ảnh: T. Đức.

Rất khó tiêu được tiền

Dù những năm qua, BQL RPH Quảng Ninh hưởng ngân sách nên luôn trong tình trạng “không có tiền” cho nhiệm vụ bảo vệ rừng. Do vậy, số lao động được hợp đồng của những năm trước đây đành phải chấm dứt. Một số viên chức bảo vệ rừng nhưng lương thấp lại không có chế độ thù lao đặc thù nên cũng xin thôi việc. Lãnh đạo Ban cũng “ao ước” có được khoản tiền để chi phí vào nhiệm vụ trọng yếu là giữ rừng nhưng cũng thật khó.

Năm ngoái, số tiền Ban nhận được từ bán tín chỉ carbon khá lớn, nhưng chi tiêu nó lại là câu chuyện khác.

Theo quy định thì tiền này phần lớn được chi cho các hộ dân tham gia bảo vệ rừng, trong khi lực lượng của đơn vị đều là viên chức, hưởng lương của nhà nước nên không thể nhận hỗ trợ từ nguồn kinh phí này. Phần lớn diện tích rừng của Ban đã khoán cho người dân bảo vệ từ “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, giai đoạn I với số tiền 400 nghìn đồng/ha/năm.

Hiện, Ban đã thực hiện ký hợp đồng bảo vệ rừng với 1.119 hộ đồng bào dân tộc miền núi của các xã Trường Sơn, Trường Xuân (huyện Quảng Ninh) và xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy), từ “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, với số diện tích ký kết bảo vệ là trên 39.500 ha và số tiền chi trả mỗi năm trên 14 tỷ đồng. “Điều này có nghĩa là bà con không được nhận thêm tiền hỗ trợ trong số tiền bán tín chỉ carbon chỉ trừ khi có quy định hay hướng dẫn mới”, ông Cừ nói thêm.

Một điều đáng quan tâm nữa là nguồn kinh phí từ bán tín chỉ carbon này sẽ hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế cho người dân 16 cộng đồng thôn, bản trên địa bàn huyện.

Ông Đoàn Minh Cừ tính toán: “Mỗi cộng đồng được hỗ trợ 1 mô hình trị giá 50 triệu đồng/năm thì trong 3 năm sẽ có thêm 48 mô hình. Như vậy số tiền chi cho tạo sinh kế cũng rất ít, trong khi đó số kinh phí còn lại vẫn rất nhiều tỷ đồng sẽ không được chi vào những khoản mục khác”.

Do được hưởng lương ngân sách nên anh em bảo vệ rừng thuộc các Ban Quản lý rừng phòng hộ khó được hưởng nguồn lợi từ bán tín chỉ carbon. Ảnh: T. Đức.

Do được hưởng lương ngân sách nên anh em bảo vệ rừng thuộc các Ban Quản lý rừng phòng hộ khó được hưởng nguồn lợi từ bán tín chỉ carbon. Ảnh: T. Đức.

Cũng theo tính toán của lãnh đạo Ban, các khoản được chi từ tiền bán tín chỉ carbon khoảng 30% tổng số tiền được phân bổ về, tức là vào khoảng hơn 2,4 tỷ đồng. Số tiền còn lại hơn 5,6 tỷ đồng thì đang đợi hướng dẫn của cấp trên thì mới chi trả được.

“Chúng tôi mong trong số tiền này sẽ được chi cho mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ rừng như áo quần, đồ đi mưa, dao rựa, đèn, xe máy… Một phần nữa được chi hỗ trợ cho những người trực tiếp bảo vệ rừng như đi tuần tra rừng, ở các chốt, trạm trong rừng để phần nào nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho anh em”- ông Cừ mong muốn.

Riêng kinh phí hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế cho người dân cũng phát sinh nhiều vấn đề khi thực hiện. Nếu tiền này giao cho ban thì phải cử cán bộ khảo sát các mô hình để hỗ trợ bà con mới phát huy được hiệu quả. Mà như vậy thì Ban cũng không đủ người có chuyên môn để cùng chính quyền địa phương hướng dẫn bà con phát triển kinh tế. “Nhưng nếu giao tiền cho bà con, cộng đồng thì rất ít có hiệu quả, không đáp ứng được mục tiêu đề ra”, ông Cừ nói thêm.

Phải sát với thực tế

Công ty trách nhiệm hữu hạn lâm công nghiệp Bắc Quảng Bình (Công ty Bắc Quảng Bình), được phân bổ tiền bán tín chỉ carbon được hơn 4 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị được chi 10% trên tổng số tiền cho quản lý hành chính. Tuy nhiên, cũng như các đơn vị khác, Công ty cũng đang “đau đầu” với việc tiêu tiền.

Ông Trần Quảng Đảm, Giám đốc Công ty bắc Quảng Bình là người có thâm niên hơn 40 năm trong nghề bảo vệ rừng nhìn nhận: ‘Chưa thấy văn bản nào về lâm nghiệp mà khi đưa ra thực hiện được suôn sẻ. Việc thực thi với thực tế là một khoảng cách rất lớn”.

Rừng tự nhiên do Công ty Bắc Quảng Bình quản lý được bảo vệ tốt qua hằng năm. Ảnh: T. Đức.

Rừng tự nhiên do Công ty Bắc Quảng Bình quản lý được bảo vệ tốt qua hằng năm. Ảnh: T. Đức.

Theo ông Đảm, từ thực tế tại doanh nghiệp bảo vệ rừng và họ đã giữ được rừng để đủ tiêu chuẩn bán tín chỉ carbon. “Vậy nhưng, những người này không được hưởng lợi từ tiền này vì những quy định cụ thể đã ban hành.  Doanh nghiệp chúng tôi giữ rừng, bán độ che phủ rừng nhưng lại không được hưởng để tái tạo sức lao động, để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ rừng. Đó là điều cần sửa đổi”.

Hướng dẫn chi trả quy định “Chỉ phí triển khai thực hiện đảm bảo nguyên tắc hợp lý, không chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách nhà nước”. Hiện tại toàn bộ diện tích rừng tự nhiên thuộc đối tượng phòng hộ và sản xuất của Công ty Bắc Quảng Bình đang hưởng ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2020 - 2025, gồm giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ và hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên sản xuất trong thời gian đóng cửa rừng.

“Do vậy, nếu triển khai thực hiện bảo vệ rừng tự nhiên và giải ngân tài chính ERPA sẽ chồng chéo diện tích đang được hưởng kinh phí từ ngân sách nhà nước. Vì vậy, chủ rừng cũng không thể chi tiền này khi quy định đã rất cụ thể như vậy”, ông Đảm nói thêm.

Một khó khăn đặc trưng nữa cho các doanh nghiệp là chủ rừng (như Công ty Bắc Quảng Bình) là mức khoán bằng mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho khoán bảo vệ rừng theo các chính sách hiện hành áp dụng trên địa bàn.

Các trạm bảo vệ rừng ở những nơi xa , khó khăn vẫn trong tình trạng tạm bợ thiếu thốn cần có kinh phí để xây dựng lại. Ảnh: T. Đức.

Các trạm bảo vệ rừng ở những nơi xa , khó khăn vẫn trong tình trạng tạm bợ thiếu thốn cần có kinh phí để xây dựng lại. Ảnh: T. Đức.

“Rừng có được như hôm nay là công sức chúng tôi cống hiến qua các thời kỳ, là chủ rừng thực sự mà khó được hưởng đến thế. Vì vậy, cần và mong có sự điều chỉnh, sửa đổi phù hợp thì mới động viên người giữ rừng làm tốt hơn. Tiền thì không tiêu được, trong khi đó Trạm bảo vệ rừng nơi anh em sinh hoạt, làm nhiệm vụ thì đang tạm bợ, thiếu thốn đủ mọi thứ”, ông Đảm bộc bạch.

Theo đó, mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho khoán bảo vệ rừng theo các chính sách hiện hành áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình là 300.000 đồng/ha, mức chi giảm phát thải khí nhà kính chủ rừng được hưởng là 170.000 đồng/ha, sau khi trích kinh phí quản lý 10% và chỉ cho UBND cấp xã có cộng đồng dân cư tham gia quan lý rừng..., phần kinh phí còn lại chỉ còn hơn 100.000 đồng/ha.

“Nếu thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho các cộng đồng dân cư trên địa bàn thì chỉ giao khoán được 35 - 45% diện tích hiện tại chủ rừng đang quản lý. Việc giao khoán cho các hộ gia đình theo Nghị định 168/2016 – NĐ/CP thì số hộ giao rất lớn và phải có thiết kế giao khoán. Để có được thiết kế giao khoán thì kinh phí cũng rất lớn mà chúng tôi thì không thể lấy đâu ra khoản chi phí này”, ông Đảm nêu thêm khó khăn.

Điều mà lãnh đạo Công ty Bắc Quảng Bình cũng như các đơn vị trong các tỉnh được hưởng lợi băn khoăn là doanh nghiệp nhà nước bảo vệ rừng hàng chục năm nay với hàng trăm người lao động làm nhiệm vụ bảo vệ rừng chuyên trách nhưng không có quy định nào cho đối tượng này được hưởng từ nguồn tiền chi trả bán tín chỉ carbon.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm